Ngày 10/3, tình hình chính trị Thái Lan tương đối yên tĩnh, song dư luận chính giới và xã hội Thái Lan cho rằng đây có thể chỉ là "khoảng lặng trước bão" và sắp tới chính trường Thái Lan sẽ đứng trước "ngã ba đường" mà các bên liên quan sẽ phải lựa chọn cho tương lai của nước này.

Ngày 10/3, tại địa điểm biểu tình chính là công viên Lumpini của Thủ đô Bangkok, nhà lãnh đạo biểu tình Suthep bắt đầu khai mạc Diễn đàn cải cách. Trong khi một số nhóm biểu tình cơ động nhanh của ông Suthep tuần hành tới gây sức ép mang tính biểu tượng tại một số công sở và công ty liên quan đến gia đình cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin. 

thai-protest-1-1.jpg
Cảnh sát chống bạo động Thái Lan lập hàng rào ngăn người biểu tình (Ảnh: AP)

Về phía Chính phủ tạm quyền, Trung tâm bảo vệ trị an cũng đang cân nhắc về việc đề nghị Thủ tướng tạm quyền Yingluck hủy bỏ áp dụng Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp ở khu vực Thủ đô Bangkok, nếu biểu tình của ông Suthep không có hoạt động quá khích.

Trong khi đó, Ủy ban bầu cử Thái Lan đã hoàn tất việc đăng ký các ứng cử viên thượng nghị sỹ với 457 ứng cử viên và cuộc bầu cử Thượng viện sẽ được tổ chức vào ngày 30/3 nhằm lựa chọn 77 thượng nghị sỹ đại diện cho 77 tỉnh, thành của Thái Lan. Ủy ban bầu cử Thái Lan cũng dự định sẽ tổ chức bầu cử Hạ viện bổ sung ở Thủ đô Bangkok và 3 tỉnh cực Nam Thái Lan vào ngày 5/4 tới.

Tuy nhiên, "điểm nóng" của cuộc đấu tranh quyền lực giữa phe Chính phủ và phe đối lập dự kiến trong tháng 3 và tháng 4 sắp tới, chủ yếu sẽ tập trung vào cuộc đấu tranh pháp lý giữa hai phe, liên quan đến những quyết định, phán quyết của hệ thống tư pháp Thái Lan. Những quyết định, phán quyết này có ảnh hưởng trực tiếp tới vị thế của Thủ tướng Yingluck và Chính phủ tạm quyền, cũng như có tác động mạnh tới tình hình chính trị Thái Lan.

Đó là việc Ủy ban phòng chống tham nhũng Thái Lan có thể ra cáo buộc Thủ tướng tạm quyền Yingluck vi phạm pháp luật liên quan chương trình thu mua gạo của nông dân, điều mà khiến bà Yingluck buộc phải ngừng làm nhiệm vụ Thủ tướng tạm quyền. Tiếp sau đó, Thượng viện Thái Lan có thể sẽ xem xét bãi nhiệm và cấm hoạt động chính trị 5 năm đối với Thủ tướng Yingluck, nếu đa số Thượng viện kết luận bà thực sự vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Tòa án Hiến pháp có thể sớm xem xét các đơn kiện của phe đối lập và ra phán quyết về về tính hợp pháp của cuộc bầu cử Hạ viện hiện nay. Đồng thời, Tòa sẽ phán quyết về thời hạn tồn tại của Chính phủ tạm quyền. Những phán quyết này có thể dẫn tới việc Chính phủ tạm quyền bị mất quyền điều hành đất nước, cuộc bầu cử Hạ viện bị vô hiệu, mở đường cho việc ra đời một Chính phủ "trung lập" không qua bầu cử.

Theo một số nhà phân tích chính trị Thái Lan, phe Chính phủ và phe đối lập đang đứng trước sự lựa chọn có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của Thái Lan: Một là, hai bên chấp nhận thỏa hiệp, "cùng thắng", tiến hành đàm phán và giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng chính trị, bằng cách trở lại tiến trình dân chủ, cùng tham gia một cuộc bầu cử Hạ viện mới và hợp tác tiến hành cải cách đất nước.

Cuộc thăm dò dư luận mới nhất của Viện nghiên cứu Dusit Thái Lan cho thấy, có tới 70% người dân Thái Lan ủng hộ việc chọn một nhân vật trung lập, được các bên chấp nhận, để đứng ra làm trung gian tổ chức cuộc đàm phán hòa bình nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị.

Hai là, hệ thống tư pháp ra những quyết định, phán quyết bất công và phe đối lập tiến hành các biện pháp phi dân chủ đối với phe Chính phủ. Điều này có thể gây phản ứng mạnh mẽ từ lực lượng thân Chính phủ và ủng hộ dân chủ; có thể dẫn tới xung đột bạo lực nghiêm trọng, ngoài tầm kiểm soát; khiến cho chính trường Thái Lan càng lún sâu vào khủng hoảng./.