Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh, người Mỹ gốc Việt, chuyên gia công nghệ thông tin, hiện là cố vấn đối tác chiến lược, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp của Bộ Khoa học và công nghệ, và cố vấn cấp cao Công nghệ và giải pháp của tập đoàn VMED Group. Trước đây, ông đã từng là Giám đốc truyền bá công nghệ của Microsoft Vietnam, vận hành Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Y tế số của Microsoft APAC, kiến trúc sư Giải pháp Điện toán Đám mây, và tư vấn giải pháp cho các doanh nghiệp Vietnam trong các lĩnh vực chuyển đổi số lên điện toán Đám mây.
Tại Hội thảo MedTech 4.0 mới đây, ông Francis Nguyễn Tuấn Anh đã giới thiệu về phần mềm Bệnh án điện tử - một sáng chế trong lĩnh vực công nghệ thông tin y tế do ông cùng học trò phát minh, với mục tiêu nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh trả lời phỏng vấn VOV5 về việc chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh, người Mỹ gốc Việt, chuyên gia công nghệ thông tin, hiện là cố vấn đối tác chiến lược, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp của Bộ Khoa học và công nghệ,
PV: Vâng thưa ông, trong hội thảo MedTech 4.0 mới đây, ông có nói về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, và đã đưa ra những chỉ báo không thể nhầm lẫn giữa việc chuyển đổi số với việc số hóa?
Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh: Có ba vấn đề rất quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin y tế: Thứ nhất, khi nói về chuyển đổi số y tế thì thực sự phải chuyển đổi số chứ không phải chỉ là số hóa.
Sự khác biệt giữa chuyển đổi số và số hóa như thế nào? Ví dụ, số hóa là chúng ta lấy một văn bản bằng giấy, xong ta scan nó để trở thành một văn bản điện tử (vẫn phải in ra để ký - PV). Còn chuyển đổi số thì phải làm một bước xa hơn. Ví dụ trong cải tiến quy trình khám chữa bệnh của một bác sĩ: Số hóa là khám chữa bệnh bằng màn hình phần mềm quản lý bệnh viện, sau đó lại chuyển qua màn hình khác để khám chữa bệnh. Nhưng chuyển đổi số thì phải làm thế nào để bác sĩ có thể dùng phần mềm quản lý bệnh viện, qua một giao diện màn hình được thiết kế y như văn bản giấy mà bác sĩ vẫn quen dùng để khám chữa bệnh. Đây chính là ví dụ về chuyển đổi số trong y tế. Tức là thay vì dùng e-form thì chúng ta dùng e-document (Chứng từ điện tử là thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có thể ký trực tiếp bằng chữ ký điện tử - PV) để làm Hồ sơ bệnh án.
Khi làm được việc này sẽ giúp các bác sĩ rất nhiều: thay vì phải ghi chép từ màn hình phần mềm quản lý bệnh viện xuống một hồ sơ bệnh án giấy, thì bác sĩ chỉ cần ấn một nút và tất cả những dữ liệu từ phần mềm quản lý bệnh viện sẽ chuyển sang phần mềm Hồ sơ Bệnh án điện tử. Văn bản y chang tờ giấy đó được thiết kế ở phần mềm máy tính. Vì vậy, bác sĩ sẽ giảm được thao tác và làm được mọi thứ nhanh chóng hơn.
Tất cả những công nghệ này đều có mục tiêu và mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng, dịch vụ khám chữa bệnh. Thay vì phải thao tác trên phần mềm, bác sĩ sẽ có nhiều thời gian hơn để khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân được mở rộng cho tất cả người bệnh chứ không phải chỉ là bệnh nhân có điều kiện. Đó chính là mục tiêu xứng đáng của ngành y tế.
PV: Nếu chỉ nói đến chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, theo ông, việc cần phải làm nhất trong lĩnh vực này là gì?
Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh: Cần phải có đột phá công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế. Mặc dù là phát triển ở bên trong Việt Nam, make in Vietnam, nhưng nó phải theo tiêu chuẩn quốc tế và có thể sánh vai với những phần mềm công nghệ thông tin y tế khác của thế giới.
Có một việc bắt buộc phải làm, mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam quên không làm là chúng ta phải đăng ký bản quyền Việt Nam, đăng ký bằng sáng chế ở Mỹ. Đây là thông điệp mà tôi muốn gửi đến tất cả các công ty phần mềm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Vì bản thân tôi đã trải qua quá trình gần năm năm để thực hiện giải pháp Hồ sơ Bệnh án điện tử này trên nền e–doccument chứ không phải e–form) và đăng ký bản quyền Việt Nam, đăng ký bằng sáng chế tại Mỹ. Đây thực sự là niềm tự hào của tôi khi phần mềm Hồ sơ Bệnh án Điện tử trên nền e–document được công nhận bởi tổ chức Sáng chế của Mỹ, US Patent Office. Tôi đã được cấp bản quyền sáng chế này.
PV: Ông có thể nói chi tiết hơn về sáng chế này?
Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh: Sáng chế của chúng tôi có tên CLAS Healthcare EMR là giải pháp bệnh án điện tử có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương với bệnh án giấy, tuân thủ theo các tiêu chí tại thông tư 46 và 54 quy định về Bệnh án điện tử mà Bộ Y tế đã ban hành.
Giải pháp được xây dựng và hỗ trợ công nghệ từ các chuyên gia kinh nghiệm hàng đầu tập đoàn Microsoft với các điểm nổi trội: xây dựng trên nền tảng e-document, không phải e-form; linh động khi thay đổi mẫu biểu vì là e-document; ghi vết thay đổi dữ liệu (change tracking) và có thể ký số hay ký điện tử xác thực dùng công nghệ blockchain trên từng y lệnh, tờ bệnh án, toàn bộ bệnh án vì là e-document; khả năng ứng dụng máy học và trí tụê nhân tạo để phân tích dữ liệu trong e-document.
PV: Thưa ông, sáng chế này đã được áp dụng thực tế ở những đơn vị nào tại Việt Nam?
Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh: Sáng chế về phần mềm Hồ sơ bệnh án điện tử này đã được áp dụng thực tế tại hai bệnh viện: Đó là bệnh viện Đa Khoa Long Khánh, đã chuyển đổi được thành bệnh viên không giấy. Và bệnh viện có thể dùng Hồ sơ Bệnh án Điện tử này để nộp cho bảo hiểm xã hội và được thanh toán bảo hiểm y tế. Việc này giúp các bác sĩ rất nhiều trong việc tiến tới một bệnh viện thông minh, từ việc sử dụng Hồ sơ Bệnh án Điện tử đến việc trở thành bệnh viện không giấy.
Bệnh viện thứ hai áp dụng thực tế là bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Bệnh viện này chúng tôi đang hoàn tất và đăng ký với Bảo hiểm xã hội để Hồ sơ Bệnh án điện tử được bảo hiểm y tế chấp nhận.
Ngoài hai bệnh viện này, chúng tôi cũng áp dụng ở một số phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa để phục vụ bệnh nhân trên diện rộng chứ không chỉ nhất thiết là bệnh viện.
PV: Từ một chuyên gia hàng đầu ở Microsoft, đến giờ chặng đường chuyển đổi của ông chuyên sâu hẳn trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe. Với ông thì mục tiêu của chặng đường mới này là gì?
Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh: Khi giữ vị trí Giám đốc Truyền Bá Công Nghệ của Microsoft Vietnam (2012 - 2018) và vận hành TT Đổi mới Sáng tạo Y tế số của Microsoft APAC (2015 - 2018), tôi thấy mình có thể đóng góp rất nhiều cho việc phát triển ngành công nghệ thông tin của Vietnam từ trường học cấp 1-cấp 3, đại học, bệnh viện, cty phần mềm, doanh nghiệp,… Khi vị trí này không tồn tại, tôi đổi qua vị trí Kiến trúc sư Giải Pháp Điện toán Đám mây (2018-2020), và tư vấn các doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lãnh vực chuyển đổi số giải pháp của họ lên Điện toán Đám mây. Tuy nhiên, công việc này mang tính chất thương mại nhiều hơn tính chất cộng đồng và thương mại trong mọi lãnh vực. Trong khi tôi thật sự chỉ đam mê lãnh vực y tế và muốn tập trung toàn tâm toàn ý nên quyết định chọn lối đi riêng.
Sẵn sàng song hành cùng một tầm nhìn ‘không ở ngay trước mắt, tôi đã về VMED Group - một trong những đơn vị hiếm tại Việt Nam có đầy đủ hệ sinh thái cho chăm sóc sức khoẻ tương lai. Tôi về làm Cố vấn Cấp cao Công nghệ và Giải pháp cho Tập đoàn. Mục tiêu của tôi cũng như của tập đoàn là xây dựng Hệ sinh thái và Nền tảng tích hợp Y tế số (thiết bị Y tế, phần mềm, dữ liệu KCB). Khát vọng của VMED là "Connect, Healthier, Happier" có thể tạm dịch: "Kết nối vì một Việt Nam khỏe mạnh và hạnh phúc hơn". Vì thế, tôi hy vọng những đóng góp của mình trong lãnh vực CNTT Y tế nói chung và thông qua VMED Group nói riêng sẽ giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ y tế Việt Nam, để khám chữa bệnh ban đầu hiệu quả hơn và người dân không phải lên tuyến trên trừ khi cần thiết, giống như tại châu Âu và châu Mỹ./.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Phần mềm Bệnh án Điện tử có tên CLAS Healthcare EMR là giải pháp bệnh án điện tử được cung cấp bởi Công ty Cổ phần INFOMED Việt Nam) do ông Francis Nguyễn Tuấn Anh và cộng sự sáng chế năm 2018, đã thắng giải Triển vọng nhất trong Cuộc thi Y tế thông minh của Bộ Y tế tổ chức cùng năm; vào Top Ten Giải thưởng Khoa học công nghệ Sao Khuê, Giải thưởng Công nghệ thông tin của Đông Nam Á Giải pháp và được US Patent Office cấp Bằng Sáng chế Mỹ |