Một Hiệp định toàn cầu chống biến đổi khí hậu vào năm 2015 có nhiều khả năng đạt được sau khi Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu cam kết hành động, nhưng hiệp định đó có thể không đủ mạnh để ngăn chặn trái đất nóng dần lên.

bien_doi_khi_hau_vtqm.jpg(ảnh: SMH)
Từ ngày 1 đến 12/12 tới, đại biểu của gần 200 quốc gia sẽ họp tại Lima, Peru để bàn cách giảm khí thải, chống biến đổi khí hậu với mục tiêu đạt được một Hiệp định quốc tế trong vòng 1 năm tới. Tại hội nghị, các đại biểu sẽ bàn cách thúc đẩy kế hoạch hành động ở mỗi nước. Theo đó, trong những năm tới sẽ phải khống chế nhiệt độ tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Tháng trước, Liên minh châu Âu đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 40% lượng khí thải so với mức của năm 1990 và chuyển dần từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Mới đây, tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm 26 đến 28% lượng khí thải so với năm 2005.

Các nước tài trợ gần đây cũng cam kết cấp 9,3 tỷ USD viện trợ cho Quỹ Khí hậu Xanh nhằm giúp các nước đang phát triển giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các bằng chứng khoa học mới cảnh báo thế giới sẽ hứng chịu nhiều trận bão, lũ, nắng nóng, cũng như sự gia tăng của  axit đại dương và nước biển dâng./.