Ngày 18/3, báo chí Thái Lan tập trung đưa tin về phản ứng của Chính phủ và phe đối lập liên quan đến tuyên bố của 6 cơ quan độc lập về việc tìm chọn các nhân vật "trung lập" làm trung gian tổ chức đàm phán giữa hai phe để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan hiện nay.
Những người biểu tình xuống đường phản đối Chính phủ ở thủ đô Bangkok (Ảnh: BBC) |
Trước đó, ngày 17/3, 6 cơ quan độc lập theo Hiến pháp của Thái Lan, trong đó có Ủy ban bầu cử và Ủy ban chống tham nhũng, đã ra tuyên bố đề nghị Chính phủ và Ban lãnh đạo biểu tình do cựu Phó Thủ tướng Suthep đứng đầu lựa chọn các nhân vật trung lập để tiến hành đàm phán giải quyết khủng hoảng chính trị.
Tuy nhiên, cũng trong tối 17/3, nhà lãnh đạo biểu tình Suthep lên tiếng cho biết, sẽ không tiến hành đàm phán với Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra vì ông không chấp nhận điều kiện của Chính phủ là "bầu cử trước, cải cách sau".
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Thái Lan Somchai với tư cách là Trưởng ban chiến lược của đảng Vì nước Thái cầm quyền đã bày tỏ hoan nghênh thiện chí của 6 cơ quan độc lập. Tuy nhiên, ông Somchai cho rằng, các cơ quan này cần phải làm đúng chức năng nhiệm vụ, đảm bảo công lý, công bằng đối với tất cả các phe phái nhằm giảm bớt mâu thuẫn, chia rẽ, căng thẳng trong xã hội. Đặc biệt Ủy ban bầu cử Thái Lan cần thúc đẩy nhanh tiến trình bầu cử Hạ viện.
Ông Noppadol, thành viên ban chiến lược đảng Vì nước Thái cũng cảnh báo rằng, lãnh đạo chính phủ có quyền quyết định đàm phán với ban lãnh đạo biểu tình, song cần phải thận trọng, phải dựa trên cơ sở luật pháp và theo khuôn khổ Hiến pháp.
Dư luận báo chí Thái Lan nhận định, quan điểm, lập trường của Chính phủ và phe đối lập vẫn còn nhiều khác biệt. Việc tìm kiếm các nhân vật "trung lập" được hai bên chấp nhận sẽ không hề dễ dàng. Do đó, cuộc đàm phán giữa Chính phủ và phe đối lập theo hướng này sẽ rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh hệ thống tư pháp Thái Lan đã và sẽ có những quyết định, phán quyết gây nhiều bất lợi cho Chính phủ./.