Nhóm các nước mới nổi BASIC (gồm Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc) hôm qua (13/8) tuyên bố các nước này đang đi trước các nước phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Các nước mới nổi cáo buộc các nước phát triển vẫn duy trì mức cắt giảm khí thải thấp. Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javadekar cho biết, các nước mới nổi đã có những hành động tự nguyện để cắt giảm khí thải và có biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Tuyên bố này được đưa ra trước thềm Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu do Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tổ chức vào tháng 9 tới tại New York.

Hội nghị nhằm vận động sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ cho một Hiệp định khí hậu toàn cầu vào năm 2015.

Các nước mới nổi trước đây thường cho rằng, họ chỉ có nghĩa vụ cắt giảm khí thải trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc bởi hiện nay là giai đoạn đến lượt các nước đang phát triển đẩy nhanh công cụộc phát triển, chống nghèo đói. Do vậy, các nước phát triển phải có “trách nhiệm lịch sử” giảm khí thải vì họ là những quốc gia phát thải lớn nhất kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.

Trong khi đó, các nước phát triển cho rằng, trách nhiệm giảm khí thải cần san sẻ cho các nước đang phát triển vì hiện nay, các nước phát thải nhiều bao gồm cả các nước đang phát triển và mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ.

Giới quan sát nhận định, chừng nào các nước phát triển và các nước mới nổi vẫn còn bất đồng, thì thế giới sẽ không thể đạt được một Hiệp định chống biến đổi khí hậu toàn cầu có ý nghĩa vào năm 2015./.