Mạng lưới truyền hình PBS nổi tiếng của Mỹ từng phát sóng loạt chương trình truyền hình 26 phần có tên Thế kỷ Nhân dân nói về các sự kiện trọng đại trên thế giới giai đoạn 1900-1999. Trong loạt chương trình này có đoạn phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tư lệnh lực lượng Việt Minh và “anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, lực lượng chủ chốt đã đánh bại các đội quân nhà nghề của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành và giữ nền độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc.

Phần trả lời phỏng vấn của Đại tướng cho thấy tầm nhìn bao quát và sự am tường sâu sắc của ông về tư tưởng quân sự Việt Nam.

PV: Liệu Điện Biên Phủ có phải là một chiến thắng quân sự thông thường hay là chiến thắng của loại hình chiến tranh quân sự?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chiến thắng tại Điện Biên Phủ là chiến thắng dành cho nhân dân. Tuy nhiên khái niệm chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích là tách biệt dù chúng không hoàn toàn tách biệt. Trong trường hợp này, chính cuộc chiến của nhân dân đã đem lại chiến thắng. Và chiến tranh du kích là 1 khía cạnh của cuộc chiến tranh nhân dân đó. 
1%20tuong%20giap%20dung%20manh.jpg
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên trang bìa cuốn sách của tác giả nước ngoài
Cái này khá phức tạp… Vậy chiến tranh nhân dân là gì? Nếu gói gọn trong 1 từ, đó là cuộc chiến vì dân và do dân, trong khi chiến tranh du kích đơn giản là phương pháp chiến đấu. Về mặt khái niệm, chiến tranh nhân dân có tính toàn cầu hơn. Đó là một khái niệm tổng hợp. Một cuộc chiến đồng thời là quân sự, kinh tế và chính trị… Có song song chiến tranh du kích và chiến tranh quy mô lớn tiến hành bằng các đơn vị lớn.

PV: Có gì mới về ý tưởng “Chiến tranh Nhân dân”?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đó là cuộc chiến vì dân do dân. Ở đây vì dân là vì mục tiêu chiến tranh là mục tiêu của nhân dân, như là độc lập, thống nhất đất nước, và hạnh phúc cho mọi người… Còn do dân nghĩa là thường dân, không chỉ là quân đội mà bao gồm tất cả người dân.

Chúng tôi biết rằng chính nhân tố con người chứ không phải các nguồn lực vật chất quyết định kết quả của cuộc chiến. Đó là lý do vì sao mà cuộc chiến nhân dân của chúng tôi, do Hồ Chí Minh lãnh đạo, lại diễn ra trên một quy mô lớn như vậy. Nó lôi cuốn sự tham gia của toàn thể dân chúng.

PV: Ông nghĩ sao về ý nghĩa của Điện Biên Phủ đối với thế giới?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp:Lịch sử dân tộc Việt Nam có từ hàng ngàn năm trước. Trong thời kỳ đó, chúng tôi đã đánh đuổi muôn vàn kẻ ngoại xâm. Duy có điều, thời xưa các nước lăm le xâm lược chúng tôi đều có trình độ kinh tế tương tự như chúng tôi. Các nước đó đều là xã hội phong kiến. Chẳng hạn, khi chúng tôi chiến đấu chống lại phong kiến Trung Quốc hồi thế kỷ 13. Nhưng Điện Biên Phủ lại là chiến thắng trong 1 kỷ nguyên khác. Vào nửa sau của thế kỷ 19, khi chủ nghĩa đế quốc phương Tây đã phân chia thế giới thành các thuộc địa, một vấn đề mới nảy sinh. 
Làm thế nào 1 dân tộc yếu, lạc hậu về kinh tế lại có thể hy vọng giành lại được độc lập? Làm thế nào mà họ lại đương đầu được với 1 quân đội phương Tây hiện đại, được hậu thuẫn bởi các nguồn lực của 1 nhà nước tư bản hiện đại? Và đó là lý do mà chúng tôi mất tới 100 năm để đánh đuổi đế quốc Pháp. Điện Biên Phủ là chiến thắng quyết định vĩ đại đầu tiên sau 100 năm kháng chiến chống lại đế quốc Pháp vàchủ nghĩa can thiệp Mỹ. Chiến thắng đó đã kết thúc chiến tranh và đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của người Pháp. 
Từ quan điểm quốc tế thì đó là chiến thắng vĩ đại đầu tiên của 1 dân tộc thuộc địa nhược tiểu đấu tranh chống lại sức mạnh toàn diện của các lực lượng phương Tây hiện đại. Đó là lý do vì sao nó lại là thất bại lớn đầu tiên của phương Tây. Nó đã làm rung chuyển nền móng của chủ nghĩa thực dân và kêu gọi nhân dân thế giới chiến đấu vì tự do – khởi đầu cho nền văn minh quốc tế.

