Trong những tuần gần đây lực lượng đặc nhiệm và các đơn vị pháo binh của Nga đã đặt nền móng cho cuộc phản công với việc tấn công các căn cứ trọng yếu và kho đạn dược của Nga, phá hủy các tuyến đường sắt và những cây cầu quan trọng băng qua sông Dnipro – nơi quân đội Nga ở bờ phía Tây sử dụng để bổ sung binh lực hoặc rút lui.
Ukraine đã tập trung binh sỹ và nhu yếu phẩm dọc theo chiến tuyến phía Nam nằm giữa các thành phố Mykolayiv và Kherson. Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ cho rằng, cuộc phản công mà Ukraine lên kế hoạch từ lâu có thể đã bắt đầu. Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, quân đội nước này đang “tiến từng bước để giải phóng hoàn toàn Kherson”.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Andriy Zagorodnyuk nhấn mạnh, các binh sỹ Ukraine “cần phải đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi đây trong thời gian sớm nhất”, còn chuyên gia an ninh Ukraine Alexander Khara cho rằng, “cuộc phản công có cơ hội thành công lớn”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, khả năng thành công của Ukraine vẫn còn là câu hỏi lớn bởi điều này còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ các loại vũ khí tiên tiến của phương Tây và mức độ sẵn sàng của Nga trong việc ứng phó với cuộc phản công.
Ukraine đặt nền móng cho cuộc tấn công
Ông Hanna Shelest, giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh tại tổ chức tư vấn an ninh và chính sách đối ngoại Ukraine Prism chia sẻ với Newsweek rằng, Kherson là một trong những mục tiêu hợp lý cho cuộc phản công của Ukraine.
“Tất cả các vùng lãnh thổ đều quan trọng. Chúng tôi không ưu tiên cho việc giành lại khu vực này mà bỏ qua khu vực khác. Nhưng Kherson là nơi chúng tôi có thể thực hiện cuộc phản công ngay bây giờ”, ông Hanna Shelest lưu ý.
Chiến tuyến ở phía Bắc, gần Kharkov, chạy sát biên giới Nga-Ukraine cung cấp cho các lực lượng Nga mạng lưới tiếp tế vững chắc. Ở phía Đông, Nga đã tập trung binh sỹ và vũ khí vào chiến trường Donbass và giành được những thắng lợi nhỏ.
Nhưng ở phía Nam, quân đội Nga đạt được rất ít bước tiến kể từ những tuần đầu tiên của chiến dịch quân sự. Tuyến đường tiếp tế từ Crimea đến khu vực này quá xa, lực lượng Nga trong khu vực rất mỏng do phải tiếp viện cho chiến trường Donbass và chính quyền Kherson do Nga thành lập đang phải nỗ lực trấn áp lực lượng nổi dậy.
Chưa kể, những hệ thống pháo tầm xa mới mà phương Tây cung cấp cho Kiev như HIMARS cùng nhiều vũ khí có độ chính xác cao với tầm bắn lên tới 80km, đã cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu xa hơn và ngăn Nga tiếp tế đạn dược, nhiên liệu cùng nhiều vật tư khác cho các lực lượng đang đồn trú tại Kherson. Vào đêm 26/7, các lực lượng Ukraine đã tấn công cây cầu Antonivskiy hơn 10 lần, làm hư hại nghiêm trọng cấu trúc của nó và buộc chính quyền thân Nga phải phong tỏa không cho phương tiện giao thông qua lại.
Ông Hanna Shelest cho rằng, đây giống như một lời cảnh báo đối với Nga: “Moscow phụ thuộc rất nhiều vào cây cầu này. Phía Ukraine đã không phá hủy hoàn toàn cây cầu, nhưng muốn chứng minh rằng chúng tôi có thể làm điều này bất cứ lúc nào. Cuộc tấn công sẽ tác động đến tâm lý của các lực lượng Nga”.
Vai trò quan trọng của Kherson
Thành phố Kherson, với dân số gần 300.000 người trước cuộc xung đột, được cho là sẽ chứng kiến trận chiến khốc liệt trong thời gian tới khi Ukraine tiến hành cuộc phản công lớn. Kherson nằm cách tiền tuyến khoảng 24km.
Việc giành lại quyền kiểm soát nơi này, nếu thành công sẽ giúp Ukraine mở cánh cửa để tiến tới những khu vực khác ở phía Nam và có được nhiều lợi ích chiến lược. Trước hết là đẩy các lực lượng Nga lùi xa hơn về phía Đông, khiến đối phương cách xa thành phố cảng chiến lược Odessa và các tàu thương mại đang hoạt động ở đây.
"Odesa là cửa ngõ của chúng tôi với thế giới. Thành phố này không chỉ có vai trò quan trọng đặc biệt với Ukraine mà còn với thế giới. Trước sự phong tỏa của Nga, hàng triệu người trên toàn cầu đang thiếu lượng thực", chuyên gia an ninh Ukraine Khara nhận định.
Còn ông Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho rằng, việc để Kherson rơi vào tay Nga đã tạo ra những rủi ro lớn đối với Ukraine. “Khi nắm giữ Kherson, Nga sẽ luôn đe dọa Mykolaiv. Nga vẫn muốn kiểm soát toàn bộ bờ Biển Đen, vì thế chúng tôi cần nhanh chóng khiến họ rút khỏi Kherson”.
Nếu giành được vùng lãnh thổ miền Nam, Ukraine có thể tiếp cận với các ngành công nghiệp và nông nghiệp chiến lược trong khu vực, đồng thời phá vỡ một hành lang đất liền kết nối Bán đảo Crimea đi qua các khu vực ở Donbass đến Nga.
“Nga cần những vùng lãnh thổ đó để đảm bảo hành lang trên bộ nối với Crimea và đảm bảo nguồn cung cấp nước cho bán đảo này không bị gián đoạn. Chưa kể Moscow cũng đang tìm cách chuyển hướng nguồn cung cấp điện từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia dọc sông Dnepr”, chuyên gia Khara lưu ý.
Còn cựu Bộ trưởng Zagorodnyuk cho rằng: “Nếu như Ukraine chỉ chiếm được thành phố Kherson thì đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào Nga. Còn nếu họ chiếm toàn bộ khu vực thì điều này sẽ khiến các lực lượng Nga khó có thể tiếp cận được với Crimea”.
Nhưng để có được bất cứ thành công nào cũng sẽ phải trả giá đắt và cuộc phản công của Ukraine không thể tránh được những rủi ro bởi sự hiện diện của các lực lượng Nga tại Kherson không lớn nhưng họ có rất nhiều thiết bị hỏa lực tầm xa, ông Zagorodnyuk nhận định.
“Tổn thất nhân sự sẽ là một rủi ro lớn đối với Ukraine, do đó bất cứ bước đi nào cũng phải được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Các lực lượng Nga dù chịu tổn thất nhiều trong thời gian qua nhưng vẫn rất lợi hại”, ông Zagorodnyuk nói.
Trong tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nêu rõ các mục tiêu trong chiến dịch quân sự của nước này vượt xa Donbass.
“Chúng tôi không ảo tưởng đây sẽ là cuộc chiến cuối cùng giữa Nga và Ukraine. Trong thời gian tới, chúng tôi có thể bị gây sức ép bởi sự hiện diện quân sự dày đặc của Nga”, chuyên gia an ninh Khara của Ukraine lưu ý./.