Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời đã để lại niềm tiếc thương vô hạn với bạn bè quốc tế, trong đó có nhà Việt Nam học người Nga Glazunov. Phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Moscow, Nga đã trò chuyện với ông về những tình cảm của ông đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

PV: Thưa ông, ông nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam từ trần vào lúc nào? Tâm trạng của ông lúc đó ra sao?

Ông Glazunov: Đêm 5/10, theo dõi trên Internet tôi đã biết thông tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thực tình là tôi rất bất ngờ và buồn. Bởi vì tôi đã có rất nhiều năm được làm quen với tướng Giáp.

tinh-cam-voi-tuong-giap.jpg
Ông Glazunov kể với phóng viên VOV về những tình cảm, kỷ niệm của ông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ nhất ông là một nhà hoạt động quân sự rất tài giỏi và thứ hai ông là một người rất cuốn hút, rất quan tâm đến người khác và luôn chú ý lắng nghe người khác khi đối thoại.

Tôi đã có rất nhiều dịp gặp tướng Giáp cả ở Hà Nội, cả ở Moscow và đã có những cuộc trò chuyện, thậm chí tranh luận... có thể nói là rất thú vị. Tôi rất buồn khi biết tin ông đã qua đời.

PV: Như ông vừa nói thì ông đã có rất nhiều dịp gặp gỡ và làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Xin ông hãy kể về những kỷ niệm sâu sắc nhất và ấn tượng mạnh mẽ nhất của ông về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Ông Glazunov:Lần đầu tiên tôi được gặp và làm quen với tướng Giáp là vào giữa những năm 1963-1965, khi tôi làm việc ở Việt Nam. Còn sau đó tôi cũng có nhiều dịp khác gặp ông khi ông sang thăm Nga cũng như là ở Việt Nam. Chúng tôi đã có nhiều dịp chuyện trò rất thú vị....

Những năm sau này chúng tôi lại càng có nhiều dịp gặp gỡ nhau hơn. Tôi có thể kể ra đây ba cuộc gặp mặt rất đáng nhớ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi về tính cách một con người, một quân nhân Võ Nguyên Giáp.

Những tấm ảnh chụp chung và những cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông Glazunov trân trọng và lưu giữ rất cẩn thận

Thứ nhất là cuộc gặp vào khoảng những năm 70, khi ông cùng vợ đi nghỉ và tôi không nhớ là có một cuộc gặp gỡ gì đó mà ông sợ là bà vợ ông sẽ không quen những cuộc gặp mặt đó nên nhờ tôi giúp đỡ. Một việc rất nhỏ thôi nhưng tôi cảm thấy ông đã xử sự rất nhân văn. Cuộc gặp thứ hai tôi muốn kể là vào năm 1980 khi chúng tôi cùng tiễn Phạm Tuân lên vũ trụ. Ông đã rất quan tâm tới các nhà du hành vũ trụ và hỏi han cặn kẽ về công việc của họ.

Và thứ ba là cuộc gặp ông vào khoảng năm 1983-1984. Khi đó tôi đi Việt Nam công tác và có nhiệm vụ gặp tướng Giáp, lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng. Thời gian ấn định chỉ được khoảng 15, 20 phút thôi vì ông rất bận. Các vị trợ lý của ông đã cảnh báo tôi trước là như vậy và tôi hiểu là chắc chỉ được 30 phút là nhiều nhất.

Nhưng sau đó, khi tôi cùng ông làm việc, tranh luận rất nhiều và cuối cùng thì cuộc gặp đó kéo dài tới 1 tiếng rưỡi. Nội dung thảo luận về một bức thư đề nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho thành lập Trung tâm Nhiệt đới Nga – Việt.

Chúng tôi đã bàn bạc rất sôi nổi và cuối cùng ông cũng viết thư cho Bộ Chính trị để đề nghị thành lập Trung tâm này... Điều rất đáng vui mừng là Trung tâm đó đã được thành lập và trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học rất có hiệu quả cho đến ngày nay, không chỉ là nghiên cứu về các vấn đề khoa học liên quan đến Việt Nam mà còn là của quốc tế.

Điều mà tôi rút ra từ những lần gặp gỡ, làm việc với ông Giáp đó là ông rất chăm chú lắng nghe ý kiến của những người đối thoại và rất am hiểu những việc không chỉ thuộc lĩnh vực quân sự mà cả nghiên cứu khoa học. Tôi rất thích khi được tiếp xúc với ông bởi ông là một người biết đối thoại.

PV: Thưa ông, trong số rất nhiều kỷ vật mà ông còn lưu giữ có rất nhiều những cuốn sách Đại tướng viết và viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Chắc ông cũng đã có dịp đọc, vậy theo ý kiến cá nhân ông, ông đánh giá thế nào về tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Tôi thực sự không muốn nói về chủ đề này bởi vấn đề về chuyên môn quân sự là một vấn đề khó. Tuy nhiên, tôi muốn nói về một sự việc mà qua đó tôi có thể khẳng định rằng tướng Giáp là một nhà hoạt động quân sự rất lỗi lạc. Chính kẻ thù của ông, cả Pháp và Mỹ đều đánh giá cao ông.

Ông Glazunov và những kỷ vật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông Glazunov: Ông là người có cả lý thuyết cũng như thực tiễn về chiến tranh du kích. Ông đã không chỉ lãnh đạo cuộc chiến tranh chống cả Pháp và Mỹ bằng hoạt động du kích mà còn làm thành những công trình lý thuyết cho các nhà khoa học, những công trình nghiên cứu về kinh nghiệm Võ Nguyên Giáp.

Thêm nữa, ông không chỉ là một vị Tướng, vị Bộ trưởng Quốc phòng có uy tín mà còn là một nhà khoa học trong lĩnh vực này. Tôi thậm chí có thể khẳng định rằng, ông có một trí tuệ lớn, một kiến thức chuyên sâu về chiến tranh du kích.

PV:Xin cảm ơn ông./.