Vị thế đặc biệt của Nga đối với trật tự lưỡng cực Mỹ-Trung
Có thể coi cấu trúc quyền lực toàn cầu ngày nay là lưỡng cực có chỉnh sửa, gồm 2 nhân vật chính là Mỹ và Trung Quốc (hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay).
Dù đóng góp tài chính của các thành viên khối quân sự NATO đã tăng lên, Mỹ vẫn tiếp tục là trụ cột chính trong sức mạnh quân sự phương Tây, bao gồm cả răn đe hạt nhân. Còn về phía Trung Quốc, dù có những điểm yếu nhất định, không thể phủ nhận sức mạnh tương đối của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ là đang gia tăng. Trung Quốc đang đi lên. Sức mạnh của họ gia tăng nhanh hơn so với Mỹ. Hiện tại, chỉ có Trung Quốc là có khả năng cạnh tranh với Mỹ về ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế.
Trong khái niệm lý luận về lưỡng cực, một nước riêng lẻ không phải là siêu cường không thể thay đổi đáng kể thế cân bằng quyền lực toàn cầu theo hướng có lợi cho một cực nào đó. Nhưng Nga lại là một trường hợp ngoại lệ. Nga hiện không phải là siêu cường kinh tế nhưng họ giữ một vị thế đặc biệt nhờ vào kho vũ khí hạt nhân lớn cộng với nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, sức mạnh quân sự quy ước đáng gờm và tầm ảnh hưởng của họ ở trong vùng và Nam Bán cầu, nhờ vậy Nga có khả năng làm nghiêng cán cân về một trong hai cực.
Theo lý thuyết của Kenneth Waltz, các nước yếu hơn có xu hướng hợp tác để “cân bằng” với các nước mạnh hơn. Còn theo lý thuyết của Stephen Walt, các quốc gia có thể phối hợp với nhau để cân bằng lại không nhất thiết phải là nước mạnh nhất, mà có thể là nước bị coi tạo ra mối đe dọa lớn nhất.
Vậy trong mô hình trật tự lưỡng cực có sửa đổi hiện nay, Nga sẽ phối hợp sức mạnh với bên nào? Xét đến bức tranh tổng thể của cuộc cạnh tranh sức mạnh toàn cầu, Mỹ sẽ muốn Nga đứng về phe mình hơn là phía Trung Quốc. Tuy nhiên, các chính sách của Mỹ và phương Tây đối với Nga lại có khả năng tạo hiệu ứng ngược lại, tức là sẽ đẩy Nga đứng về phía Trung Quốc hơn là phía Nga.
Trung Quốc và Nga “chung một cam kết tạo ra một trật tự toàn cầu “hậu phương Tây” tính đến lợi ích của họ”. Khi trỗi dậy, có khả năng Trung Quốc sẽ xem xét lại trật tự toàn cầu dựa trên sức mạnh cứng và mềm của Mỹ, với đồng USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Nga cũng có xu hướng muốn thay đổi hiện trạng, tương tự như Trung Quốc. Do vậy, theo lẽ tự nhiên, Nga và Trung Quốc dễ trở thành đối tác chung một mục tiêu là làm suy yếu, thậm chí lật đổ trật tự toàn cầu do Mỹ thống trị. Tuy nhiên, giữa Nga và Trung Quốc cũng tồn tại những vấn đề nhất định, nhưng hiện nay chính sách đối ngoại của Mỹ chưa khai thác các khác biệt đó theo hướng có lợi cho họ.
Nhược điểm trong cách nhìn hiện nay của Mỹ và đồng minh
Mỹ, Anh và phần lớn phương Tây đang công khai thúc đẩy tầm nhìn về chiến thắng tối đa cho Ukraine trước Nga, mà theo đó tất cả lực lượng của Nga phải bị đánh bật ra khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả phần lãnh thổ Nga đã kiểm soát ngay sau năm 2014 (như bán đảo Crimea).
Cách tiếp cận này của Mỹ và phương Tây nhiều khả năng sẽ kéo theo nhiều năm tháng đổ máu, hủy diệt, phương Tây phải đầu tư tài chính và viện trợ quân sự, và nguy cơ xung đột leo thang thêm.
Ngoài ra, chính sách đó còn có hại cho cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc theo 2 hướng chính. Thứ nhất, Mỹ phải dồn tiền và sự chú ý cho châu Âu, do vậy còn ít nguồn lực dành cho “mặt trận” Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương. Thứ hai, các nỗ lực cô lập Nga về kinh tế và chính trị sẽ thúc đẩy Nga hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc về kinh tế và quân sự, tạo ra một khối kiểm soát được các nguồn tài nguyên và nguồn lực con người to lớn cộng với kho vũ khí khổng lồ. Cấu trúc sức mạnh mới gồm Nga và Trung Quốc liên thủ với nhau sẽ là điều rất không mong muốn đối với Mỹ.
Có 3 kịch bản tam giác có thể thúc đẩy cán cân quyền lực toàn cầu tiến lên.
Thứ nhất, Nga vẫn không liên kết với bên nào (thực tế này tồn tại từ sau Thế chiến II).
