EU đạt thỏa thuận giảm tiêu thụ khí đốt

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về kế hoạch khẩn cấp tự nguyện giảm tiêu thụ khí đốt nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga và chuẩn bị cho kịch bản ngừng nhập khẩu.

Ngày 26/7, các bộ trưởng năng lượng của EU nhóm họp để tìm kiếm sự thống nhất về đề xuất cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt do lo ngại Nga có thể cắt giảm hơn nữa nguồn cung, dẫn đến tình trạng thiếu điện và năng lượng sưởi ấm trong mùa đông.

“Trong nỗ lực tăng cường an ninh nguồn cung năng lượng của EU, các nước thành viên hôm nay đạt thỏa thuận chính trị về tự nguyện giảm 15% nhu cầu khí đốt trước mùa đông này”, Hội đồng bộ trưởng EU cho biết trong một thông cáo.

Tuy nhiên, theo DW, các cuộc tranh luận để khiến các nước EU đồng ý tự nguyện giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt đã bộc lộ rõ sự chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia thành viên trong khối.

Trong khi một thỏa thuận đã được thông qua trong khối, theo sau đó là lời lưu ý quan trọng rằng các nước thành viên có thể thực hiện kế hoạch “bằng các biện pháp do chính họ lựa chọn”.

Đề xuất ban đầu tìm cách cho phép EU khả năng kích hoạt một cảnh báo khẩn cấp có thể yêu cầu “giảm nhu cầu khí đốt bắt buộc” trong toàn khối.

Tuy nhiên, cảnh báo khẩn cấp của EU chỉ có thể được kích hoạt nếu 5 quốc gia thành viên trở lên tuyên bố cảnh báo ở cấp quốc gia hoặc Hội đồng châu Âu yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) làm như vậy.  

EC có thể đề xuất đưa ra “cảnh báo của liên minh” nhưng các nước thành viên sẽ phải chấp thuận nó.

Sự đoàn kết của EU bị lung lay

Tranh cãi xung quanh đề xuất cắt giảm sử dụng khí đốt nổ ra khi các nước không phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bắt đầu lo ngại về việc giảm 15% nhu cầu khí đốt sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người dân của họ.  

“Để kế hoạch khả thi về mặt chính trị trong bối cảnh thiếu khí đốt, giá năng lượng tăng cao và nguy cơ suy thoái, sự đoàn kết về vấn đề năng lượng của EU cần phải được dàn xếp một cách thực tế”, Simone Tagliapietra, chuyên gia cao cấp tại Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Bruegel (Bỉ), nói.

Mục tiêu cắt giảm 15% sẽ không áp dụng đối với cả EU và các ngành công nghiệp mà sẽ có những trường hợp ngoại lệ. Thỏa thuận của EU sẽ miễn trừ cho Ireland, Malta và Síp. Các quốc gia này sẽ không được kết nối với mạng lưới khí đốt của các quốc gia thành viên khác và không thể chia sẻ khí đốt dự phòng nếu cần.

Các nước có khả năng xuất khẩu khí đốt sang các nước thành viên khác bị hạn chế, như trường hợp của Tây Ban Nha, có thể đưa ra mục tiêu cắt giảm thấp hơn 15%.

“EU cần thiết lập một cơ chế nhằm cung cấp các khoản thanh toán công bằng cho các lựa chọn cung cấp và nhu cầu khí đốt có liên quan đến EU do các quốc gia nhất định cung cấp cho những quốc gia dễ bị tổn thương nhất”, ông Tagliapietra nói.

Hungary là quốc gia thành viên EU duy nhất bỏ phiếu chống lại thỏa thuận cắt giảm khí đốt. Tuần trước, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã tới Nga để cố gắng đảm bảo việc gia tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Khi được hỏi về trường hợp của Hungary, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Cộng hòa Séc Jozef Sikela nói rằng ông không muốn thảo luận về lập trường của một nước duy nhất.

“Chúng tôi có một sự liên kết rõ ràng, đoàn kết rõ ràng và chúng tôi muốn gửi một tín hiệu rõ ràng đến thế giới và tới Điện Kremlin”, ông Sikela nói.

Sự tập trung đổ dồn về Đức

Đức phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí đốt từ Nga và đang phải đối mặt với việc nguồn cung qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 bị cắt giảm liên tục.

Tập đoàn Gazprom của Nga tuyên bố sẽ giảm lưu lượng khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 33 triệu m3 mỗi ngày, bằng khoảng 20% công suất đường ống, từ ngày 27/7. Điều này có nghĩa là giảm một nửa so với mức đã giảm hiện tại.

“Brussels không phải đối mặt với hậu quả chính trị nào từ việc cắt giảm khí đốt nhưng điều này lại có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với chính phủ các nước. Nhiều quốc gia thành viên đã đa dạng hóa nguồn nhập khẩu khí đốt, trong khi Đức thì không, nên nước này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu giảm sử dụng khí đốt”, Jacob Funk Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức, nhận định.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng thỏa thuận cắt giảm khí đốt là nhằm ngăn chặn “Nga sử dụng khí đốt như một loại vũ khí”.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, thỏa thuận sẽ cho Tổng thống Nga Vladimir Putin thấy rằng châu Âu vẫn đoàn kết khi đối mặt với việc cắt giảm khí đốt. “Bạn sẽ không thể chia rẽ chúng tôi”, ông Habeck nói.

Theo Tổ chức Nghiên cứu Khí hậu và Môi trường E3G, 50% tổng lượng khí đốt tiêu thụ của EU là ở 3 nền kinh tế lớn nhất khối là Đức, Pháp và Italy. Tuy nhiên, chuyên gia Kirkegaard tương đối lạc quan về triển vọng của thỏa thuận cắt giảm khí đốt.

“Đức sẽ nỗ lực nhiều hơn một cách tương xứng để giảm bớt nhu cầu khí đốt. Nhìn chung, kế hoạch này sẽ hạn chế nhu cầu khí đốt của EU và tiết kiệm khí đốt cho mùa đông nhằm giảm bớt những thiệt hại tồi tệ về kinh tế”, chuyên gia Kirkegaard nói./.