Là trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô có mặt tại Việt Nam vào những năm 1972-1975... Thượng tướng Anatoly Khiupenen đã có lần tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi vậy, ông rất xúc động khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Từ bệnh viện, ông đã trở về nhà riêng để dành cho phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam thường trú tại LB Nga những cuộc trò chuyện về vị Đại tướng đáng kính của nhân dân Việt Nam. Phóng viên VOV thường trú tại LB Nga ghi lại những cảm nhận và đánh giá của ông về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

1diepanhphongvananatoly.jpg

Thượng tướng Anatoly Khiupenen trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV

Mặc dù không thật khỏe khi đã ở tuổi ngoài 90, lại đang phải nằm viện điều trị bệnh dạ dày... nhưng vị Thượng tướng được nhiều cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Việt Nam biết tiếng, Khiupenen, vẫn rất nhanh nhẹn và khá minh mẫn khi kể lại từng chi tiết, cảm xúc khi có dịp gặp và làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trước tiên, như một lời chia buồn, ông nói về sự ra đi của Đại tướng: “Thật đáng buồn về thông tin này, đối với chúng tôi, những chuyên gia quân sự Liên Xô từng có mặt ở Việt Nam. Bởi vì, Ông -Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúng là phẩm giá, là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam, là một người yêu nước chân chính”.

Rồi ông cứ chậm rãi như tự ôn lại những hình ảnh, những sự việc mà ông từng chứng kiến, từng tham dự với sự có mặt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tôi có hân hạnh được làm quen với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi lần đầu tiên tôi đến Việt Nam nhận nhiệm vụ vào ngày 15/12/1972, thì ngày 18/12 năm đó Mỹ mang bom đánh phá Hà Nội và một số thành phố miền Bắc Việt Nam. Ngày 17/12 tôi đã có dịp làm quen với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông tới chào đón đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô. Ông đã lắng nghe chúng tôi giới thiệu về mình và đánh giá cao các chuyên gia quân sự Liên Xô, giao nhiệm vụ cho chúng tôi cần chú trọng việc gì, thế nào... Nhưng khi câu chuyện với chúng tôi vừa kết thúc thì có tin máy bay Mỹ đã bay vào rất gần miền Bắc, bắt đầu cuộc chiến trên không với tên gọi “Lain Becker 2”. Và kết quả của cuộc chiến đấu này là chiến thắng của trận Điện Biên Phủ trên không: Lực lượng không quân Hoa kỳ đã bị đập tan và với chiến thắng đó, một Hiệp định hòa bình cho Việt Nam đã được ký kết vào tháng 1/1973. Điều rất thú vị là vào năm nay, đất nước các bạn kỷ niệm tròn 40 năm sự kiện lịch sử này.

Vào năm 1973, sau chiến thắng Điện Biên phủ trên không buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về hòa bình cho Việt Nam, một đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã được tham dự lễ mừng chiến thắng. Trong cuộc tiếp chúng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát biểu, đánh giá cao công lao và sự giúp đỡ của các chuyên gia đồng thời cho biết quyết định trao tặng danh hiệu Anh Hùng cho binh chủng Tên lửa. Nhân đây tôi cũng xin kể về một chi tiết rất thú vị là trong quyết định trao tặng danh hiệu Anh hùng cho lực lượng Tên lửa có nội dung đại ý là “khen thưởng vì công lao cho binh chủng không chỉ là quân sự mà còn là chính trị”.

Tôi cũng rất nhớ những kỷ niệm khác khi tôi đã có dịp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là vào năm 1972, chúng tôi đã tới sân vận động ở Hà Nội và tham dự một trận đá bóng giao hữu giữa các cầu thủ quân đội là chuyên gia Liên Xô với đội bóng quân đội của Việt Nam, kết quả là “chiến thắng của tình hữu nghị”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã tham dự hoạt động này đồng thời chúng tôi cũng còn có nhiều dịp gặp ông trong những năm đó. Ông luôn dành cho chúng tôi sự quan tâm rất chu đáo và cũng đến thời điểm đó có những thỏa thuận giữa hai nước về sự tiếp tục giúp đỡ nhau trong lĩnh vực quân sự và đội ngũ chuyên gia chúng tôi đã được chuyển thành cố vấn quân sự cho Bộ Quốc phòng.

