Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 20 (COP-20) đang diễn ra tại thủ đô Lima, Peru đã kết thúc ngày làm việc thứ 2. Và cũng giống như những lần họp trước đó, dù đều chung quyết tâm chống biến đổi khí hậu, song các nước tham gia lại bất đồng gay gắt về vấn đề phân chia trách nhiệm nhằm tăng cường hiệu quả và sự phối hợp trong cuộc chiến dài hơi này.
“Hợp tác quốc tế có nghĩa là các nước phát triển phải làm nhiều hơn những gì đang làm hay dự định làm để phù hợp với lượng phát thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính của họ và phải hợp tác hơn nữa với các nước đang triển thông qua việc tăng cường các nguồn hỗ trợ tài chính, tiếp cận công nghệ, xây dựng kỹ năng và giải quyết những hậu quả về kinh tế do các biện pháp ứng phó của họ. Chỉ có như thế, các nước đang phát triển mới cho thể tăng cường khả năng thích ứng, giảm thiểu những nguy cơ của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.”
Lâu nay, các nước đang phát triển, hiện dựa chủ yếu vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, đổ lỗi cho các nước phương Tây vì thời gian dài trong quá khứ đã thải nhiều khí CO2 khiến Trái Đất nóng lên và vì thế muốn các nước giàu phải chịu trách nhiệm lớn hơn khi giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, phương Tây lại cho rằng, các nền kinh tế mới nổi cũng phải chia sẻ trách nhiệm bởi trên thực tế Trung Quốc hiện là quốc gia thải khí CO2 nhiều nhất thế giới, trong khi Ấn Độ đứng thứ tư, sau Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Mỹ và nhiều nước giàu không muốn hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo để đối phó với biến đổi khí hậu với lý do Nghị định thư Kyoto không đề ra giới hạn về lượng khí thải đối với Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác.
Dù được xem là vấn đề muôn thuở, song đây vẫn là điểm nóng của các Hội nghị Liên hợp quốc về vấn đề biến đổi khí hậu. Bởi, những bất đồng về lợi ích và trách nhiệm trong việc hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính luôn là rào cản lớn nhất khiến các bên không thể đi tới một thỏa thuận.
Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 20 này là hội nghị cuối cùng trước thời hạn chót các nước phải ký kết được một hiệp định mới thay thế Nghị định thư Kyoto tại hội nghị năm sau ở Paris (Pháp).
Nếu đạt được thì đây sẽ là văn kiện đầu tiên mang tính ràng buộc đối với các tất cả các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, buộc các nước phải đưa đưa ra và tuân thủ các cam kết về khống chế lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính, một trong những thủ phạm của tình trạng Trái Đất ấm lên.
Dẫu các cuộc thảo luận được dự báo là sẽ không dễ dàng, song cộng đồng thế giới đều kỳ vọng hội nghị lần này sẽ mở ra hi vọng cho cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Ngay trước thềm hội nghị, các nhà khoa học thế giới đã công bố các nghiên cứu, trong đó cảnh báo, nếu tiến trình này chậm trễ thì chỉ trong 15 năm tới, nhân loại sẽ phải đối mặt với thảm họa khôn lường do biến đổi khí hậu gây ra như nước biển dâng, băng tan tại các cực, hạn hán, lũ lụt và thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Lời cảnh báo thiết thực nhất là việc nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 10 tháng năm nay đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1880 và tháng 10 vừa qua cũng là tháng 10 nóng nhất từ trước đến nay.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu các nước không nhanh chóng hành động, thế giới sẽ còn chứng kiến nhiều tháng nắng nóng kỷ lục hơn nữa và hậu quả của tình trạng nóng ấm toàn cầu sẽ còn tội tệ hơn rất nhiều./.