Chiều 12/3, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết bác dự luật vay 2.000 tỷ bạt (tương đương 66 tỷ USD) để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia trong dài hạn của chính phủ Thái Lan.

Đây là dự luật do chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra soạn thảo và đệ trình năm ngoái, trước khi hạ viện bị giải tán ngày 9/2 vừa qua. Theo đó, dự luật cho phép Bộ tài chính nước này vay các khoản vốn trị giá 2.000 tỷ bạt để thực hiện các dự án lớn như: hệ thống đường sắt cao tốc, hệ thống đường sắt tốc độ cao khổ đôi…

thailan1.jpg
Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan có tính pháp lý cao nhất và mang tính ràng buộc với tất cả các tổ chức xã hội (Ảnh: Xuân Sơn)

Tuy không tác động nhiều đến vị thế vốn đã yếu đi của chính phủ Thái Lan, chuyển thành chính phủ tạm quyền và bị hạn chế nhiều quyền theo luật sau khi hạ viện bị giải tán, phán quyết này cho thấy đa số những quyết sách lớn của chính phủ dưới thời thủ tướng Yingluck Shinawatra đã bị vô hiệu hóa hay không thể thực hiện được.

Đó là dự luật ân xá nhằm xóa tội cho các bên liên quan tới các sự kiện chính trị từ năm 2006 đến năm 2012, dự luật sửa đổi hiến pháp về thể thức bầu chọn thượng nghị sỹ và một số dự luật sửa đổi hiến pháp nhằm tăng quyền lực cho các cơ quan hành pháp.

Cũng trong chiều nay (12/3), Tòa án Hiến pháp Thái Lan tuyên bố thụ lý đơn đề nghị xem xét tính pháp lý liên quan cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 do Ủy ban bầu cử quốc gia đưa lên và đơn kiến nghị hủy bỏ cuộc tổng tuyển cử của cơ quan Thanh tra nhà nước.

Các phán quyết của tòa án Hiến pháp Thái Lan mang tính quyết định về pháp lý cao nhất. Đặc biệt việc xem xét và phán quyết về tính pháp lý của cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 vừa qua tại Thái Lan mang ý nghĩa bước ngoặt. Hoặc là Thái Lan tiếp tục tổ chức cuộc bầu cử mới tại 28 khu vực thuộc miền Nam chưa tổ chức bầu cử được trong cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 do không có ứng cử viên tranh cử đăng ký, hoặc là Thái lan tổ chức tổng tuyển cử lại./.