Hôm nay (5/7), Hy Lạp tiến hành bỏ phiếu về việc có chấp nhận thêm các biện pháp khắc khổ để đổi lấy cứu trợ quốc tế hay không. Cuộc trưng cầu ý dân cũng được cho là sẽ quyết định đến số phận của Hy Lạp trong khu vực sử dựng đồng tiền chung châu Âu.
Vào đúng 7h sáng 5/7, giờ Hy Lạp, tất cả các hòm phiếu trên đất nước Hy Lạp đã được mở để 10 triệu cử tri Hy Lạp có thể đến bày tỏ chính kiến của mình trong cuộc trưng cầu ý dân vô cùng quan trọng này.Có hay không?
Câu hỏi chính thức được đưa ra trong cuộc trưng cầu ý dân là: “Có chấp nhận kế hoạch thỏa thuận do Ủy ban châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu và IMF đưa ra tại cuộc họp nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng Euro ngày 25/6 hay không?
Ngoài các cử tri đang sinh sống trên đất nước Hy Lạp cũng có khá nhiều người Hy Lạp sống ở các nước khác, chủ yếu là ở đảo Síp, đã về nước trong ngày hôm nay để tham gia cuộc trưng cầu ý dân. Các hòm phiếu sẽ đóng vào lúc 19h, giờ địa phương (tức 23h đêm nay giờ Hà Nội) và kết quả sơ bộ sẽ được công bố ngay sau đó.
Cho đến thời điểm này, tức là còn 5 tiếng nữa sẽ kết thúc cuộc trưng cầu ý dân, số lượng người dân đi bỏ phiếu được ghi nhận là rất đông, đặc biệt là nhiều người đã xếp hàng bỏ phiếu rất sớm, ngay khi các điểm bỏ phiếu vừa mở. Nhiều nhà phân tích cho rằng, điều này phản ánh tâm trạng bồn chồn, bất an của người dân Hy Lạp bởi cuộc khủng hoảng hiện nay đã vắt kiệt sức nhiều người và dù bỏ phiếu “Có” hay “Không” thì họ cũng muốn nó sớm chấm dứt và Hy Lạp sớm đạt được với nhóm chủ nợ.
Các nhân vật chủ chốt trong chính phủ Hy Lạp như Thủ tướng Alexis Tsipras hay Bộ trưởng kinh tế Yanis Varoufakis cũng đều đã đi bỏ phiếu và đều chọn nói “Không”.
Theo kết quả của 4 cuộc thăm dò dư luận thực hiện vào chiều tối qua tại Hy Lạp 3 cuộc thăm dò cho thấy lượng bỏ phiếu “Có” nhiều hơn “Không” nhưng chênh lệch rất sít sao, chỉ 1,4 điểm, tức là số người chấp nhận các yêu sách của nhóm chủ nợ dường như đang nhỉnh hơn một chút so với nhóm phản đối.
Ở một câu hỏi khác, 74% người dân Hy Lạp vẫn muốn đất nước mình nằm trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Nếu “Có”
Nếu dân chúng Hy Lạp nói “Có”, tức là chấp nhận các đòi hỏi cải cách của nhóm chủ nợ thì gần như chắc chắn sẽ có sự thay đổi lớn trên chính trường Hy Lạp.
Trước thềm cuộc trưng cầu ý dân thì Bộ trưởng Kinh tế Varoufakis tuyên bố nếu dân Hy Lạp nói “Có” ông sẽ lập tức từ chức. Rất nhiều khả năng là Thủ tướng Alexis Tsipras cũng sẽ hành động tương tự vì Chính phủ của Đảng Syriza ngay từ đầu đã vận động dân chúng Hy Lạp bỏ phiếu “Không” với yêu cầu từ các chủ nợ.
Chính phủ của Đảng Syriza sẽ phải ra đi và Hy Lạp sẽ phải tìm cách thành lập một chính phủ mới, có thể là tạm thời hoặc cũng có khả năng lại phải tổ chức một cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn mới để lập ra chính phủ mới nhằm nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán với các chủ nợ.
Đây chính là kịch bản mà nhiều nước Liên minh châu Âu (EU), dẫn đầu là Đức, đang mong muốn và đặt cược là sẽ thành hiện thực bởi các nước này hầu như không còn thiện chí đối thoại tiếp với chính phủ của đảng Syriza.
Trong trường hợp ông Alexis Tsipras vẫn không từ chức dù kết quả trưng cầu ý dân là “Có” thì khi đó, chắc chắn chính phủ Hy Lạp sẽ không còn bất cứ trọng lượng nào trong các cuộc đàm phán với các chủ nợ.
Và nếu “Không”
Kịch bản cuối cùng, đó là phe “Không” giành đa số trong trưng cầu ý dân, khi đó chính phủ của ông Alexis Tsipras sẽ quay lại bàn đàm phán với các chủ nợ với một sự hậu thuẫn mạnh mẽ hơn, có tính chính danh hơn. Đó chính là mục đích mà ông Xiprát đặt ra khi tuyên bố trưng cầu ý dân.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát ở châu Âu thì kể cả phe “Không” có chiến thắng, khả năng Hy Lạp giành được một thỏa thuận tốt hơn so với trước kia cũng không cao, thậm chí nếu chính phủ của ông Alexis Tsipras vẫn tiếp tục chiến lược đàm phán cứng rắn thì sẽ khiến cho dân chúng Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nổi giận và khi đó khả năng về một “Grexit”, tức là việc Hy Lạp rời châu Âu, sẽ còn lớn hơn nữa.
Tác động đối với châu Âu
Nếu kết quả cuộc trưng cầu ý dân là “Có” thì đó sẽ là tín hiệu lạc quan cho khu vực đồng tiền chung. Các thị trường chắc chắn sẽ phản ứng tích cực.
Nếu kết quả là “Không” đồng nghĩa với việc khả năng Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone là rất lớn. Khi đó, những tác động đến toàn bộ khu vực là vô cùng khó lường.
Hiện tại, các nước thành viên EU đang chia rẽ về vấn đề này. Một bên là các nước do Đức dẫn đầu cho rằng việc Hy Lạp rời Eurozone không phải thảm họa và châu Âu đủ sức ứng phó với các tác động.
Bên kia là các nước như Pháp lại cho rằng bằng mọi giá phải có được thỏa thuận với Hy Lạp bởi nếu Hy Lạp bị loại ra khỏi Eurozone, đó không chỉ là thiệt hại kinh tế to lớn, có thể lên tới hàng nghìn tỷ euro, mà còn gây ra sự đổ vỡ niềm tin vào chiến lược xây dựng liên minh lâu dài.
Cả hai bên đều có lý lẽ của riêng mình và vào thời điểm này, thực sự rất khó nhận định bên nào đúng, bên nào sai.
Chỉ có một điều chắc chắn đó là người dân châu Âu đã vô cùng mệt mỏi với cuộc khủng hoảng Hy Lạp và mong muốn nó chấm dứt càng sớm càng tốt./.