PV: Liệu Điện Biên Phủ có phải là một chiến thắng dễ dàng do người Pháp mắc quá nhiều lỗi?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp:Vấn đề không đơn giản như vậy. Chúng tôi tin là về phía Pháp, các tư lệnh và Bộ Tổng tham mưu đã được thông tin tốt. Họ đã cân nhắc lợi hại, và theo dự báo của họ,Điện Biên Phủ là bất khả xâm phạm.

Phải nói rằng từ đầu mùa thu năm 1953, khi các sở chỉ huy của chúng tôi đang lên kế hoạch cho các chiến dịch thu đông, thì chưa có sự đề cập nào đến Điện Biên Phủ. Sao lại vậy? Bởi vì, kế hoạch Navarre cũng không đề cập đến nó. Bọn họ đã hoạch định 1 loạt các hoạt động điều chuyển binh lực.

Đối với chúng tôi, vấn đề nằm ở chỗ Navarre muốn giữ quyền chủ động trong khi chúng tôi muốn giành thế chủ động. Chiến tranh xâm lược luôn tồn tại 1 mâu thuẫn – đó là anh phải phân tán lực lượng để giữ đất, đồng thời phải tập trung lực lượng cơ động để tấn công. Chúng tôi lợi dụng mâu thuẫn này để buộc Navarre phải phân tán lực lượng. Từ đây mọi chuyện bắt đầu. Chúng tôi lệnh chuyển quân theo 1 số hướng, các hướng có tầm quan trọng then chốt đối với kẻ thù…

Như vậy quân thù không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải phân tán lực lượng. Chúng tôi tung các sư đoàn lên phía bắc, tây bắc, xuống miền trung, hướng sang Lào; phái thêm một số sư đoàn tới một số hướng khác. Để bảo vệ Lào và tây bắc, Navarre phải cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, và đó là điều đã diễn ra ở Điện Biên Phủ. Trước đó, không ai nghe đến Điện Biên Phủ, nhưng sau đó thì lại thành lịch sử, phải không ạ? Bộ Tổng tham mưu quân viễn chinh Pháp chỉ định đổ một lượng quân vừa đủ để ngăn chặn chúng tôi tiến lên tây bắc và Lào. Dần dần, họ lên kế hoạch biến Điện Biên Phủ thành một doanh trại tập trung lực lượng lớn quân, 1 cụm cứ điểm mạnh – mạnh nhất ở Đông Dương. Họ trù tính thu hút lực lượng của chúng tôi về đây, bẻ gãy chúng tôi, đè bẹp chúng tôi, nhưng điều trái ngược đã xảy ra. Họ muốn có 1 trận quyết chiến và đó chính là những gì họ được đón nhận ở Điện Biên Phủ, ngoại trừ một điều là chiến thắng quyết định nằm về phía Việt Nam chứ không phải phía Pháp.