Sau này, khi có dịp sang Liên Xô công tác cũng như đi nghỉ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần gặp gỡ chúng tôi. Ông mời cả nhóm cựu chuyên gia quân sự tới gặp mặt rất vui vẻ và gần gũi. Có thể nói đó là một cách ứng xử rất nhân văn mà ông dành cho chúng tôi.

Cuộc gặp ông cuối cùng của tôi là vào năm 2005, khi tôi cùng đoàn cựu chuyên gia quân sự Nga sang thăm Việt Nam. Lúc đó ông cũng đã ngoài 90 tuổi rồi, chúng tôi đã được mời tới gặp ông tại ngôi nhà riêng và có cuộc trò chuyện rất thú vị với ông. Chúng tôi đã chụp ảnh kỷ niệm với ông, Ông tặng chúng tôi sách.... Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên được.

Cựu chuyên gia quân sự Liên Xô, Thượng tướng Anatoly Khiupenen

Cuối cùng, với tư cách là một cựu chiến binh, một người từng là cán bộ cấp cao của đội ngũ chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam, một cố vấn quân sự và sau này là nhà nghiên cứu lịch sử quân sự và tham gia giảng dạy tại Học viện Phòng không – Không quân của Liên Xô, của Nga...  Thượng Tướng Khiupenen đưa ra những đánh giá của mình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ông là người “khởi nguồn”. Tại sao tôi nói thế. Bởi vì: Thứ nhất, ông chính là người thành lập nên lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam, vào ngày 22/12/1944 từ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đây chính là cơ sở thành lập nên lực lượng quân đội hùng mạnh sau này của Việt Nam và cũng là của một quốc gia trong khu vực Đông Nam châu Á. Ông đã thực hiện tốt nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó.

Một vài năm sau, khi quân đội Việt Nam chiến đấu chống quân Pháp tại Điện Biên Phủ, một trận chiến được ví với Stalingrat, đã giành được chiến thắng oanh liệt vào ngày 7/5/1954. Phân tích về những đóng góp to lớn trong chiến thắng này thì việc đánh chiếm và giải phóng Điện Biên Phủ bằng một chiến thuật bao vây mà lực lượng quân đội Việt Nam làm được nhằm tiêu diệt một lực lượng quân đội hùng mạnh như Pháp phải khẳng định đó là nhờ tài thao lược của vị chỉ huy tối cao, Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp.

Rồi tiếp sau nữa là cuộc chiến đấu với Đế quốc Mỹ. Đặc biệt, với “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” Mỹ đã leo thang ném bom dữ dội xuống Việt Nam khiến tình hình trở nên rất khó khăn cho Việt Nam. Và khi đó, nhiệm vụ của quân đội Việt Nam, đặc biệt là lực lượng Phòng Không lại càng nặng nề khi phải chống lại lực lượng không quân hiện đại của Mỹ. Cuối cùng, cuộc chiến trên không cũng đã kết thúc thắng lợi vào tháng 12/1972. Vai trò to lớn ấy cũng không ai khác, chính là sự đóng góp của vị chỉ huy tối cao của quân đội, Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp.

Tôi có thể nói rằng, Võ Nguyên Giáp là phẩm giá dân tộc của đất nước các bạn. Điều này có thể khẳng định và được thừa nhận không chỉ là các chuyên gia quân sự Liên Xô mà còn là các nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Ông đã đứng vào hàng ngũ những nhà lãnh đạo kiệt xuất. Ngay cả những người từng là “kẻ thù” cũng đánh giá cao ông, một nhà quân sự, một nhà chiến lược, chiến thuật tài tình - Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp.

Ông là “cánh tay phải” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cũng là một con người rất nhân văn, quan tâm sâu sắc đến mọi người. Tôi có thể nói rằng tôi rất tự hào là đã được đứng trong hàng ngũ những chuyên gia quân sự Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong thời kỳ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp lãnh đạo lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bởi vậy tôi rất buồn và xin chia sẻ với các bạn Việt Nam về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”./.