Ngày 14/3, một số tờ báo lớn của Thái Lan đã trích dẫn ý kiến của các chuyên gia luật pháp về "số phận" của cuộc bầu cử Hạ viện ở nước này, trong bối cảnh Tòa án Hiến pháp đang xem xét để ra phán quyết rằng cuộc bầu cử Hạ viện hiện nay có thể tiếp tục tiến hành hay bị hủy bỏ.
Hiện 28 khu vực bầu cử chưa có ứng cử viên và chưa tổ chức bầu cử lại (Ảnh: AP) |
Cách đây ít ngày, Tòa án Hiến pháp đã chính thức tiếp nhận để xem xét và phán quyết về hai vấn đề quan trọng có tác động mạnh đến cuộc bầu cử Hạ viện: Một là, cuộc bầu cử Hạ viện hiện nay có vi phạm Hiến pháp và Luật bầu cử tới mức bị coi là "vô hiệu" và buộc phải hủy bỏ hay không. Hai là, vụ việc 28 khu vực bầu cử chưa có ứng cử viên và chưa tổ chức bầu cử vào ngày 2/2 vừa qua sẽ được giải quyết bằng phương án nào. Cả hai vấn đề này đòi hỏi Tòa phải ra phán quyết một cách rõ ràng, dựa trên các cơ sở pháp lý có thể chấp nhận được.
Theo các chuyên gia pháp luật Thái Lan, Tòa án Hiến pháp có thể phán quyết theo hai hướng, hoặc là phán quyết cuộc bầu cử Hạ viện hiện nay bị "vô hiệu"; hoặc là Tòa cho phép Ủy ban bầu cử Thái Lan tiếp tục tổ chức cuộc bầu cử Hạ viện với những hướng dẫn cụ thể về thủ tục pháp lý cần thiết.
Các chuyên gia pháp luật cho rằng, phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan về cuộc bầu cử Hạ viện sẽ có tác động lớn đối với diễn biến của chính trường Thái Lan trong thời gian tới. Nếu Tòa phán quyết cuộc bầu cử Hạ viện này bị "vô hiệu"; nhiều câu hỏi được đặt ra là: Một cuộc bầu cử Hạ viện mới liệu có được tổ chức ngay sau đó, và đảng Dân chủ đối lập liệu có chấp nhận tham gia ? Hay là cuộc bầu cử bị "vô hiệu" lại mở đường cho những kiến nghị thành lập Chính phủ "trung lập" để tiến hành "cải cách đất nước?”.
Đó là chưa kể việc cuộc bầu cử Hạ viện bị Tòa phán quyết "vô hiệu", thì Ủy ban bầu cử có phải chịu trách nhiệm về khoản tiền ngân sách 3 tỷ 800 triệu baht dành cho cuộc bầu cử này hay không; và liệu Tòa có truy cứu trách nhiệm pháp luật đối với những người biểu tình đã chống phá bầu cử.
Nếu Tòa án Hiến pháp phán quyết cho Ủy ban bầu cử Thái Lan tiếp tục tổ chức bầu cử Hạ viện, thì vẫn có nguy cơ phe đối lập và người biểu tình do ông Suthep lãnh đạo tiếp tục hoạt động ngăn cản các cuộc bầu cử bổ sung, nhất là ở khu vực miền Nam Thái Lan. Điều này khiến cho cuộc bầu cử Hạ viện có thể sẽ bị thất bại.
Dư luận chính giới và xã hội Thái Lan mong muốn Tòa án Hiến pháp cần phải cân nhắc thận trọng, để đưa ra những phán quyết công minh nhất, vừa đảm bảo tính pháp lý, vừa góp phần giải quyết mâu thuẫn giữa các phe phái cũng như giúp Thái Lan sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị./.