Chế độ Taliban ở Afghanistan đang cố gắng thiết lập kiểm soát đối với các thể chế của Afghanistan nhưng vẫn có một “vùng xám” lớn. Hầu hết trong tổng số 70 cơ quan ngoại giao của Afghanistan ở nước ngoài vẫn hoạt động độc lập với chế độ Hồi giáo Taliban cứng rắn. Chế độ Taliban hiện không được quốc tế công nhận, trong khi đa phần các cơ quan ngoại giao của Afghanistan ở hải ngoại không nhận chu cấp tài chính trực tiếp từ Kabul.
Đại sứ quán vẫn trung thành với chế độ cũ
Các vị khách tới thăm Đại sứ quán Afghanistan ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ được chào đón bằng bức ảnh cựu Tổng thống Ashraf Ghani khi họ bước vào tòa nhà này. Ông Ghani di tản khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021 khi Taliban bao vây thủ đô trước khi chính phủ thân phương Tây của ông sụp đổ.
Ảnh cựu Tổng thống Ghani cũng được treo trên tường văn phòng Đại sứ Farid Mamundzay hiện vẫn còn lá cờ 3 màu đen - đỏ - xanh của nền cộng hòa Afghanistan trước đây.
Ông Mamundzay nói: “Chúng tôi ít có sự điều phối với Taliban”. Nhân viên của vị đại sứ này tiếp tục tiến hành các công việc như cấp thị thực (visa) và hộ chiếu nhân danh nước Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan mà họ được chỉ định phục vụ trước đây.
Trong thời gian 10 tháng kể từ khi Taliban lên cầm quyền ở Afghanistan, lực lượng Hồi giáo này đã gửi đại sứ tới duy nhất 4 nước là Nga, Pakistan, Trung Quốc và Turkmenistan. Nhưng ngay cả 4 nước này cũng chưa công nhận ngoại giao chính thức đối với lực lượng mới cầm quyền ở Afghanistan.
Chính phủ Ấn Độ đã cho phép Đại sứ quán Afghanistan tại New Delhi được phép hoạt động như một sự nối dài của chính phủ trước đây của Afghanistan, tương tự như những gì Ấn Độ đã làm khi Taliban lên nắm quyền trong giai đoạn từ năm 1996-2001, khi mà đại sứ quán này đại diện cho chính quyền của cựu Tổng thống Burhanuddin Rabbani.
Bất chấp sự thay đổi chính thể ở Kabul, ông Mamundzay cho hay Đại sứ quán vẫn tuân thủ các quy tắc và chính sách của chính phủ cũ đã bổ nhiệm ông.
Dù Taliban muốn đảm nhiệm chức năng của các phái đoàn ngoại giao Afghanistan trên thế giới, họ thiếu tiền để làm vậy. Kinh tế Afghanistan đang rơi tự do kể từ khi Taliban giành được chính quyền. Viện trợ nước ngoài cạn kiệt còn các tài sản của quốc gia Nam Á này ở nước ngoài lại bị đóng băng, trong khi cộng đồng quốc tế gắn chặt các khoản tài chính với tiến bộ trong các vấn đề như nhân quyền và sự đối xử dành cho phụ nữ.
Duy trí hoạt động nghiệp vụ như bình thường, có phối hợp với Bộ Ngoại giao Taliban
Đại sứ Mamundzay tuyên bố, Đại sứ quán Afghanistan ở Ấn Độ và hầu hết các cơ quan tương tự ở các nước khác đã khẳng định chỉ chấp nhận sự kiểm soát của chế độ Taliban với một điều kiện: Taliban trước tiên phải hình thành một chính phủ dân tộc mang tính bao trùm, đa dạng và trao các quyền cơ bản cho phụ nữ.
Ngay sau khi lên nắm quyền, Taliban bắn tiếng rằng họ có thể lựa chọn cách tiếp cận linh hoạt hơn đối với quyền phụ nữ. Nhưng trong vài tháng qua, Taliban đã áp dụng vài biện pháp cứng rắn, bao gồm việc yêu cầu phụ nữ đeo mạng che mặt.
