Hơn chục lần được gặp, trò chuyện, phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có những lần cuộc trò chuyện kéo dài vài tiếng đồng hồ, với nhà báo, nhà làm phim người Pháp Daniel Roussel, đó là những tài sản quý báu không thể nào kể xiết. Những lần ấy, ông thân mật gọi “Đại tướng của tôi” hay gần gũi hơn ông dùng từ tiếng Pháp “Tonton” (Tông- tông) tức là “Chú” để trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

daniel-roussel-2.jpg
Nhà báo Daniel Roussel (Ảnh: Thùy Vân)

Từng là phóng viên thường trú báo Nhân đạo tại Việt nam giai đoạn 1980-1986, sau này trở thành nhà làm phim, Daniel Roussel là tác giả bộ phim tài liệu nổi tiếng “Điện Biên Phủ -Cuộc chiến giữa hổ và voi”, trong đó khắc họa vai trò của nhà chiến lược quân sự tài ba Võ Nguyên Giáp.

Phóng viên VOV thường trú tại Pháp đã có cuộc phỏng vấn với nhà Daniel Roussel.

PV: Thưa ông, ông là người hiếm hoi đã có hơn chục lần được gặp và trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông lưu giữ ký ức nào về những lần gặp ấy?

Nhà báo Daniel Roussel: Tôi đã gặp và biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ 35 năm nay. Tôi gặp ông lần đầu tiên từ đầu những năm 80 và từ đó về sau, trong những năm 80, tôi thường xuyên trở lại gặp ông, làm những cuộc phỏng vấn, ghi hình. Tôi đã gặp ông tại nhà riêng của ông ở Hà Nội, gặp ông ở miền Nam khi ông đi gặp các cựu chiến binh, ở rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam.

Tôi đã có may mắn được là nhân chứng về các hoạt động của ông như là một chỉ huy của Quân đội nhân dân Việt Nam, như một nhà chính trị, như một con người bình thường, được biết ông thích gì, yêu gì trong đời sống riêng tư… Tôi gọi ông giản dị là “Vị Đại tướng của tôi” hay “Chú”. Rất nhiều lần trong những cuộc gặp ấy, tôi đã tự nhủ: Daniel, mình thật may mắn khi được nói về lịch sử với một con người đã làm nên lịch sử”.

PV:Đâu là khía cạnh mà ông nhớ nhất về Đại tướng Võ Nguyên Giáp ?

Nhà báo Daniel Roussel:  Tôi nhớ con người bình dị và hóm hỉnh của Đại tướng. Tôi yêu thích cách ông trò chuyện rồi phá lên cười. Tôi còn nhớ một lần tôi xin phỏng vấn ông một câu cuối cùng. Đại tướng đã cười và bảo tôi là: “Cậu giống tất cả những chàng phóng viên trẻ, lúc nào cũng nói là đặt câu hỏi cuối cùng nhưng rồi không phải.

Rồi Đại tướng kể chuyện ở Việt Nam có truyền thống thích con trai, gia đình có cậu con trai đặt tên là "Út", nghĩa là cuối cùng, rồi sau đó mong có con trai nữa, thế là phải đặt là "Út Hai", "Út Ba" rồi cứ thế không ngờ đến cả “Út Bảy”.

Con người Đại tướng rất giản dị, hóm hỉnh nhưng rất nghiêm túc và luôn hướng tới sự hoàn hảo. Trong những cuộc thảo luận của tôi với Tướng Giáp, ông nói tiếng Pháp thật tuyệt vời, sử dụng ngoại ngữ này một cách hoàn hảo.

Trong một lần phỏng vấn ông cho truyền hình về chính sách thuộc địa của Pháp ở Đông Dương, cuối buổi phỏng vấn, ông còn nói với tôi rằng có thể ông đã có một số vấn đề về chia động từ, trong cách diễn đạt hay trong cách sử dụng các tính từ và ông muốn làm lại cuộc phỏng vấn.

Tôi đã nói với ông rằng “thưa Đại tướng, ngài trả lời không sai gì cả, hơn nữa ngài không phải là người Pháp nên có một số lỗi ngữ pháp cũng không sao”. Tuy nhiên, tướng Giáp muốn sự hoàn hảo nên ông cứ muốn làm lại".

PV:Và đâu là chi tiết lịch sử quan trọng nhất mà ông có được trong các cuộc trò chuyện với Đại tướng?

