Nga cần gì?
Nga chỉ cung cấp chưa đến 1% nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi. Tức là sự đầu tư kinh tế của Nga vào châu Phi là không đáng kể. Tuy nhiên, chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov lại được phản ánh đậm nét.
Chuyến thăm của ông Lavrov tới Ai Cập, Cộng hòa Congo, Uganda và Ethiopia có một ưu tiên là chứng tỏ với thế giới rằng Nga không bị cô lập trên trường quốc tế bất chấp các lệnh trừng phạt mở rộng của phương Tây. Ngoại giao Nga hướng tới mục tiêu chứng minh rằng Nga là một đại cường quốc duy trì đồng minh trên thế giới mà họ có thể thực hiện làm ăn như bình thường.
Nga cũng đang đấu tranh cho việc bình thường hóa một trật tự quốc tế mới không do Mỹ lãnh đạo.
Chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng Lavrov có ý nghĩa lớn đối với việc tạo thế địa chiến lược cho Nga. Thông điệp mà Nga muốn gửi đi là cuộc chiến của họ ở Ukraine chính là cuộc đấu tranh rộng lớn hơn về tư tưởng giữa phương Đông và phương Tây. Thành công của Nga trong tuyên truyền về thông điệp này sẽ khiến ít có nước châu Phi chỉ trích cuộc chiến của Nga. Thực tế, hồi tháng 3/2022, có tới 25 trong số 54 quốc gia châu Phi đã bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu lên án “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine trong Nghị quyết ES-11/1 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Lavrov cũng có thể muốn chứng minh rằng thỏa thuận Ukraine-Nga gần đây về việc giải tỏa hơn 20 triệu tấn ngũ cốc Ukraine cho xuất khẩu là một cử chỉ nhân đạo của Nga.
Ai Cập và Ethiopia – những nước chủ chốt trong hành trình của ông Lavrov – đã đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề từ các xáo trộn trong nguồn cung lương thực. Chiến sự tại Ukraine đã làm tăng gấp đôi giá ngũ cốc toàn cầu trong năm 2022 này, từ đó gây ra những căng thẳng lớn về chính trị và xã hội trên khắp châu Phi.
Châu Phi được gì?
Các lãnh đạo châu Phi thu được gì từ chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Lavrov khi mà bản thân Nga đang bị phương Tây chỉ trích và trừng phạt vì tấn công quân sự vào Ukraine? Câu trả lời là sự ủng hộ chính trị từ Nga dành cho họ.
Việc Nga mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi trong các năm gần đây chủ yếu là kết quả của các biện pháp phi chính thức của Nga tại đây, như triển khai các công ty quân sự, các thỏa thuận đổi tài nguyên lấy vũ khí, và việc buôn bán kim loại quý hiếm. Các công cụ này không tốn kém nhưng lại có tác động mạnh. Nga đã và đang hậu thuẫn cho các nhà lãnh đạo tại Cộng hòa Trung Phi, Mali và Sudan.
Cách tiếp cận bất đối xứng của Nga đối với việc giành ảnh hưởng ở châu Phi cũng đáng lưu ý ở chỗ các “mối quan hệ đối tác này” chủ yếu là với các nhà lãnh đạo đơn lẻ được Moscow hậu thuẫn.
Tổng thống Ai Cập Abdel al Sisi là một đồng minh chính trong nỗ lực của Nga thúc đẩy một chính quyền thân thiện với họ ở Libya, từ đó có thể giúp Nga thiết lập được sự hiện diện hải quân ở Nam Địa Trung Hải và khai thác nguồn dầu của Libya. Tổng thống Sisi cũng là một đối tác của Nga trong nỗ lực tác động chính trị ở Sudan và Tunisia.
Hơn nữa, Nga còn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Ai Cập. Khoản cho vay trị giá 25 tỷ USD cho công ty Nga Rostatom xây nhà máy điện hạt nhân Dabaa ở Cairo (Ai Cập) không có ý nghĩa lớn về kinh tế nhưng đem lại lợi thế cho những người bạn thân lâu năm của hai ông Sisi và Putin. Đây cũng là phương tiện để Nga giành ảnh hưởng lớn hơn nữa đối với ông Sisi.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov tới Uganda cũng được cho là tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng thống Yoweri Museveni thực hiện chuyển giao quyền lực cho con trai, Muhoozi Kainerugaba.
Những động thái này có thể lôi kéo Uganda – một quốc gia về mặt lịch sử nghiêng về phương Tây, vào quỹ đạo của Moscow. Đối với Tổng thống Museveni, việc xích lai gần Nga sẽ gửi đi thông điệp ông sẽ dịch chuyển hơn nữa về phía Nga nếu phương Tây chỉ trích ông quá mức.
Trong khi đó, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đang kháng cự lại các chỉ trích dữ dội từ quốc tế về vấn đề nhân quyền.
Ethiopia từ lâu đã duy trì chính sách đối ngoại độc lập. Nhưng thủ đô Addis Ababa của quốc gia này sẽ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi vào cuối năm 2022. Sự kiện này lại cung cấp một diễn đàn tiếng tăm nữa để củng cố thông điệp của Moscow rằng họ vẫn được đón chào trên sân khấu quốc tế.
Chuyến thăm của ông Lavrov cho thấy có các nhà lãnh đạo châu Phi tìm thấy giá trị chính trị trong việc giữ quan hệ với Nga bất chấp việc Nga đang bị phương Tây gây khó dễ.
Đáng chú ý, hầu hết các nước mà ông Lavrov thăm đều duy trì quan hệ đáng kể với phương Tây. Đối với họ, việc tiếp ông Lavrov không phải là để ngắt bỏ các mối quan hệ này. Thực sự, đây là nỗ lực giành thêm ảnh hưởng thông qua phương Tây.
Tuy nhiên các nhà lãnh đạo châu Phi này có nguy cơ làm hạ triển vọng nhận được đầu tư phương Tây ở mức độ lớn hơn. Có tới 9 trong 10 nước hàng đầu đầu tư vào Nga (chiếm 90% đầu tư trực tiếp nước ngoài) là một phần trong hệ thống tài chính phương Tây. Sau này, có thể các nước đó sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa để giành lại sự tin tưởng của phương Tây./.