Mới đây cô gái xinh đẹp Addison Bethea đã bị cá mập tấn công ở vùng biển ngoài khơi bãi Keaton dọc theo đường duyên hải của vịnh Florida (Mỹ), khiến cô bị trọng thương. Sau vụ tấn công đó, các bác sĩ đã phải cắt cụt một chân của cô gái mới 17 tuổi này. Vụ việc đã gây ám ảnh cho nhiều người đi bơi ở biển.

Dưới đây là một số biện pháp do chuyên gia nước ngoài tư vấn giúp bạn tăng cơ hội sống sót và an toàn trong tình huống gặp phải cá mập dữ:

I. Trước khi xuống nước

1. Biết rõ môi trường của mình

Cá mập là loại sinh vật nước mặn. Đại dương là nhà của chúng, còn chúng ta là khách.

Neil Hammerschlag – Giám đốc Chương trình nghiên cứu và bảo tồn cá mập tại Đại học Miami (Mỹ) nói: “Nếu bạn ra đại dương, hãy mặc định mình có thể gặp phải cá mập bất chấp thời điểm và địa điểm. Điều may mắn, con người không nằm trong thực đơn của cá mập, và cá mập tránh gặp loài người”.

Có những nơi mà rủi ro gặp phải cá mập cao hơn các nơi khác.

2. Không nên bơi ở cửa sông

Richard Peirce – một chuyên gia về cá mập ở Anh, cho biết chúng ta nên tránh các cửa sông. Vùng nước đục ở cửa sông rất thích hợp với cá mập bò mắt trắng – đây là một trong các loài có khả năng cao nhất tấn công con người.

Theo ông Peirce, “rất nhiều vụ tấn công xảy ra ở cửa sông”. “Nơi này có phù sa và các vật liệu khác bị mắc kẹt. Rồi còn có người giặt giũ, người tắm rửa”.

Theo Hammerschlag, một khu vực khác dễ xảy ra đụng độ với cá mập là các kênh nước sâu nằm giữa dải đất ven bờ và các bãi cát cửa sông.

3. Tránh những khu vực đánh cá

Trước khi nhảy xuống biển, hãy nhìn quanh đường chân trời, xem có thấy gì không? Nếu bạn nhìn thấy thuyền đánh cá, thì hãy bỏ ý tưởng đi bơi.

Ông Peirce lý giải: “Cho dù hoạt động đánh cá là thương mại hay giải trí, người ta vẫn sẽ vứt xuống biển những thứ đại loại như cá chết, các bộ phận của cá, ruột gan cá được moi ra… - đây đều là những thứ có sức mời gọi mãnh liệt đối với cá mập”.

Đồng thời, phải chú ý những hoạt động bất thường của cá, như là các nhóm cá nhỏ nhảy lên từ mặt nước – đấy có thể là dấu hiệu cá mập đang ở xung quanh.

4. Tránh lúc bình minh và hoàng hôn

Bình minh và hoàng hôn là thời điểm cá mập dễ tấn công người nhất. Vì lúc này, tầm nhìn (từ góc độ của cá mập) bị hạn chế. Theo ông Peirce, khi ấy cá mập có thể nhầm người thành con mồi của nó.

5. Tham khảo nhân viên cứu hộ

Nên bơi ở khu vực biển có nhân viên cứu hộ. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, hãy hỏi họ.

6. Đừng mặc đồ sáng bóng khi ở trong môi trường nước

Chuyên gia Lowe khuyên nên cẩn thận với đồ trang sức, những thứ có thể phản chiếu ánh sáng và khiến cá mập nhầm với loài cá làm mồi cho chúng.

Ông Lowe nói tiếp rằng ở vùng nước đục, cá mập có thể nghĩ ánh sáng lóe là dấu hiệu bữa ăn của nó.

7. Tin theo linh tính

Hammerschlag nói, “nếu bạn cảm thấy bất an khi phải xuống nước thì đừng đi nữa”.

“Nhiều người từng bị cá mập cắn thường nói rằng họ từng có cảm giác kỳ lạ trước khi xuống nước. Cảm giác đó giống như một tiếng nói từ trong nội tâm khuyên họ nên lên bờ nhưng họ đã không nghe theo”.

II. Khi cá mập ở gần bạn

1. Đừng hoảng sợ

Tình huống như sau: Bạn bị một con cá mập vây quanh. Điều tệ hại nhất mà bạn có thể làm là trở nên hoảng loạn.

Chuyên gia Peirce tư vấn: “Chớ có đập nước loạn xa. Bạn sẽ chỉ càng kích động con cá mập, làm nó thêm thích thú với con mồi”.

Loài người, vượn, chó mèo đều có móng và bàn tay/bàn chi trước. Nếu muốn khám phá thứ gì, chúng ta có thể nhặt nó lên, sờ nó, cảm nhận nó, thậm chí hít hà nó.