PV: Ông có nghĩ rằng trước trận Điện Biên Phủ, người Pháp lại tưởng tượng được chuyện các ông đánh bại họ?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người ta nhất trí rằng tập đoàn cứ điểm này là bất khả công phá. Người Pháp rồi người Mỹ đã đánh giá thấp sức mạnh của chúng tôi. Họ có vũ khí tốt hơn cùng với tiềm lực quân sự và kinh tế khổng lồ. Họ không mảy may nghi ngờ chiến thắng sẽ thuộc về họ. Nhưng ngay khi người Pháp tin rằng họ bên bờ chiến thắng, thì mọi thứ sụp đổ quanh họ. 
Điều tương tự xảy đến với người Mỹ vào mùa Xuân năm 65. Ngay lúc Washington chuẩn bị tuyên bố chiến thắng ở miền Nam Việt Nam, người Mỹ bỗng nhiên thấy những mong đợi của họ tan vỡ. Vì sao? Bởi vì họ chống lại không phải chỉ một đội quân mà cả một dân tộc – toàn thể dân tộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên chiến trường. Ông được coi là bậc thầy về chiến tranh du kích, là nhà thao lược, nhà lý luận quân sự tài ba, có tư tưởng độc lập, sáng tạo
Do vậy bài học rút ra là cho dù tiềm lực quân sự và kinh tế của đối phương của anh lớn đến nhường nào thì nó vẫn không bao giờ đủ lớn để đánh bại 1 dân tộc đoàn kết trong cuộc đấu tranh cho các quyền cơ bản. Đó là những gì chúng tôi học được từ những điều kể trên.

PV:Vì sao Mặt trận Giải phóng Dân tộc lại thành công đến như vậy trong việc mở rộng khu vực kiểm soát từ năm 1960 đến 1965?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Trong suốt chiều dài lịch sử của chúng tôi, hễ khi nào chúng tôi cảm thấy mình bị kẻ thù đe dọa, nhân dân chúng tôi lại siết chặt hàng ngũ. Hàng triệu người đoàn kết lại, kêu gọi “Thống nhất trên tất cả”, “Chiến thắng trên tất cả”… Mặt trận Giải phóng Dân tộc [miền Nam Việt Nam] giành chiến thắng vì Mặt trận đã nỗ lực đoàn kết hầu hết người dân và vì chính trị của nó là chính nghĩa.

PV:Thế các ông có thay đổi chiến thuật chút nào không khi quân Mỹ bắt đầu đến Việt Nam sau năm 1965?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp:Dĩ nhiên kể cả khi đó thì đây vẫn là chiến tranh nhân dân. Mà chiến lược của chiến tranh nhân dân thì không chỉ gồm quân sự. Luôn có khía cạnh tổng hợp trong chiến lược này. Chiến lược của chúng tôi bao gồm đồng thời các mặt quân sự, chính trị, kinh tế và ngoại giao, mặc dù yếu tố quân sự là yếu tố quan trọng nhất. Trong thời chiến, anh phải bắt đầu từ đối phương, phải nắm rõ kẻ thù. Khi kẻ thù thay đổi chiến lược chiến thuật, anh phải làm tương tự. 
Trong mọi cuộc chiến tranh, chiến lược bao giờ cũng bao gồm một số chiến thuật được coi là có tầm quan trọng chủ chốt và anh sẽ phải tìm cách đập tan các chiến thuật đó. Chẳng hạn, nếu chúng tôi đối đầu với kỵ binh, chúng tôi sẽ phải làm mọi thứ để đánh bại chiến thuật cụ thể đó. Cũng tương tự như khi kẻ thù sử dụng các vũ khí chiến lược… 
Và khi quân Mỹ cố gắng áp dụng chiến thuật “tìm diệt”, chúng tôi đối phó bằng chiến thuật riêng khiến cho mục tiêu của chúng không đạt được còn bản thân chúng thì bị tiêu diệt. Chúng tôi phải buộc quân thù đánh theo cách chúng tôi muốn. Chúng tôi buộc đối phương chiến đấu trên địa bàn không quen thuộc.
Hình ảnh Đại tướng Giáp trên trang bìa tạp chí TIME của Mỹ

PV: Ông đã quen thuộc với các bức ảnh nổi tiếng tháng 4/1975 ghi lại cảnh những chiếc trực thăng Mỹ bay khỏi đại sứ quán Mỹ. Những bức hình đó có nghĩa như thế nào đối với ông?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Như những gì chúng tôi dự kiến. Nó đánh dấu sự chấm dứt của sự hiện diện thực dân kiểu mới của Mỹ ở đất nước chúng tôi. Và nó chứng minh rằng khi 1 dân tộc đã thống nhất trong cuộc chiến vì tự do, họ sẽ luôn chiến thắng.