Tuần trước, sau khi hơn 1.000 người thiệt mạng trong cuộc động đất chết chóc nhất ở Afghanistan trong 2 thập kỷ, hàng chục kiều dân Afghanistan tụ tập ở vườn Đại sứ quán tại New Delhi – một số tới đó để hoàn thành thủ tục giấy tờ, số khác thì lo lắng ngóng tin từ quê nhà.
Đại sứ Mamundzay cho biết, Đại sứ quán tiếp tục phát và gia hạn thị thực và hộ chiếu nhân danh nước cộng hòa trước đây mà bản thân giới cầm quyền Taliban cũng tôn trọng.
Đại sứ Mamundzay nói: “Các lãnh đạo Taliban đi lại bằng chính hộ chiếu của nước cộng hòa đó”, vì các nước không công nhận hộ chiếu và các giấy tờ khác do Taliban cấp.
Mặc dù số người đi từ Ấn Độ sang Afghanistan đã giảm đáng kể sau khi Taliban nắm chính quyền, nhiều người vẫn về Afghanistan để thăm gia đình hoặc lấy giấy tờ.
Đại sứ quán ước tính khoảng 100.000 công dân Afghanistan sống ở Ấn Độ, trong số này, khoảng 30.000-35.000 người là người tị nạn, gần 15.000 người là sinh viên.
Đại sứ quán này và các lãnh sự quán của Afghanistan ở các thành phố Hyderabad và Mumbai vẫn giữ liên lạc hàng ngày với bộ phận lãnh sự của Bộ Ngoại giao ở Kabul về công tác giấy tờ công dân Afghanistan, bao gồm giấy chứng nhận kết hôn và ly hôn, cũng như cấp giấy khai sinh và giấy chứng tử.
Một vấn đề khác đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với Talban là viện trợ nhân đạo.
Đại sứ Mamundzay nói: “Ấn Độ đã gửi viện trợ tới Kabul sau vụ động đất mới đây. Chúng tôi được yêu cầu phối hợp với Bộ Ngoại giao ở Kabul”.
Kinh phí thu hẹp
Đại sứ Mamundzay cho biết, thu nhập của phái đoàn ngoại giao Afghanistan ở Ấn Độ đã giảm đáng kể kể từ khi chính phủ của ông Ghani bị lật đổ.
Ông Mamundzay nói: “Có thời điểm chúng tôi có tới 10-15 chuyến bay mỗi tuần từ đây tới Kabul. Có nhiều việc phải làm. Chúng tôi tham gia đầy đủ và bận rộn. Nhưng thu nhập đã giảm 80%”.
Tình hình diễn ra tương tự ở các nước khác. Hồi tháng 5, Mỹ đã tiếp quản khu đại sứ quán Afghanistan ở thủ đô Washington và các lãnh sự quán của nước này ở New York và Los Angeles do các cơ quan ngoại giao đó đối mặt với các hạn chế nghiêm trọng về tài chính khiến không thể tiếp tục duy trì hoạt động.
Tại Ấn Độ, Đại sứ Mamundzay và nhân viên của mình phải tằn tiện từng xu để bảo đảm hoạt động của Đại sứ quán.
Ở New Delhi, Đại sứ quán sở hữu tòa nhà chính và các khu ở dành cho nhân viên, nên họ tiết kiệm được tiền thuê nhà. Họ cũng kiếm được tiền thông qua công tác lãnh sự, như là khoản thu phí visa.
Đại sứ cho biết thêm, 21 nhà ngoại giao Afghanistan ở Delhi, Mumbai và Hyderabad đã chấp nhận giảm lương đáng kể. Ông nói: “Chúng tôi đang làm việc vì Tổ quốc, đang phục vụ dân chủ. Đây chỉ là một cái giá nhỏ phải trả”.
Vài nét cơ bản về Afghanistan:
-Taliban cai trị Afghanistan: Những phần tử Hồi giáo cứng rắn kiểm soát toàn bộ Afghanistan vào năm 2021, gần 20 năm sau khi bị Mỹ lật đổ bằng một chiến dịch quân sự.
-Khủng hoảng lương thực: Hơn 1/3 dân số Afghanistan không được đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Nền kinh tế suy sụp, Viện trợ nước ngoài và tiền mặt cạn kiệt khi Taliban lên nắm quyền.
-Quyền phụ nữ bị hạn chế: Họ được lệnh phải che mặt ở nơi công cộng và các cô gái tuổi teen không được phép tới trường./.