Ông Peirce nói tiếp: “Cá mập không có móng vuốt hay chi trước nên nếu muốn khám phá thứ gì đó, nó chỉ có duy nhất một cách là gặm bằng miệng”.

Vị chuyên gia phân tích tiếp: “Chính vì vậy, con người chúng ta thường bị cá mập cắn theo kiểu thăm dò, và các vết cắn đó thường không gây ra tử vong, đôi khi thậm chí còn không gây trọng thương. Nếu bạn vội vã bơi đi, gần như bạn sẽ tạo ra tình trạng mời mọc con mập lao tới cắn thăm dò hoặc thậm chí cắn tấn công”.

2. Mắt hướng về cá mập

Khi cá mập bơi quanh bạn, hãy giữ cho đầu mình trên một trục và duy trì liên hệ bằng mắt với cá mập.

Chuyên gia Peirce giải thích: “Cá mập là loài dã thú mai phục con mồi. Nếu bạn xoay đầu lại và đối diện với con cá mập trong suốt thời gian nó bao vây bạn, nó sẽ không cảm thấy thoải mái như khi tấn công lén từ phía sau”.

Ông Hammerschlag đồng quan điểm. Theo ông, bạn nên giữ tư thế cơ thể của mình hướng về con cá mập để nó biết bạn đang nhìn nó, theo dõi nó. Sau đó từ từ lùi về chỗ lên thuyền hoặc lên bờ.

3. To nhỏ tùy tình hình

Nếu cá mập rõ ràng ở chế độ tấn công thì bạn cần tự làm cho mình trông to lớn trong nước như có thể, theo ông Peirce. “Bạn càng trông to lớn trong nước, con cá mập càng dè chứng bạn”.

Nhưng nếu con cá mập dường như chỉ bơi lướt qua bạn, thì lời khuyên của ông Peirce là hãy cuộn tròn lại như quả bóng.

Ông Peirce giải thích rằng cá mập có thể tấn công người nếu nó thấy người là đối thủ cạnh tranh về nguồn thức ăn. Thu nhỏ người sẽ khiến cá mập ít chú ý đến bạn.

III. Khi bị cá mập tấn công

1. Đừng giả chết, hãy chiến đấu

Cá mập không phải là gấu. Nếu gặp phải cá mập hung hăng tấn công bạn, hãy giáng trả nó: Đấm, đá, chọc vào những điểm nhạy cảm. Nhưng khi ra đòn, hãy ngắm chính xác nhất có thể.

Chuyên gia Peirce nói: “Hãy đấm vào mũi cá mập. Nhưng nhớ rằng, bên dưới mũi là mõm cá”.

“Cá di chuyển, còn bạn không ở yên. Vì vậy điều bạn không muốn làm là đấm nhầm vào miệng nó hoặc vị trí nào đó gần miệng cá”.

“Khu vực mang cá cũng rất nhạy cảm. Thọc mạnh vào đây cũng là một ý tưởng không tồi”.

Nếu bạn có mang theo người vật dụng nào đó thì hãy biến nó thành vũ khí. Chẳng hạn, bạn có thể tận dụng một camera dưới nước, một ống thở… để chọc vào con cá mập.

Chuyên gia Lowe khuyên bạn nên bơi theo nhóm. Vì thứ nhất, điều này giảm nguy cơ bạn bị cá mập tấn công. Thứ hai, bạn sẽ có người trợ giúp khi lên thuyền hoặc bờ sau khi bị cá mập cắn.

2. Lựa góc bơi, tìm điểm tựa

Nếu khi lặn, bạn gặp phải cá mập, bạn nên cố bơi tới vị trí mà cá mập không thể tấn công bạn từ sau lưng, theo chuyên gia Peirce.

“Tựa lưng vào vật gì đó như là rạn san hô. Khi ấy bạn chỉ phải lo nhìn về một hướng. Phía lưng của bạn đã được bảo vệ và bạn có điều kiện canh chừng con cá mật ở phía trước. Lúc này bạn có thể bơi dần lên phía trên một cách từ từ, tới chỗ thuyền của mình.

3. Từ từ rút lui

Cố gắng hạn chế tối đa việc khuấy động nước khi bạn bơi về phía sau, hướng về bờ.

“Bạn phải luôn trông chừng con thú và từ từ, nhẹ nhàng bơi lùi ra phía sau, tới vùng nước nông. Nhưng vẫn phải hết sức cảnh giác. Cá mập lớn có thể tấn công người ở cả nơi rất nông”.

Tất nhiên đây là những biện pháp giúp tối thiểu họa rủi ro và thiệt hại. Khi bạn bị cá mập trắng tấn công thì thường rất khó tránh bị thương./.