TheoReuters, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính trầm trọng trong nước khiến nhiều ngân hàng tại Hy Lạp phải đóng cửa, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý lần này là rất khó dự đoán và có thể đi ngược lại với những gì mà các chủ nợ của Hy Lạp mong muốn.

hy_lap_bo_phieu_tuong_lai_eurozone_hinh_anh_kery.jpg
Người dân Hy Lạp xuống đường biểu tình ủng hộ nói không vời đề xuất của các chủ nợ (Ảnh Reuters)

Cho đến giờ phút này, nhiều cử tri Hy Lạp vẫn chia rẽ về việc liệu có nên chấp thuận lời đề nghị của các chủ nợ mà Thủ tướng Alexis Tsipras gọi là “một sự sỉ nhục” hay không.

Trong khi đó, giới chức châu Âu khẳng định, nếu kết quả của cuộc trưng cầu lần này là không, Hy Lạp sẽ phải rời khỏi khu vực Eurozone. Điều này có thể khiến cho nền kinh tế và tài chính toàn cầu thêm bất ổn.

Phát biểu trước hàng chục ngàn người Hy Lạp trước thời điểm cuộc bầu cử sắp bắt đầu, ông Tsipras nhấn mạnh: “Vào ngày Chủ nhật (5/7) chúng ta sẽ cung gửi đi một thông điệp về dân chủ và tự chủ đến toàn thế giới”.

Trong khi đó, ông Sarafianos Giorgos, một giáo viên 60 tuổi tại Athens, cho biết ông sẽ bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của của các chủ nợ dù: “Không khí lo lắng làn tràn tại Hy Lạp và bạn có thể cảm nhận rõ điều này”.

Các cuộc bỏ phiếu sẽ được bắt đầu vào lúc 7h (giờ Hy Lạp) và kết thúc vào lúc 19h. Kết quả sơ bộ sẽ được công bố vào lúc 21h cùng ngày.

Trước đó, 4 trong 5 cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân Hy Lạp bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của các chủ nợ. Trong khi đó, cuộc thăm dò còn lại cho kết quả ngược lại nhưng với tỉ lệ chênh lệnh rất nhỏ.

Những người ủng hộ đề xuất của các chủ nợ cho rằng, Hy Lạp đang được trao một cơ hội mới và việc hệ thống ngân hàng nước này bị sụp đổ cùng với việc quay trở lại sử dụng đồng drachma sẽ là một kết quả hết sức tồi tệ.

Trong khi đó, những người phản đối khẳng định, Hy Lạp không thể chịu thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng nào khác vốn đã khiến tới 1/4 dân số nước này thất nghiệp. Họ đồng tình với quan điểm của ông Tsipras rằng châu Âu đang cố tình “tống tiền” Hy Lạp.

“Là một phụ nữ Hy Lạp, tôi thấy xấu hổ thay cho những ai bỏ phiếu ủng hộ vì sợ phải rời khỏi Eurozone. Họ đang bắt chúng ta phải chấp nhận sống trong cảnh nô lệ vĩnh viễn và tôi phản đối điều này”, bà Tenekidou Ermioni, một giáo viên 45 tuổi chia sẻ.

Trong khi đó, ông Wolfgang Piccoli, một chuyên gia của Teneo Intelligence, nhận định: “Khả năng Thủ tướng Alexis Tispras phải sớm rời nhiệm sở sẽ cao hơn so với khả năng Hy Lạp rời Eurozone. Dù kết quả cuộc trưng cầu ý dân lần này là như thế nào, tình hình chính trị tại Hy Lạp cũng khó yên ổn”.

Đêm trước cuộc trưng cầu ý dân, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đã trấn an người dân nước này rằng các chủ nợ châu Âu sẽ buộc phải đưa ra các thỏa thuận có lợi hơn cho Hy Lạp nếu họ bỏ phiếu không ủng hộ. Tuy nhiên, các quan chức EU khẳng định, những gì ông Varoufakis chỉ là ảo tưởng.

Mọi quyết định cuối cùng hiện nằm trong tay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo đó, ECB có thể sẽ đóng băng dòng tiền chảy về Hy Lạp hoặc dừng hoàn toàn việc viện trợ cho Hy Lạp nếu kết quả của cuộc trưng cầu là không chấp thuận.

Nhiều chuyên gia lo ngại, một kết quả không rõ ràng sẽ càng làm tình hình căng thẳng thêm và có thể dẫn tới bạo lực thay vì là gửi đi một thông điệp rõ ràng về ý định thực sự của Hy Lạp.

“Kết quả tồi tệ nhất sẽ là 51-49 dù theo hướng nào đi chăng nữa và kết quả này tiếc thay lại rất dễ xảy ra”, một quan chức hàng đầu của Đức nhận định./.