Trong bối cảnh xung đột Ukraine đang đặt ra nhiều thách thức đối với chuỗi cung ứng, kết nối và hậu cần Á-Âu, Hội nghị Ngoại trưởng SCO cũng như sự hiện diện của Trung Quốc sẽ có những tác động đến bức tranh an ninh và kinh tế của khu vực.

Những điểm đáng chú ý trong chuyến công du Trung Á của Ngoại trưởng Vương Nghị

Có thể nói, những năm gần đây, các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc đều đang cố gắng tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Trung Á và đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt với các nước tại khu vực trọng yếu này.

Hiện nay, thế giới đang ở vào thời điểm khá nhạy cảm trong cạnh tranh địa chính trị. Sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, thế giới đang đứng trước sự thay đổi to lớn. Bốn tổ chức an ninh quan trọng đang ráo riết mở rộng thành viên, trong đó NATO chuẩn bị tiếp nhận Phần Lan và Thụy Điển; Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) cũng thông báo có kế hoạch tăng số lượng thành viên từ 6 nước lên tới “hàng chục” quốc gia.

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã khởi động quy trình chính thức kết nạp Iran với việc nước này ký kết bản ghi nhớ về nghĩa vụ với tư cách là thành viên SCO tại Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này diễn ra vào tháng 9 ở Samarkand, Uzbekistan; tiếp nhận Saudi Arabia, Ai Cập và Qatar trở thành đối tác đối thoại, cũng như xem xét đơn xin gia nhập của Belarus.

Trong khi đó, dưới sự hậu thuẫn của Trung Quốc và Nga, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) cũng đang chuẩn bị mở rộng thành viên với việc Saudi Arabia và Argentina dự kiến ​​sẽ gia nhập.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc cũng tuyên bố thiết lập một cơ chế mới ở Trung Á. Đó là tại Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 3 giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á tổ chức hồi đầu tháng 6 vừa qua, các bên đã nhất trí thiết lập cơ chế họp định kỳ giữa nguyên thủ 6 nước – một động thái nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung Á, cũng như ngăn chặn sự can dự từ bên ngoài vào khu vực này.

Chuyến công du lần này của ông Vương Nghị nhằm tiếp tục khẳng định sự hiện diện của Bắc Kinh tại khu vực, duy trì an ninh, ổn định tại đây và thúc đẩy các dự án trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, mà nói như lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là “hiện nay, tình hình khu vực Trung Á đang đối mặt với những thách thức mới do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài”, do vậy các nước trong khu vực muốn tăng cường hợp tác sâu rộng với Trung Quốc và chuyến thăm này của ông Vương Nghị nhằm “làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trong “Vành đai và Con đường” giữa hai bên, thúc đẩy xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh giữa Trung Quốc và Trung Á chặt chẽ hơn”.

Kỳ vọng của Trung Quốc vào sự mở rộng của SCO

Việc Belarus muốn trở thành thành viên đánh dấu đây là lần đầu tiên SCO nhận được đơn xin gia nhập của một quốc gia châu Âu (trừ nước sáng lập Nga) kể từ khi tổ chức này thành lập. Có phân tích cho rằng, Belarus đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt tập thể chống lại Nga của phương Tây. Bằng cách gia nhập SCO, Belarus có thể vực dậy nền kinh tế, giải quyết các vấn đề của mình và tìm kiếm các đối tác kinh tế và thương mại mới bên ngoài EU.

Tình thế của Belarus khiến chúng ta không thể không nhắc đến Iran. Vào thời điểm Iran gia nhập SCO năm 2021, điểm chung giữa Nga, Trung Quốc và Iran là đều đang phải chịu sức ép từ nhiều lệnh trừng phạt do Mỹ và một số nước phương Tây áp đặt. Do vậy, sự hợp sức trên phương diện song phương, đa phương và trong khuôn khổ SCO có thể giúp 3 nước và cả Belarus thoát khỏi thế cô lập, đồng thời tạo ra lợi thế để cạnh tranh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - nơi hiện đang diễn ra một “cuộc đua” thu hút các cường quốc và có thể khiến thay đổi cục diện địa chính trị thế giới trong thế kỷ này.

Nhiều nhận định cho rằng, Trung Quốc và Nga - 2 trụ cột chính của SCO - cùng với “tân binh” Iran và trong tương lai có thể bao gồm Belarus và các nước khác, sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác của tổ chức này nhằm hình thành một “cực” đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như các trục liên kết quân sự mới hình thành.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang thúc đẩy quá trình xây dựng các cấu trúc quốc tế, trong đó có SCO, để tập hợp lực lượng nhằm đối phó với sự cạnh tranh chiến lược toàn diện từ phía Mỹ. Trước hết là thông qua SCO để duy trì và thúc đẩy tiến trình thực thi Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Trung Quốc đẩy mạnh vai trò và sự hiện diện tại Trung Á

Chuyến thăm Trung Á lần này của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được thực hiện đồng thời với việc tham dự Hội nghị Hội đồng Ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tổ chức tại Uzbekistan. Trong tuyên bố trước chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ngoài mong muốn tăng cường hợp tác với Bắc Kinh, các nước Trung Á còn “mong đợi SCO có các hành động mới và đảm nhận các trách nhiệm mới”.

SCO là một tổ chức an ninh chung liên chính phủ được thành lập năm 2001 gồm các quốc gia thành viên là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã đến thăm Kazakhstan và gặp Tổng thống Tokayev. Hai bên được cho là đã nhất trí tăng cường hợp tác quân sự.

Đáng chú ý là cũng vào thời điểm này, hôm 21/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất “Sáng kiến ​​An ninh Toàn cầu” tại lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao. Ông tuyên bố, “an ninh là tiền đề của sự phát triển”. Việc lãnh đạo Trung Quốc đồng thời đưa ra “Sáng kiến ​​An ninh Toàn cầu” và “Sáng kiến ​​Phát triển Toàn cầu”, cho thấy nước này sẽ tham gia vào quản trị toàn cầu không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn cả lĩnh vực an ninh.

Trong chuyến công du Trung Á hồi tháng 6, ông Vương Nghị từng cảnh báo các nước Trung Á cảnh giác trước âm mưu của các thế lực bên ngoài nhằm lôi kéo các nước trong khu vực vào xung đột nước lớn và ép buộc các nước phải “chọn bên”, đồng thời tuyên bố “Trung Quốc không bao giờ tìm kiếm các lợi ích địa chính trị ở Trung Á”, nhưng “cũng tuyệt đối không cho phép các thế lực bên ngoài phá rối khu vực này”. 

Do vậy, có nhà phân tích nhận định rằng việc ngầm phân chia vai trò giữa Moscow và Bắc Kinh tại Trung Á dường như đang có sự thay đổi./.