Khi còn trẻ, tôi có 1 mơ ước là 1 ngày nào đó tôi sẽ chứng kiến đất nước tôi tự do và thống nhất. Ngày đó, giấc mơ của tôi thành hiện thực. Nó giống như lật sang một trang sử mới. Đường phố Hà Nội ngập tràn người. Các bức ảnh trực thăng theo 1 cách nào đó là biểu hiện cụ thể cho chiến thắng của chiến tranh nhân dân trước quân xâm lược Mỹ. Ở giác độ khác, đó là bằng chứng cho thấy Lầu Năm Góc không thể dự báo điều sẽ xảy ra. Nếu không, họ đã lên kế hoạch tốt hơn.

Thực tế lịch sử dạy cho chúng tôi rằng không phải cứ là lực lượng quân sự kinh tế mạnh mẽ nhất thì sẽ chiến thắng được cuộc kháng chiến của một dân tộc đoàn kết – đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì các quyền quốc tế của mình. Vẫn có giới hạn đối với sức mạnh của họ. Ngay từ đầu, dù là ở nước xã hội chủ nghĩa hay tư bản, mọi thứ anh làm vì lợi ích của nhân dân sẽ đem lại cho anh lợi thế, trong khi những thứ đi ngược lại lợi ích của nhân dân rốt cuộc sẽ phản lại chính anh.

Chúng tôi là người chiến thắng và người Mỹ thất bại, nhưng tôi muốn làm rõ điều này. Cái gì làm nên chiến thắng? Nhân dân Việt Nam không bao giờ muốn chiến tranh; họ muốn hòa bình. Người Mỹ có muốn chiến tranh không? Không, họ cũng muốn hòa bình. Vì vậy chiến thắng này là chiến thắng dành cho những người dân ở Việt Nam và Hoa Kỳ mong muốn hòa bình. Vậy thì ai đã bị đánh bại? Những kẻ theo đuổi xâm lược bằng mọi giá. Và đó cũng là lý do chúng tôi vẫn làm bạn với nhân dân Pháp và không bao giờ cảm thấy thù địch với nhân dân Mỹ cả…

PV: Ai đã phát minh ra ý tưởng chiến tranh Nhân dân? Ý tưởng này ban đầu là của ai?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Ban đầu đó là sản phẩm của tinh thần sáng tạo của quần chúng. Cho phép tôi được nói về truyền thuyết Phù Đổng mà người dân Việt nào cũng biết. Truyền thuyết đó có từ thời tiền sử. Quân thù sắp xâm lăng và có 1 cậu bé 3 tuổi tên Phù Đổng lớn nhanh như thổi, cưỡi lên ngựa sắt và nhổ tre làm vũ khí, tập hợp mọi người lại đánh giặc. Nông dân, ngư dân, mọi người đáp lại lời kêu gọi của Phù Đổng và họ đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Truyền thuyết này phản ánh thực chất trong tư tưởng nhân dân. Như vậy, chiến tranh nhân dân đã tồn tại ngay trong truyền thuyết, và vẫn còn bên chúng tôi trong các thế kỷ.

