Tuần trước, những người biểu tình Thái Lan đã giải tán khỏi 3 nút giao thông chính tại Thủ đô Bangkok. Những người biểu tình ở lại hầu hết đều rút về địa điểm biểu tình duy nhất ở công viên Lumpini. Như vậy, 7 “gọng kìm” khóa cửa Bangkok nay đều đã được mở ra, chỉ còn lại 1.

Liệu đây có phải là dấu hiệu lạc quan cho thấy bất ổn chính trị ở Thái Lan đang đi đến hồi kết? Đảng Pheu Thái còn giành được sự tín nhiệm của nhân dân? Kết quả bầu cử tới sẽ như thế nào?

Để trả lời những câu hỏi trên, phóng viên VOV online đã phỏng vấn ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam. 

thai.jpg
Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược

Chưa có dấu hiệu lạc quan cho bất ổn chính trị Thái Lan

PV: Thưa ông, cuộc biểu tình Thái Lan đã kéo dài suốt 5 tháng qua và chưa có hồi kết. Nguyên nhân nào khiến cho cuộc biểu tình biến thành bất ổn chính trị dai dẳng như vậy?

Ông Trần Việt Thái: Theo tôi có 3 nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bất ổn chính trị kéo dài ở Thái Lan như sau.

Thứ nhất, biểu tình Thái Lan bắt đầu từ việc Chính quyền bà Yingluck đệ trình một đạo luật ân xá cho các tù nhân chính trị tham gia vào cuộc bạo loạn 2004- 2007. Sau đó, phe đối lập đã chỉ trích đạo luật ân xá này chỉ nhằm vào 1 người chứ không phải ân xá chung- cụ thể ở đây là ông Thaksin Sinawatra (anh trai của bà Yingluck).

Thứ hai, Chính quyền bà Yingluck đã chi tiêu quá nhiều dành việc trợ cấp giá gạo. Việc trợ cấp giá gạo khiến thâm hụt ngân sách khoảng 425 tỷbaht (tương đương khoảng 13,4 tỷ USD). Điều này đã gây ảnh hưởng tới các nhóm lợi ích khác nhau.

Thứ ba, khi Tòa án Công lý Quốc tế ICJ ra phán quyết đối với khu vực đền Preah Vihear và vùng đất xung quanh đền là thuộc Campuchia, Chính phủ bà Yingluck đã vội vã công nhận phán quyết này mà không có những biện pháp đệm về tâm lý đối với người dân Thái Lan. Điều đó cũng đã tạo ra làn sóng chỉ trích, tạo cớ để phe đối lập đổ lỗi cho Chính quyền Thái Lan.

Ba nguyên nhân trên chỉ là bề nổi của câu chuyện. Ngoài ra, còn có hai nguyên nhân gián tiếp gây ra cuộc khủng hoảng chính trị như hiện nay, là: mâu thuẫn bất công trong xã hội Thái Lan giờ đây quá sâu sắc không thể hàn gắn được, và sự chống đối quyết liệt của các lực lượng Áo Vàng đòi dân chủ, chống lại chính gia đình Sinawatra. Phe đối lập cho rằng sự điều hành đất nước của đảng Pheu Thái và bà Yingluck vẫn còn mang dấu ấn của ông Thaksin. Bởi vậy, phe đối lập đã đấu tranh quyết liệt, muốn chống đến cùng kéo dài suốt từ khi ông Thaksin bị lật đổ từ năm 2006 đến nay.

PV: Tuần trước, phe biểu tình đã rút hết khỏi những điểm chính của thành phố Bangkok, chiến dịch “Đóng cửa Bangkok” cũng đã được tuyên bố gỡ bỏ. Liệu đây có phải là dấu hiệu lạc quan cho xã hội Thái Lan?

Ông Trần Việt Thái: Đúng là tình hình Thái Lan có dịu đi trên các đường phố, khiến cho đời sống và sinh hoạt của người dân Bangkok được trở lại nhịp độ bình thường. Nhưng nếu cho đây là dấu hiệu lạc quan thì tôi e rằng hơi sớm.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy mâu thuẫn xã hội đã lan rất rộng trên đất nước Thái Lan, đi sâu vào các vùng nông thôn, các giai tầng của xã hội Thái Lan, một vài biện pháp đơn lẻ không thể giải quyết được vấn đề. Chừng nào mâu thuẫn ấy vẫn còn thì bất ổn ở Thái Lan vẫn chưa được giải quyết.
Không “đuối sức”, không “ẩn mình chờ thời”, phe đối lập thay đổi chiến thuật 
Nhà lãnh đạo biểu tình Suthep (Ảnh: Bangkokpost)

PV: Có một vài ý kiến cho rằng tình hình nguội đi trên các đường phố Thái Lan biểu hiện sự đuối sức của phe đối lập nhưng cũng có ý kiến cho rằng ông Suthep- nhà lãnh đạo biểu tình- đơn giản chỉ là đang “ẩn mình chờ thời” mà thôi. Nhận định của ông như thế nào về nhận xét trên?

