Ngày 23/9, Hội nghị Thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu diễn ra tại trụ trở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ đã đạt được những bước tiến quan trọng, trong đó có việc thông qua Tuyên bố về rừng, nhằm duy trì và phát triển diện tích rừng, góp phần chống biến đổi khí hậu cũng như cam kết thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch để bảo vệ môi trường.
Các đại biểu tham dự Hội nghị gồm nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ, các bộ trưởng, trưởng đoàn đại biểu 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, các đại diện của giới khoa học, tài chính, doanh nghiệp, các nhà hoạt động môi trường.... đã cam kết sẽ nỗ lực hết sức để đến năm 2020 sẽ giảm được 50% diện tích rừng bị mất trắng, và đến năm 2030 sẽ chặn đứng hoàn toàn tình trạng sử dụng rừng vào các mục đích khác.
Tuyên bố về rừng của Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về khí hậu cho biết, với diện tích gần 4 tỷ hecta, rừng bao phủ khoảng 31% bề mặt Trái đất, song tình trạng đốt rẫy làm nương, các vụ cháy rừng, chặt phá, khai thác rừng bừa bãi hay chiếm dụng đất rừng... chủ yếu do bàn tay con người, đã thực sự là mối lo ngại chung của nhân loại, vì nó tác động nghiêm trọng tới môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người.
Tuyên bố kêu gọi toàn thế giới trước mắt sớm trồng mới và khôi phục 350 triệu hecta rừng, kèm theo những chính sách, biện pháp bảo vệ rừng thật hữu hiệu, để rừng thực sự trở thành lá phổi xanh của Trái đất, góp phần to lớn vào công cuộc bảo vệ môi trường, chống lại tình trạng biến đổi khí hậu, đang gây những hậu họa khôn lường cho nhân loại.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon cho biết Tuyên bố về rừng vừa được thông qua tuy không phải là văn kiện mang tính ràng buộc về pháp lý, song ông vẫn hy vọng nó sẽ là nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ môi trường sống trên Trái đất nếu tất cả mọi người, mọi quốc gia đều thực hiện triệt để tất cả những gì đã cam kết.
Bên cạnh tuyên bố về rừng, Hội nghị còn nhấn mạnh tới sáng kiến chống sa mạc hóa và trồng cây, gây rừng. Giới tài chính tham dự hội nghị cũng đã cam kết lập quỹ 200 triệu USD, sử dụng đến năm 2050, để hỗ trợ các hoạt động kinh tế sử dụng ít nhiên liệu hóa thạch, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh, nhằm ủng hộ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon nói: “Từ trước tới nay chưa từng có nhiều nhà lãnh đạo cùng cam kết hành động chống biến đổi khí hậu như thế này. Trên con đường hướng tới hội nghị tại Lima vào tháng 12 năm nay và tại Paris vào cuối năm sau, chúng ta có thể nhìn lại ngày hôm nay như một mốc quan trọng. Chúng ta đã quyết định đặt ngôi nhà của chúng ta vào một trật tự để nó trở nên tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai. Hội nghị này cho thấy, chúng ta có thể làm tốt các mục tiêu chống biến đổi khí hậu”.
Hoan nghênh cam kết của các đại biểu tham dự hội nghị, Tổng thống Peru Ollanta Humala, nước đăng cai Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 20 COP 20 tại Lima vào tháng 12 tới cho biết: “Chúng tôi hy vọng, Hội nghị tại Lima sẽ bắt đầu xây dựng một liên minh lớn nhất trong lịch sử về phát triển và chống biến đổi khí hậu. Liên minh này cần phải khả thi trước năm 2020 để có thể ký thỏa thuận chống biến đổi khí hậu mới. Thỏa thuận này sẽ quy định trách nhiệm rõ ràng của các nước trong việc tăng trưởng kinh tế xanh, chống bất bình đẳng kinh tế, đói nghèo cũng như vấn đề hỗ trợ tài chính và chuyên môn cho các nước đang phát triển”.
Tại hội nghị, đại diện cho cộng đồng hơn 200 thị trưởng các thành phố lớn, với tổng số trên 400 triệu dân, đã chính thức cam kết sẵn sàng làm tất cả để trung bình mỗi năm các thành phố này sẽ giảm từ 12,45 đến 16,4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức hiện tại, góp phần làm giảm đáng kể mức độ ”hun” nóng Trái đất như hiện nay.
Ông Ban Ki Moon cũng cho biết, lãnh đạo nhiều quốc gia đã công bố những kế hoạch cụ thể để giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và sẵn sàng tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu, dự kiến sẽ được ký vào năm tới tại Paris, Pháp./.