PV:Vì sao ông nghĩ rằng Việt Nam hầu như là nước duy nhất trên thế giới đã đánh bại Mỹ? Tại sao chỉ Việt Nam?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Với tư cách sử gia, tôi sẽ nói rằng trường hợp Việt Nam là hiếm. Với tư cách 1 quốc gia, Việt Nam đã được hình thành từ rất sớm. Về lý thuyết, người ta nói rằng 1 quốc gia chỉ có thể hình thành sau khi xuất hiện chủ nghĩa tư bản… Nhưng nước chúng tôi hình thành rất sớm, trước cả Công nguyên. Vì sao? Bởi lẽ nguy cơ xâm lược từ các thế lực bên ngoài đã liên kết các bộ lạc khác nhau lại với nhau. Và rồi lại có cuộc chiến thường trực chống lại các yếu tố khắc nhiệt, như mùa đông… Trong các truyền thuyết của chúng tôi, cuộc đấu tranh  này được coi là một yếu tố thống nhất, một sức mạnh cố kết dân tộc. Yếu tố này cùng với nguy cơ thường trực bị xâm lược đã tạo ra sự gắn kết lớn hơn nữa và tạo ra 1 truyền thống mang lại cho chúng tôi sức mạnh.

Ông Giáp là 1 vị tướng nhân văn, vì hòa bình. Ông rất tôn trọng đối phương. Ông cũng sẵn sàng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Trong ảnh, tướng Giáp bắt tay cựu thù - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara (ảnh: WashingtonPost)
Nhân dân Việt Nam nói chung có xu hướng lạc quan. Vì sao vậy? Nguyên nhân là họ đã đối diện với các bất định trong hàng ngàn năm, và trong hàng ngàn năm ấy họ đã vượt qua được các thách thức đó.

PV: Đâu là đóng góp của chủ nghĩa Marx-Lenin đối với học thuyết Chiến tranh Nhân dân của các ông?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chiến tranh Nhân dân ở Việt Nam đã có từ trước khi chủ nghĩa Marx-Lenin du nhập vào đây. Tất nhiên học thuyết Marx-Lenin có đóng góp vào Chiến tranh Nhân dân Việt Nam.

Khi Liên Xô sụp đổ, chúng tôi dự đoán 60-80% ngân sách xuất nhập khẩu của chúng tôi sẽ bị mất đi do chúng tôi phụ thuộc vào viện trợ của Liên Xô và các nước XHCN khác. Do vậy người ta dự báo Việt Nam sẽ sụp đổ. Thế nhưng, chúng tôi vẫn trụ vững và từng bước tiến lên. Khi được hỏi tôi nghĩ sao về Perestroika (cải tổ ở Liên Xô), tôi trả lời rằng tôi nhất trí với sự thay đổi… Nhưng Perestroika là từ tiếng Nga, dành cho người Nga. Ở đây chúng tôi làm mọi việc theo cách Việt Nam. Chúng tôi tận dụng các niềm hy vọng của Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Anh quốc – nhưng chúng tôi cố gắng đồng hóa tất thảy các hy vọng đó.

Như tôi đã đề cập, dân tộc Việt Nam có tinh thần độc lập, ương bướng nữa, ý tôi là làm những thứ theo kiểu của Việt Nam. Hiện giờ có kế hoạch vận động nhân dân đấu tranh chống lạc hậu và nghèo khó. Còn đó các vấn đề chiến tranh và hòa bình, có những quy luật cụ thể, quy luật xã hôi, quy luật lớn vẫn giữ giá trị dù thời bình hay chiến tranh. Anh phải thực tế, phải có mục tiêu, phải sử dụng thực tiễn làm phương tiện phân tích các quy luật khách quan chi phối những thứ đó. Để chiến thắng, anh phải hành động theo các quy luật này. Nếu làm ngược lại, anh sẽ là chủ quan và sẽ nhất định thất bại. Như vậy, chúng tôi học từ kinh nghiệm, cả xấu lẫn tốt, của chủ nghĩa tư bản. Nhưng chúng tôi có ý tưởng riêng kiểu Việt Nam về những vấn đề này.

Tôi muốn nói thêm rằng chúng tôi vẫn muốn độc lập, và chúng tôi sẽ theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra cho chúng tôi, con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là gì? Là độc lập và thống nhất cho tổ quốc, là tự do và hạnh phúc cho nhân dân, là hòa bình và hữu nghị giữa người với người./.