Nhà báo Daniel Roussel:Tôi cho rằng trong cuộc đời của một chỉ huy quân sự, một Tổng tư lệnh, câu chuyện kỳ lạ nhất khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một trong những chiến lược gia xuất sắc nhất trong lịch sử nhân loại là trận đánh ở Điện Biên Phủ. Và ông đã kể rằng đó là đêm khó khăn nhất của cuộc đời ông.

Ở cái đêm nổi tiếng 25/1/1954, khi mà quân đội Việt Nam đã sẵn sàng tấn công cứ điểm của quân Pháp nhưng rồi ông cảm thấy không ổn nên đã quyết định rút quân, chờ thêm nhiều tuần nữa để chuẩn bị hậu cần, vận chuyển vũ khí.

Ông đã không muốn đánh chớp nhoáng, hy sinh nhân lực để nhấn chìm cứ điểm trong vòng một tuần mà muốn “gặm nhấm” Điện Biên Phủ từng miếng một, từng cứ điểm một. Cuộc chiến đã kéo dài nhưng kết cục, ông đã là người chiến thắng”.

PV: Trong thời gian dài nghiên cứu, ông nhận thấy suy nghĩ của người Pháp đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp như thế nào ?

Nhà báo Daniel Roussel: Tôi nghĩ rằng những người lính Pháp, những sĩ quan Pháp, với danh dự của họ, đều có sự tôn trọng với tướng Giáp và đều coi tướng Giáp là một vị chỉ huy quân sự lớn. Tôi cũng nghĩ khi tướng Giáp đề cập đến các vị tướng Pháp, ông cũng có rất nhiều sự tôn trọng với họ.

Nhà báo Daniel trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tướng Giáp cũng từng kể lại, rất thích thú, về các kỷ niệm mà ông có với Thống tướng Leclerc khi tướng Leclerc ở Việt Nam. Ông cũng có những kỷ niệm với Tướng Salan, người đã đối địch với ông. Với tướng Giáp, ông không hề coi thường địch thủ mà luôn có sự tôn trọng với họ. Trong Bộ Tổng tham mưu Pháp khi đó thì mọi chuyện lại khác.

Không phải là họ coi thường tướng Giáp mà là họ đã đánh giá thấp khả năng chiến đấu của các binh sĩ Việt Nam và từ đó đánh giá thấp Đại tướng. Họ đã cho rằng Việt Nam không có các trường quân sự lớn nên họ nghĩ có thể đánh bại quân đội Việt Nam một cách dễ dàng. Và họ đã nhầm! Cuối cùng họ đã hiểu rằng tướng Giáp không chỉ có sự hiểu biết uyên thâm để đánh bại quân Pháp ở Điện Biên Phủ mà sau đó còn chiến thắng nhiều trận đánh lớn trước quân Mỹ”.

PV: Những câu chuyện và kỷ niệm của ông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thật quý giá. Ông có nghĩ rằng ông vẫn cần nói thêm nhiều hơn để người Pháp hiểu và biết đến những câu chuyện đầy ý nghĩa đó ?

Nhà báo Daniel Roussel: Bộ phim “Điện Biên Phủ-Cuộc chiến giữa hổ và voi” của tôi sẽ được trình chiếu vào năm tới, trong Năm giao lưu Pháp Việt và cũng là kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Và tôi sẽ làm thêm một bộ phim riêng về cuộc đời của Đại tướng, cuộc đời của một người đàn ông, một công dân, một người cha, cuộc đời một chính trị gia, một người lính. Tóm lại tất cả những gì làm nên con người ông. Tôi nghĩ lúc nhận tin buồn này cũng là lúc tôi phải nói nhiều hơn về Người với những gì tôi may mắn được biết, được chứng kiến về con người kiệt xuất này.

Tôi xin được nói thêm một ấn tượng sâu sắc của tôi là trong các cuộc trò chuyện của tôi với Đại tướng, ông thường xuyên nói nhiều về mối liên hệ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đúng là người con tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại tướng là người tiếp bước những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm và để lại khi Người ra đi, là người áp dụng những nguyên tắc, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Đại tướng luôn bày tỏ sự tôn trọng sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiếp nối những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy.

Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tôi luôn nghĩ rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành biểu tượng của Việt nam và tôi cũng chia buồn với nhân dân Việt nam trong nỗi mất mát này”.

 PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.