Ông Trần Việt Thái: Nếu nói ông Suthep đang ẩn mình thì hơi khó hình dung. Phe đối lập không “đuối sức” hay “ẩn mình chờ thời”. Cái tôi nhìn thấy ở đây là sự điều chỉnh chiến thuật. Hiện nay phe đối lập đã không còn dùng biện pháp gây sức ép trên đường phố đối với Chính quyền bà Yingluck nữa.

PV: Vậy họ đã điều chỉnh chiến thuật như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Việt Thái: Việc điều chỉnh có 2 điểm quan trọng.

Điểm thứ nhất, thay vì chống phá đến cùng cuộc bầu cử thì họ chuyển sang tập trung một vài địa điểm then chốt để phá làm sao không đủ số 475 đại biểu Quốc hội nhằm mục đích trì hoãn tiến trình công bố kết quả bầu cử và tiến trình lập chính phủ mới ở Thái Lan (Theo Hiến Pháp Thái Lan, Quốc hội sẽ không thể được triệu tập nếu không có đủ 475 trong số 500 đại biểu- PV).

Điểm thứ hai, đấu tranh chính trị ở Thái Lan hiện nay chuyển từ việc chỉ đối đầu trên đường phố là chính sang 2 phương diện. Một mặt các cuộc biểu tình trên đường phố sẽ giảm đi, họ không còn phong tỏa Bangkok nữa. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là họ không còn đi biểu tình, ở đâu đó sẽ vẫn có biểu tình rải rác.

Song song với việc các mặt trận trên đường phố giảm xuống và không còn tác dụng như mong muốn thì việc đấu tranh trên mặt trận pháp lý sẽ tăng lên. Những vụ kiện chống lại cá nhân bà Yingluck và Chính phủ tạm quyền sẽ trở nên dồn dập.

Như vậy, có thể nói, thực chất phe đối lập đã chuyển chiến thuật và mở sang một mặt trận mới là mặt trận pháp lý.

PV:Trên mặt trận pháp lý, phe đối lập sẽ nhm mục tiêu nào, thưa ông?

Ông Trần Việt Thái:Họ sẽ nhắm tới một số điểm yếu của Chính phủ Thái Lan hiện nay. Chính sách trợ cấp giá gạo là một ví dụ. Chính sách đó đã làm thâm hụt ngân sách Chính phủ, phải vay rất nhiều vốn, để lại hậu quả nặng nề về sau. Điều này đã khiến Chính phủ bị chỉ trích nặng nề và tôi cho rằng đấy là một trong những lý do mà họ dùng để chống đối Chính phủ trong thời gian tới.
Đảng của bà Yinglucknhiều khả năng vẫn giành thắng lợi 
Thủ tướng tạm quyền Yingluck (Ảnh: Indiatimes)

PV: Với việc bị phe đối lập tăng cường tấn công trên mặt trận pháp lý như vậy, Chính quyền bà Yingluck còn có cơ hội giành thắng lợi hay không? Kết quả bầu cử vẫn sẽ được công bố đúng như dự kiến vào tháng 4 tới?

Ông Trần Việt Thái: Tiến trình bầu cử là một vấn đề hoàn toàn khác so với các vụ kiện về pháp lý. Bởi vì ở Thái Lan Tòa án Hiến pháp tương đối độc lập so với bên hành pháp và bên lập pháp.

Tôi cho rằng kết quả bầu cử vẫn sẽ được công bố vào tháng 4 tới và có thể đảng của bà Yingluck nhiều khả năng vẫn sẽ giành thắng lợi. Nhưng đảng này sẽ giành thắng lợi với tỷ lệ không đủ tuyệt đối để có thể họp được phiên Quốc hội và khó có thể triển khai được việc lập Chính phủ mới trong thời gian gần. 
Theo quy định của Hiến pháp hiện hành bắt buộc có 95% số đại biểu trúng cử tham gia vào phiên họp định kì. Với 28 địa điểm bầu cử lại nhiều khả năng không đạt được con số đó. Tiến trình họp Quốc hội và tiến trình tạo lập một Chính phủ mới trở nên khó khăn.

