Tối 3/7 tại thủ đô Athens đã diễn ra đồng thời 2 cuộc tuần hành, ủng hộ và phản đối kế hoạch cải cách của các chủ nợ quốc tế, trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận trước thềm cuộc trưng cầu ý dân vào ngày mai (5/7) vẫn chưa thể phân cao thấp giữa hai luồng ý kiến này. Giữa lúc cử tri Hy Lạp vẫn chưa thể đưa ra lựa chọn cuối cùng, cả chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ vẫn tiếp tục chiến dịch vận động của mình.
thu_tuong_hy_lap_trong_cuoc_hop_tai_athens_nrrn.jpg
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trong cuộc họp quốc hội tại Athens - Ảnh: Reuters

Theo cảnh sát Hy Lạp, số người tham gia hai cuộc biểu tình này gần như là tương đương. Những người ủng hộ nói “không” với kế hoạch cải cách, tức là ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras là hơn 25.000 người, trong khi những người ủng hộ nói “có” là khoảng 22.000 người. Và các cuộc biểu tình diễn ra chỉ cách nhau vài trăm mét, một ở trước cửa trụ sở Quốc hội Hy Lạp và 1 ở sân vận động Panathinaiko. Những người phản đối kế hoạch cải cách cho rằng, một câu trả “không” sẽ giúp đi tới một thỏa thuận tốt nhất, bởi nó sẽ củng cố vị thế của chính phủ Hy Lạp trong đàm phán và chấm dứt các chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc mà người dân Hy Lạp đã phải chịu đựng trong suốt 5 năm qua.

Một người trong số họ nói: “Chúng tôi đang đấu tranh vì các cuộc đàm phán tốt hơn. Nếu bỏ phiếu “có” tức là chúng tôi sẽ phải tiếp tục các chính sách khắc khổ và chúng tôi sẽ phải chấp nhận bất cứ điều gì mà họ muốn.”

Tuy nhiên, những người ủng hộ kế hoạch cải cách của Liên minh châu Âu cũng có lý lẽ riêng của mình khi cho rằng Hy Lạp cần tiếp tục là một phần của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và một câu trả lời “có” sẽ giúp các thế hệ mai sau của Hy Lạp có một tương lai tốt đẹp hơn. Dẫu các biện pháp thắt lưng buộc bụng là hà khắc, song nếu không có sự hi sinh, và nếu Hy Lạp không chứng minh được quyết tâm của mình, thì nước này sẽ bị gạt sang một bên và sẽ phải tự tìm cách xoay sở.

Một đại diện của phe này nói: “Tôi sẽ bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch cải cách bởi đây là hi vọng cho Hy Lạp. Chúng ta hãy nhìn những gì mà chính phủ đã làm cho mình để đưa ra quyết định. Chỉ trong 5 tháng qua, chúng ta đã bị thụt lùi ít nhất 10 năm.”

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất công bố tối qua tại Hy Lạp đã lần đầu tiên chứng kiến sự vươn lên của xu hướng ủng hộ kế hoạch cải cách của các chủ nợ quốc tế. Cụ thể, tỷ lệ cử tri nói “có” với đề xuất này là 44,8%, trong khi tỷ lệ cử tri nói “không” là 43,4%. Tuy nhiên, hiện vẫn có 11,8% số cử tri chưa đưa ra lựa chọn.

Chính vì thế, cả chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ đều tranh thủ những giờ cuối cùng này để thuyết phục những cử tri còn do dự. Trong khi Bộ trưởng Tài chính  Hy Lạp Yanis Varoufakis cho rằng, một câu trả lời “không” sẽ giúp Hy Lạp được trang bị tốt hơn trên bàn đàm phán, thì Thủ tướng Alexis Tsipras nhấn mạnh, điều này sẽ giúp Hy Lạp có thể tiếp tục ở lại Khu vực đồng châu Âu với tư thế ngẩng cao đầu.

Ông Thủ tướng nói: “Dân chủ tức là tự do, là có thể tự tìm cho mình một lối thoát. Vì thế, dù kết quả cuộc trưng cầu ý dân sắp tới có thể nào, thì chúng ta sẽ vẫn là người chiến thắng. Cuộc trưng cầu này sẽ quyết định liệu chúng ta có thể tiếp tục ở lại châu Âu với tư thế ngẩng cao đầu và phẩm giá, cũng như có thể phát triển thịnh vượng và công bằng hay không?”

Tuy nhiên, trong lúc này sức ép đối với Hy Lạp cũng không ngừng gia tăng từ mọi phía. Ba ngày sau thời hạn chót Hy Lạp phải thanh toán nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Quỹ bình ổn tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro hôm 3/7 chính thức tuyên bố Hy Lạp đã mất khả năng thanh toán, đồng nghĩa với việc Hy Lạp có thể sẽ phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu ngay lập tức.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo Hy Lạp sẽ bị yếu thế rất nhiều trong đàm phán với chủ nợ, nếu như người dân nước này nói "không" với chính sách khắc khổ. Ngay kể cả khi câu trả lời là "có", các cuộc đàm phán cũng vẫn rất khó khăn.

Trên thực tế, bức tranh kinh tế Hy Lạp hiện nay đã rất ảm đạm, các cửa hàng cạn kiệt lương thực thực phẩm và thuốc men, ngành du lịch đối mặt với làn sóng hoãn, hủy chuyến và các ngân hàng chỉ còn đủ tiền mặt để cầm cự ít ngày. Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Hy Lạp đã bị tổn thất tới 1,2 tỷ euro chỉ trong tuần qua, mọi hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, vận tải... đều tê liệt. Và nước này sẽ phải mất vài tháng để phục hồi cú sốc từ việc các ngân hàng đóng cửa và các biện pháp kiểm soát vốn./.