Ngày 4 và 5/10, các Hãng truyền thông và báo chí của Pháp đã đăng tải đậm nét thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, hưởng thọ 103 tuổi, với nhiều bài viết bày tỏ sự ngưỡng mộ, ca ngợi thiên tài quân sự của Đại tướng, tôn vinh ông là “một trong những nhà chiến lược quân sự lỗi lạc nhất của Lịch sử thế giới”, “nhà chiến lược của chiến tranh nhân dân của Việt Nam”.

Ngay từ chiều ngày 4/10, nhiều tờ báo lớn của Pháp đã đăng tải nhiều bài viết ca ngợi thiên tài quân sự và công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

vo-nguyen-giap1.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái) gặp gỡ với Tổng thống Pháp Mitterrand vào năm 1993 tại Hà Nội (Ảnh: Reuters)

Báo “Nhân đạo” (L’Humanité) đăng bài viết của tác giả Daniel Roussel – người đã từng nhiều lần được trực tiếp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với tựa đề “Tướng Giáp – nhà chiến lược cho tự do, đã từ trần”, bài báo ca ngợi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – “huyền thoại sống của Việt Nam, là một trong những tướng lĩnh tài năng, một nhà chiến lược của chiến tranh nhân dân”.

Đại tướng là nhà chiến lược làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt cuộc chiến tranh thực dân của Pháp ở Đông Dương năm 1954. Sau đó, buộc đế quốc Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vào năm 1973 và năm 1975, đánh bại quân đội “bù nhìn” miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước.

Điểm đặc biệt trong bài báo, tác giả Daniel Roussel kể về những tâm sự của Đại tướng, từ chuyện về những âm mưu của Pháp và Mỹ trong trận Điện Biên Phủ hòng “giương ra một cái bẫy” để thu hút quân đội Việt Minh “rời xa căn cứ của mình, tới lòng chảo Điện Biên để bị tiêu diệt”, tới những lời khuyên của các cố vấn Trung Quốc về việc tiến hành chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” và quyết định lịch sử nhưng khó khăn nhất trong đời Đại tướng về việc thay đổi cách đánh một cách thuyết phục để giành chiến thắng hoàn toàn trước thực dân Pháp.

Sau cuộc chiến tranh chống Pháp, Đại tướng cũng là một trong những người thiết kế và khởi xướng ra việc xây dựng con đường Trường Sơn huyền thoại... Tác giả khép lại bài báo với lời khẳng định của Đại tướng: “Trong lịch sử của Việt Nam, mỗi khi chúng tôi tự quyết định một chính sách độc lập và sáng tạo, chúng tôi đều đã giành thắng lợi”.

Báo “Người Paris” (Le Parisien) đã sử dụng tựa đề ngắn gọn, nhưng đầy ý nghĩa: “Việt Nam: tướng Giáp – “người đào mồ” chôn quân đội Pháp, đã từ trần”. Bài báo đăng hình ảnh Đại tướng, tuy đã già nhưng với gương mặt cương nghị, và cái nhìn quả quyết, đầy sức thuyết phục với hàng chú thích: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh hùng quân sự cho nền độc lập của Việt Nam và là người làm tan vỡ thế trận của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ.

Bài báo ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “một trong những nhà chiến lược quân sự lỗi lạc nhất” của Lịch sử. Tên tuổi và ảnh hưởng của ông đã vượt qua biên giới của lãnh thổ Việt Nam, tạo nguồn cảm hứng cho các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc từ châu Á qua châu Phi, đặc biệt là tại Algeria”.

Báo “Giải phóng” (Libération) thì dùng từ “huyền thoại” khi viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng thời trích dẫn nhận xét nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay: “Đằng sau mỗi chiến thắng, người ta luôn tìm thấy ở Đại tướng nguồn sức mạnh và động lực”.

Bài báo cũng nhắc lại những tình cảm yêu mến, sự ngưỡng mộ, sự trân trọng, ghi nhận công ơn của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đối với những đóng góp to lớn của Đại tướng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đặc biệt tại các lễ kỷ niệm 40 năm (1994) và 50 năm (2004) chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật của Đại tướng.

Các báo khác như báo Paris Match, báo “Chữ thập” (La Croix)... cũng đăng tải nhiều bài viết ca ngợi công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như là “nhà kiến trúc sư cho những thắng lợi của Việt Nam trước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ” – những chiến thắng đã đưa ông trở thành “biểu tượng gần gũi”, một “hình ảnh biểu tượng cho nước Việt Nam mới”, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Và như những tư liệu mà báo Paris Match còn giữ được về bài viết của phóng viên của báo đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian chiến tranh thì “ngay từ đầu, Đại tướng đã đi vào huyền thoại. Vị TổngTư lệnh không giống với một TổngTư lệnh và chia sẻ với những điều kiện sống khó khăn của binh sĩ của mình. Ông thực sự là một thiên tài quân sự về sự táo bạo không thể lường trước so với những tư duy thông thường”.

Bài báo nêu ngay từ năm 1944 – khi vừa trở về Đông Dương, mặc dù chưa hề trải qua các khóa học về quân sự, nhưng “những bài học lịch sử trong sách vở và kinh nghiệm thực tế trên chiến trường” đã nhanh chóng dạy ông cách tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân để giành thắng lợi trước các kẻ thù có sức mạnh và tiềm lực gấp nhiều lần./.