Thứ hai, Mỹ và các đồng minh cô lập Nga - điều này có thể thúc đẩy Nga và Trung Quốc đoàn kết lại để tạo ra một trật tự mới gồm những nước nằm ngoài câu lạc bộ phương Tây. Ngoại trưởng Nga Lavrov đã ám chỉ đến kịch bản này khi nói rằng có một “bức màn sắt” mới đang hạ xuống giữa Nga và phương Tây.
Thứ ba, Mỹ có thể thuyết phục Nga rằng dù mô hình chính trị của Nga và Trung Quốc có những điểm gần gũi nhất định, Trung Quốc vẫn tạo ra nhiều thách thức cho Nga hơn về lợi ích và chủ quyền. Bên cạnh đó, Mỹ có thể đề xuất hợp tác với Nga về phát triển kinh tế, công nghệ và chia sẻ các mối quan ngại về an ninh nếu như có thể thiết lập được một trật tự nhất quán được các bên chấp nhận tại châu Âu. Bản thân Moscow cũng bày tỏ cởi mở với “đối thoại về ổn định chiến lược và không phổ biến vũ khí hạt nhân” bất chấp xung đột đang xảy ra hiện nay ở Ukraine. Hợp tác lớn hơn giữa Mỹ và Nga là định dạng quyền lực tối ưu cho Mỹ kiềm chế Trung Quốc, đặc biệt là khi Mỹ đặt mục tiêu hoàn thành quá trình “xoay trục sang châu Á” có từ thời Tổng thống Obama.
Tuy nhiên với những gì đang diễn ra hiện nay trong nền chính trị quốc tế thì kịch bản thứ 3 khó xảy ra. Lịch sử đã chứng minh điều này vài lần. Anh và Pháp tìm cách chống Liên Xô trước Thế chiến II – điều này đã dẫn tới việc Liên Xô chủ động bắt tay với Đức để có thời gian hòa hoãn với Đức, chuẩn bị cho cuộc chiến sắp xảy ra. Sau này, Mỹ thời Tổng thống Nixon đã tìm cách lấy lòng Trung Quốc để đối trọng với Liên Xô, từ đó làm suy yếu phong trào XHCN do Liên Xô đứng đầu.
Những bài học lịch sử trên - Mỹ vẫn có thể vận dụng vào thời nay. Cuộc chiến tại Ukraine cho thấy nếu phương Tây ý thức rõ sức mạnh quân sự của Nga thì chiến tranh có thể đã không nổ ra. Chiến tranh cũng có thể tránh được thông qua hoạt động ngoại giao tích cực khi khủng hoảng leo thang.
Thực tế chiến trường và phương án tối ưu dành cho phương Tây
Trong cuộc chiến Ukraine, cho tới nay, Nga đã giành được các lợi thế ở cấp chiến dịch, bao gồm việc gần như cắt đứt Ukraine với biển, chiếm những dải đất rộng lớn tại các vùng công nghiệp, và gây tổn thất lớn cho nền kinh tế Ukraine – đây sẽ là điều kiện cho Nga tiến hành mặc cả trên bàn đàm phán.
Trong khi đó, Ukraine chưa có triển vọng sáng sủa về tái chiếm lại các vùng lãnh thổ vừa bị mất. Khi tổn thất sinh mạng và kinh tế của Ukraine gia tăng và kéo theo tác động tiêu cực lên toàn cầu (như dẫn tới tình trạng khủng hoảng lương thực và năng lượng), đến một ngưỡng nào đó, phương Tây sẽ phải chọn giữa việc tiếp tục thúc đẩy cho chiến thắng tối đa của Ukraine và việc thuyết phục Ukraine chấp nhận các mục tiêu hạn chế, hỗ trợ cho giải pháp đàm phán.
Nga có đủ nguồn lực để hứng chịu các tổn thất và kéo dài cuộc xung đột vũ trang với Ukraine. Khi bị phương Tây dồn ép, Nga vẫn thu được nhiều tiền từ việc bán dầu cho cho Trung Quốc và Ấn Độ…, thậm chí giành thêm ảnh hưởng ở Nam Bán cầu, đặc biệt là ở châu Phi, giống như Trung Quốc.
Giới quan sát vì vậy khuyên Mỹ nên có cái nhìn thực tế hơn, theo hướng hòa giải với Nga, gây dựng lòng tin lẫn nhau giữa Nga và phương Tây, bảo đảm sự ổn định cho trật tự an ninh châu Âu. Khi ấy, Mỹ mới có cơ để tách Nga khỏi Trung Quốc và đưa Nga xích về phương Tây hơn. Giới quan sát cho rằng Mỹ nên tận dụng tâm lý của Nga e ngại về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc và việc Nga phải phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung nhiều mặt hàng.
Giới chuyên gia phương Tây cũng tính toán rằng, xét từ góc độ lợi ích, phương án khôn ngoan cho Mỹ là thuyết phục Ukraine nên chấp nhận đàm phán với Nga, hơn là tiếp tục cảm tính leo thang căng thẳng và do vậy thúc đẩy hình thành khối liên kết Nga-Trung Quốc bất lợi cho phương Tây./.