Sau các cuộc thảo luận căng thẳng kéo dài gần 8 giờ đồng hồ tại thủ đô Brussels, Bỉ, đêm 23/10, 28 nước thành viên Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận về khí hậu, trong đó khẳng định quyết tâm cắt giảm 40% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2030.
Đây được đánh giá là một trong những mục tiêu quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Văn kiện đạt được đề ra 3 mục tiêu lớn về khí hậu: giảm 40% lượng khi phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2030 so với năm 1990, đưa năng lượng tái tạo chiếm 27% nguồn năng lượng sử dụng và đặt mục tiêu tiết kiệm 30% năng lượng từ nay đến năm 2030.
Ngoài ra, với sự thúc đẩy mạnh của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng cam kết thúc đẩy các mối liên kết xuyên biên giới để cải thiện dòng chảy nguồn cung năng lượng giữa các quốc gia thành viên, cũng như tăng cường khả năng độc lập về năng lượng của khối.
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, văn kiện đạt được là một tin tức tốt lạnh đối với khí hậu, người dân, sức khỏe và hội nghị quốc tế về khí hậu dự kiến diễn ra tại Pháp vào năm 2015, cũng như đối với lĩnh vực phát triển bền vững, an ninh năng lượng và khả năng cạnh tranh.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, với kết quả đạt được sau 2 ngày họp tại Brussels, Liên minh châu Âu đã thành công trong việc tạo ra một khuôn khổ mang tính quyết định giúp tăng cường tiếng nói của châu Âu trong các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu.
Bà Merkel nói: “Chúng ta đã đạt được một bước tiến quan trọng. Với những mục tiêu đặt ra, châu Âu chắc chắn sẽ trở thành một đối tác quan trọng trong việc thúc đẩy một thỏa thuận quốc tế về khí hậu. Theo tôi, một trong những kết quả quan trọng nhất là mục tiêu đưa năng lượng tái tạo chiếm 27% nguồn năng lượng sử dụng. Đây là mức tối thiểu và tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể được làm nhiều hơn. Song điều quan trọng vẫn là đảm bảo mục tiêu này”.
Tuy nhiên, đối với các hiệp hội môi trường, thỏa thuận đạt được là đáng thất vọng và là một sự kìm hãm đối với năng lượng sạch. Theo nhóm Những người bạn của Trái đất, các mục tiêu đặt ra thấp hơn nhiều so khả năng mà châu Âu có thể làm được để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, tổ chức phi chính phủ Oxfam cho rằng, những hành động không đủ mạnh của những nước giàu nhất đang tạo gánh nặng cho những người dân nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và ít trách nhiệm nhất trong cuộc khủng hoảng này.
Dẫu vậy theo các nhà phân tích, kết quả lớn nhất mà hội nghị đạt được không phải là những mục tiêu đó, mà là sự chia sẻ trách nhiệm giữa các nước thành viên.
Tới tận phút chót, hội nghị vẫn chứng kiến sự bất đồng gay gắt giữa những nước nghèo, chủ yếu là tại Đông Âu, vốn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch như than với những nước giàu nhất vốn dựa vào năng lượng hạt nhân hay đã trải qua tiến trình chuyển đổi năng lượng.
Tuy nhiên, với kết quả cuộc họp ngày hôm qua, các bên có thể tạm hài lòng. Những nước nghèo đã phần nào được “bù đắp”, với việc thành lập quỹ khí hậu chủ yếu được tài trợ bằng việc mua bán hạn ngạch phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính./.