Hưởng ứng chiến dịch do Liên Hợp Quốc phát động, ngày 21/9, hàng chục nghìn người dân ở các thành phố lớn của hơn 160 nước đã xuống đường tuần hành nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu. Cuộc tuần hành toàn cầu này diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên Hợp Quốc vào ngày 23/9 tại New York, Mỹ với hi vọng sẽ làm nên điều khác biệt.
Tại thành phố New York, Mỹ, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon trong trang phục thể thao ghi dòng chữ “ Tôi hành động vì khí hậu” đã cùng với những nhân vật nổi tiêng như tài tử Mark Ruffalo, sứ giả hòa bình Leonardo di Caprio, Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore và Thị trưởng New York Bill de Blasio tuần hành từ trung tâm New York qua trung tâm Manhattan mang theo thông điệp cảnh báo rằng, sự biến đổi khí hậu đang tàn phá Trái Đất, đồng thời thúc giục các nhà soạn thảo chính sách nhanh chóng hành động.
Tổng thư ký Ban Ki Moon nói: “Biến đổi khí hậu đang là vấn đề của thời đại và chúng ta phải giải quyết ngay điều này. Bởi nếu chúng ta càng chậm trễ trong hành động thì chính chúng ta càng phải trả giá đắt khi tiếp tục hứng chịu những hậu quả khôn lường do biến đổi khí hậu gây ra. Đó là lý do tại sao, tôi kêu gọi sự chung tay hành động của tất cả mọi người, các cộng đồng tôn giáo, chính phủ và xã hội dân sự ở khắp mọi nơi trên trái đất này”.
Các nhà tổ chức cho biết, hơn 100.000 người đã tham gia tuần hành tại Mỹ. Nhân dịp này, thị trưởng New York chính thức công bố một kế hoạch mới với mục tiêu giảm khí phát thải nhà kính tới 80% đến năm 2050.
Anh Robert Food, nhân viên của dự án phi lợi nhuận Terramar nói: "Tôi nghĩ rằng chiến dịch tuần hành này đã gửi một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ rằng, mọi người hãy thức tỉnh để hiểu rằng biến đổi khí hậu đang trở nên vô cùng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến chúng ta. Chúng ta đang ở thời điểm bước ngoặt trong lịch sử, để giải quyết vấn đề này trước khi quá muộn. Chúng ta không thể chờ đợi được hơn thêm nữa.
Nối bước những người biểu tình khắp thế giới, tại Berlin, Đức, hơn 3.500 người đã tuần hành kêu gọi hơn 125 lãnh đạo thế giới và tổ chức dân sự tham gia Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vào 23/9, nghiêm túc đưa ra những cam kết của mình về bảo vệ khí hậu.
Anh Robert, một người dân ở Berlin bày tỏ:“ Chúng tôi hi vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên Hợp Quốc ở New York sẽ giải quyết được những gì còn chưa làm được. Chúng tôi tham gia tuần hành là muốn gửi đến Hội nghị thông điệp, chúng tôi muốn được lắng nghe và chứng tỏ cho các chính trị gia hiểu rằng cần phải làm điều gì đó để bảo vệ Trái đất. Mặc dù hiện nay thế giới đang có nhiều việc phải giải quyết ngay như bệnh dịch Ebola, chống khủng bố IS, song việc bảo vệ khí hậu không được sao nhãng.”
Trong khi đó tại Paris, Pháp, bất chấp trời mưa, hơn 25.000 người cầm cờ và mang biểu ngữ như “Một tương lai sáng sủa với 100% năng lương sạch”, “Hãy mạnh dạn thay đổi” và các biểu tượng của môi trường cũng tham gia chuỗi tuần hành toàn cầu này.
Nhà môi trường học Nicolas Hulot nói: “Chúng ta sẽ tự quyết định lấy tương lai của con em chúng ta hay là xây dựng nó. Tôi nghĩ rằng, các chính trị gia phải dám hi sinh để hòa nhập vào một thế giới, nơi đó chỉ sử dụng của năng lượng sạch, môi trường sinh thái, năng lượng biến đổi nhưng khí hậu không biến đổi. Chính vì thế, ở đây, ở New York, Lima, Brisbane, London… có hàng triệu người tham gia với thông điệp đơn giản gửi tới các chính trị gia là hãy dám thay đổi và đừng đánh cắp tương lai của con em chúng ta”.
Hòa chung với không khí hưởng ứng chiến dịch bảo vệ khí hậu, hơn 10.000 người ở Melbourne, Australia đã tham gia cuộc tuần hành lớn nhất và xếp thành dòng chữ ý nghĩa, kêu gọi hạn chế sử dụng than, khí đốt, đồng thời hồi thúc chính phủ của Thủ tướng Tony Abbott làm nhiều hơn nữa để chống lại sự ấm lên toàn cầu.
Cùng ngày, rất nhiều địa điểm khác ở 156 nước như Anh, Brazil, Afghanistan, Bulgaria, Italy,… đều tổ chức các cuộc mít tinh, tuần hành, diễu hành, hội thảo về khí hậu nhằm nâng cao ý thức về sự nguy hại của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, chiến dịch hành động vì khí hậu kêu gọi đầu tư nguồn lực hơn nữa từ các chính phủ, các tổ chức dân sự trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu Liên Hợp Quốc năm nay được cho sẽ trở thành khởi điểm mới trong những nỗ lực hiện nay của toàn cầu.
Đồng thời đây sẽ là Hội nghị quan trọng nhất trước Hội nghị Khí hậu Paris năm tới, liên quan tới việc liệu các nước có đạt được thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới vào cuối năm 2015 hay không.
Hội nghị tại New York sẽ hướng tới hai mục tiêu. Một là gắn kết động lực chính trị cho việc đạt được thỏa thuận mới về biến đổi khí hậu tại Paris năm 2015 và thúc đẩy áp dụng biện pháp mạnh mẽ nhằm giảm phát thải khí nhà kính cũng như tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu./.