PV: Vậy thế mạnh của Chính quyền bà Yingluck là gì để có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử?

Ông Trần Việt Thái: Thế mạnh của Chính quyền Thái Lan hiện tại chính là sự ủng hộ của nông dân Thái Lan. Sau khi chịu nhiều sức ép, Chính quyền bà Yingluck đã suy nghĩ cặn kẽ và dùng sức mạnh pháp lý để giải tán Quốc hội. Sau đó, họ tổ chức một cuộc bầu cử với đa số phiếu ủng hộ của nông dân Thái Lan, họ có thể có nhiều khả năng giành thắng lợi.

Tuy nhiên, phe chống đối của Chính phủ Thái Lan hiện nay họ biết rằng họ không có được lợi thế như vậy, họ quay sang gây cản trở bằng cách làm cho đảng Pheu Thái không thể chiếm được đa số tuyệt đối và không thể triệu tập được kì họp Quốc hội đầu tiên.

Thái Lan vẫn còn một chặng đường dài phía trước

PV: Sau cuộc bầu cử,Chính quyền mới cần làm những gì để khôi phục lại vị thế Thái Lan?

Ông Trần Việt Thái:Trước hết, Chính quyền mới cần phải thanh toán nhanh chóng số gạo dư thừa. Muốn làm điều đó Chính phủ Thái Lan cần phải có tiền. Chỉ có 2 cách sau: một là họ sẽ đi vay bằng cách phát hành trái phiếu, hai là bán phá giá gần 20 triệu tấn gạo trong kho (điều này sẽ ảnh hưởng đến giá gạo của Việt Nam trên thế giới).

Tiếp đó, nếu người đắc cử là bà Yingluck, Chính quyền Thái Lan cũng phải tập trung giải quyết sự chống phá của phe đối lập. Phe đối lập sẽ phản đối đến cùng nếu người cầm quyền thuộc dòng họ Sinawatra.

Còn đối với người nông dân Thái Lan, Chính phủ mới vẫn sẽ thực hiện các chính sách “dân túy” như trước đây họ đã cam kết là trợ cấp giá gạo, mua gạo và có những chủ trương chính sách hướng tới những người đã ủng hộ họ, bầu cho họ.

Về cơ bản Chính phủ Thái Lan nếu có thành lập được đi chăng nữa cũng phải có quá trình vật lộn đầy khó khăn. Tôi cho rằng quá trình này sẽ còn kéo dài.

PV: Nhìn lại 2 năm cầm quyền của bà Yingluck, ông có đánh giá thế nào?

Ông Trần Việt Thái: Nhìn lại 2 năm bà Yingluck cầm quyền, nếu nói một cách công bằng có nhiều việc bà Yingluck đã làm được và cũng còn nhiều việc bà còn để dở dang.

Trước hết, Chính quyền bà Yingluck đã giải quyết được hậu quả do trận lụt khủng khiếp cách đây 2, 3 năm tràn vào đất nước Thái Lan gây thiệt hại nặng nề về người và của. Chính quyền bà Yingluck cũng đã đưa Thái Lan vượt qua được giai đoạn kinh tế khó khăn 2008-2010. Giai đoạn 2008-2010 dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều nước trên thế giới bị tụt hậu, trì trệ thì Thái Lan (mặc dù vẫn còn nhiều bất ổn nội bộ) vẫn phát triển tương đối mạnh mẽ.

Để xử lý bất ổn chính trị, Chính quyền bà Yingluck cũng đã có nhiều bước đi khéo léo, cần thiết, đúng thời điểm.

Thứ nhất Chính quyền đã xử lý rất tốt quan hệ với cảnh sát, quân đội. Nếu xử lý không khéo điểm này, quân đội có thể đứng về phe đối lập gây ra đảo chính, tình hình sẽ trở nên còn nhiều phức tạp và khó khăn hơn.

Thứ hai, bộ máy cố vấn của bà Yingluck đã chọn đúng thời điểm để giải tán Quốc hội.

Thứ ba, bà Yingluck đã khéo léo “lấy nhu trị cương” tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều bên.

Trong trường hợp bà Yingluck thắng trong cuộc bầu cử và tái đắc cử, bà Yingluck vẫn còn nhiều gánh nặng và nhiều việc cần phải giải quyết. Tôi hy vọng tình hình sẽ ổn định và đất nước Thái Lan sớm vượt qua được những khó khăn đang gặp phải. Tôi cũng mong là người dân Thái Lan cũng sẽ sớm tự quyết định được số phận của mình./.