Vị Đại tướng đầu tiên của Việt Nam Võ Nguyên Giáp được bạn bè quốc tế biết tiếng, đánh giá cao, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam. Với những hiểu biết của mình về Việt Nam sau quá trình đi sâu tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam, nhiều người khẳng định, nói đến Việt Nam phải dùng cụm từ “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp”.

Phóng viên VOV thường trú tại LB Nga phỏng vấn ông Grigori Lokshin, nhà Việt Nam học thuộc Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

PV: Thưa ông, thông tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gây cho ông cảm xúc ra sao?

nha-vietnam-hoc-n.jpg
Ông Grigori Lokshin, nhà Việt Nam học thuộc Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga

Ông Grigori Lokshin: Tôi phải nói rằng, sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thông tin rất buồn. Cùng với nhiều đồng nghiệp khác thuộc thế hệ của tôi, tôi đã được biết và làm quen với ông.

Vào khoảng năm 1955, khi chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn diễn ra, đây là lần đầu tiên tôi được biết đến chiến thắng Điện Biên Phủ, một chiến thắng vĩ đại. Thông qua bộ phim tài liệu của Roman Karmen, chúng tôi đã biết đến Việt Nam với một khái niệm liên kết bởi 3 từ “Việt Nam – Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp”.

Chúng tôi biết rằng, Võ Nguyên Giáp là một cộng sự thân cận của Hồ Chí Minh. Thân thế của ông là lịch sử của Việt Nam. Ông là người con trung kiên, anh hùng của Nhân dân Việt Nam, là một người đầy tài năng, một vị tướng được thế giới công nhận. Lịch sử thế giới đã đánh giá ông là một trong những vị tướng giỏi của thế kỷ 20. Ông là hiện thân “người chiến thắng”. Ông đóng một vai trò quyết định trong việc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Dưới sự cầm quân của ông, hàng nghìn, hàng vạn người Việt Nam cùng đứng trong hàng ngũ của đội quân chân đất, mang súng đạn lên vai đi chiến đấu. Ông đã huy động được hàng chục nghìn người trong đội “xe đạp thồ” để phục vụ chiến trường vô điều kiện khi các loại phương tiện khác không thể thực hiện được. Ông đã tổ chức nên một vòng vây và đập tan cơ quan đầu não của quân Pháp hùng mạnh. Quân đội Việt Nam được ông đứng ra thành lập vào năm 1944 đã đóng góp phần rất to lớn trong chiến thắng này. Sự đóng góp của ông không chỉ được mọi người Việt Nam mà cả bạn bè thế giới công nhận và ghi nhớ.

Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là năm 1969, tôi tới làm việc tại Đại sứ quán Liên Xô. Tôi đã được biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cộng sự gần gũi Người gồm các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng... Họ là những con người ưu tú, nổi tiếng. Ký ức của tôi về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là một con người rất đặc biệt, rất gần gũi, cởi mở, rất vui vẻ, dễ trò chuyện.

Vào thời gian xảy ra cuộc chiến tranh khốc liệt sau này, dù đã có các thế hệ tướng lĩnh kế cận gánh vác... nhưng ông vẫn tham gia công tác huấn luyện, đào tạo và tăng cường trang bị cho các lực lượng vũ trang của Việt Nam để rồi chiến dịch Hồ Chí Minh – giải phóng Sài Gòn, cuộc đấu tranh vĩ đại của nhân dân Việt Nam đã đi đến thắng lợi cuối cùng.

Cũng phải kể đến cuộc chiến đấu trên bầu trời Hà Nội năm 1972. Khi lực lượng không quân hiện đại của Hoa Kỳ với máy bay B52 ném bom dữ dội đều đã phải thất bại với trận Điện Biên phủ trên không... Mặc dù có sự giúp đỡ to lớn của các chuyên gia quân sự phòng không, tên lửa của Liên Xô, nhưng có thể nói vai trò tổ chức, chỉ huy của vị Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp là rất quan trọng.

Tôi có thể nói rằng, ngay cả sau này, khi ông đã nghỉ hưu, nhưng lời nói của ông vẫn được mọi người tin tưởng, lắng nghe. Ông vẫn thường đi nói chuyện ở nhiều nơi. Thật kỳ diệu về một con người luôn sống vì những lợi ích của Tổ quốc mình. Bởi vậy, sự ra đi của ông là một tổn thất rất to lớn. Con người ông, tên tuổi của ông sẽ mãi mãi gắn với lịch sử của đất nước. Ông sẽ sống mãi trong tâm thức của không chỉ người Việt Nam mà của tất cả những ai đã từng biết ông, đã từng có mối liên hệ với Việt Nam, biết Việt Nam, học Việt Nam và những người cùng thời với chúng tôi.

PV: Xin cảm ơn ông về những điều rất tốt đẹp mà ông vừa nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông có thể nói gì thêm về con người Võ Nguyên Giáp trong mối quan hệ hữu nghị với Liên Xô, với Nga?

Ông Grigori Lokshin: Mối quan hệ giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Liên Xô và với Nga là rất chặt chẽ. Ông Giáp đã để lại nhiều dấu ấn trong việc gắn kết quan hệ Liên Xô  - Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.

Vào những năm 1949, 1950, khi cánh cửa của Việt Nam được mở về phương Bắc, sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, mối quan hệ với Liên Xô cũng bắt đầu được thiết lập và ông đóng vai trò rất lớn để sự giúp đỡ của Liên Xô đến được với Việt Nam. Trong số các vũ khí được sử dụng ở chiến dịch Điện Biên Phủ đã có những dàn hỏa tiễn Kachiusa của Liên Xô, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng.

Tuy không phải là một quân nhân, nhưng qua theo dõi nhiều sự kiện, tôi biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần sang Liên Xô, có nhiều cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo quân sự để họ có thể hiểu được tình hình cuộc chiến tranh ở Việt Nam và giúp đỡ Việt Nam hiệu quả. Ông cũng rất chú trọng rèn luyện sỹ quan, quân nhân Việt Nam tinh thần hữu nghị với Liên Xô, với Nga.

PV: Trong những ngày này, ông thấy dư luận thế nào ở Nga về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Ông Grigori Lokshin: Giới nghiên cứu Nga biết nhiều về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang trào dâng những kỷ niệm về ông. Với họ, ký ức về ông sẽ tồn tại mãi: Ông là một quân nhân nhưng cũng là một nhà hoạt động chính trị kiệt xuất, một người rất gần gũi với nhân dân. Ông đóng vai trò to lớn trong việc xây dựng một đội quân chính quy, chuyên nghiệp và phát huy tốt trong mọi tình huống. Bởi vậy, những đánh giá, những lời ngợi khen dành cho đội quân ấy cũng là sự ngợi ca dành cho vị tướng Võ Nguyên Giáp. Uy tín của ông luôn được đánh giá cao trong lịch sử, không bao giờ thay đổi.

Tôi xin chia sẻ sự cảm thông với nỗi đau của nhân dân Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam có những con người xuất sắc đã làm nên tên tuổi đất nước, trong số đó có “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Tên tuổi của ông sẽ mãi được ghi nhớ.

Xin cảm ơn ông./.