Nhiều tấm pano treo ngoài đường để kêu gọi người dân tham gia cuộc trưng cầu dân ý về việc Hy Lạp đi hay ở lại Khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). |
Giới chuyên gia đã có những dự báo khác nhau, trong bối cảnh xã hội Hy Lạp đang có sự phân hóa về vấn đề này.
Nói “Có” đang là xu hướng...
Theo công bố của các hãng thăm dò dư luận tại Hy Lạp thì mấy ngày qua số người dân nói “Có” và nói “Không” với yêu cầu “thắt lưng buộc bụng” của bộ 3 chủ nợ (EC, ECB, IMF) là gần tương đương nhau, độ chênh không lớn (44,8% và 43,4%). Trong khi vẫn còn 11,8% cử tri chưa có quyết định cuối cùng.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia nhiều khả năng kết quả cuối cùng vào ngày 5/7 sẽ nghiêng về phương án nói “Có” với các lý do sau:
Một là,Theo kết quả của cuộc thăm dò khác có đến 74% người dân Hy Lạp muốn nước họ ở lại khu vực Eurozone, và theo lô gic thì nói “Có” đương nhiên sẽ thắng thế, vì nói “Không” đồng nghĩa với việc Hy Lạp phải rời bỏ Eurozone.
Hai là,Những ngày “đen tối” vừa qua kể từ 30/6 – 4/7, sự xáo trộn xã hội đã xảy ra, các hoạt động tài chính, ngân hàng bị ngưng trệ, do có các biện pháp khẩn cấp của Nhà nước và sự điều chỉnh của nhân dân… cũng đủ để các cử tri điều chỉnh nhận thức của mình và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Ba là, Sự phân hóa trong số cử tri với tỷ lệ chênh lệch không lớn gần 50/50 sẽ tiếp tục diễn ra, cùng với số còn lại 11,8% sẽ nhiều khả năng ngả về phía nói “Có”. Vì thế, việc dự đoán như trên là tương đối có cơ sở thực tiễn.
Còn việc nói “Không”, theo giới phân tích tuy không loài trừ, nhưng ít khả năng xảy ra.
Kịch bản nào cũng có mặt trái
Nếu kịch bản nói “Có” thành hiện thực sẽ có mấy thuận lợi sau đây:
(1) Tuy Hy Lạp buộc phải lựa chọn mang tính áp đặt của bộ 3 chủ nợ, nhưng vẫn là giải pháp thuận lợi hơn cả, sẽ không có sự đảo lộn đáng kể và kinh tế Hy Lạp sẽ không phải làm lại từ đầu.
(2) Đa số người dân và Chính phủ Hy Lạp vẫn muốn gắn bó lâu dài với cộng đồng Eurozone được thể hiện trong kết quả thăm dò dư luận chiếm hơn 74%.
(3) Các thành viên EU, nhất là các nhà lãnh đạo chủ chốt của Eurozone như: Đức, Pháp… vẫn không muốn Hy Lạp rời bỏ Eurozone, vì nếu Hy Lạp ra đi sẽ tạo nên tiền lệ xấu có thể lây lan ra nước khác và EU sẽ đứng trước nguy cơ đổ vỡ, trong bối cảnh đang có sự “rạn nứt”, “phân hóa” trong nội bộ.
Nếu kịch bảnnói “Không” (tuy khó xẩy ra, nhưng không loại trừ) xảy ra thì Hy Lạp “lợi ít, thiệt nhiều” vì các lý do sau:
Một là,Rời khỏi Eurozone Hy Lạp phải khởi lại đồng nội tệ (drachma). Với đồng drachma Hy Lạp có quyền tự chủ hơn trong việc phát hành và điều tiết thị trường tiền tệ bằng tỷ giá không bị giàn buộc như trước.
Với đồng drachma “yếu” sẽ kích thích sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường thu hút du lịch… Tuy nhiên, đồng drachma sẽ mất giá nghiêm trọng, vào khoảng 35-40%, vì còn phải có thời gian mới lấy lại niềm tin và việc giảm nguồn lực FDI là khó tránh.
Hai là, Số nợ cũng ngày càng gia tăng theo thời gian và sự biến động tỷ giá, trong bối cảnh không được tiếp cận các nguồn vốn trong khu vực và quốc tế, việc vay mượn sẽ khó khăn hơn trước.
Ba là,Việc tìm kiếm các đối tác và chủ nợ mới như: Nga hay Trung Quốc cũng không dễ trong bối cảnh của một quốc gia vỡ nợ. Và bài học Argentina hàng chục năm sau vẫn không phục hồi đang đón chờ Hy Lạp nếu kịch bản nói “Không” xảy ra.
Athena vẫn “lạc quan”
Mặc dù đã phải tuyên bố vỡ nợ sau thời hạn chót 30/6, nhưng trong tuyên bố mới nhất, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp vẫn tỏ ra tin tưởng sẽ đạt được thỏa thuận với bộ 3 chủ nợ sau cuộc trưng cầu ý dân hoàn thành (5/7), bất kể kết quả như thế nào.
Theo giới quan sát sự lạc quan của Athena có thể có các lý do sau:
(1) Hy lạp nắm bắt được các nhà lãnh đạo EU và đồng minh Mỹ không muốn EU đổ vỡ, nên cũng không muốn Hy Lạp là nước khơi mào cho sự đổ vỡ đó, và có thể “thà chịu nhún Hy Lạp, còn hơn làm hỏng cả Liên minh”, trong bối cảnh vẫn còn một số nước muốn rời bỏ EU và một số khác lại muốn gia nhập Liên minh này….
(2) Đảng Syriza cầm quyền của Hy Lạp và Thủ tướng đắc cử bằng chính lời hứa chấm dứt chính sách “thắt lưng buộc bụng” nên họ phải tỏ ra cứng rắn, kêu gọi nhân dân nói “Không” để chứng tỏ sự trung thành với cương lĩnh tranh cử của mình. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới đây Thủ tướng Hy Lạp cũng đã phải “xuống thang” và cho rằng: “dù kịch bản nào thì Athena vẫn ở lại Eurozone”.
(3) Mặt khác, cũng theo giới phân tích, có thể có sự “nhượng bộ ngầm” nào đó từ EU và sự hứa hẹn về gói cứu trợ thứ 3, để Hy Lạp có thể “đảo nợ”, “cơ cấu” lại nợ với con số khổng lồ lên hơn 170%/GDP.
Đâu là bài học cho EU
Qua cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, dù muốn hay không Liên minh này cũng sẽ phải nhìn nhận lại những chính sách hiện có và việc cải tổ EU là điều khó tránh.
Được biết trong quá trình tìm giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng nợ công EU cũng đã có sự chuyển đổi qua trọng như: (1) Chuyển đôi Liên minh tiền tệ sang Liên minh ngân hàng; (2) Các thể chế mới ra đời như: “Cơ chế Giải quyết Chung”, “Cơ chế giải quyết duy nhất”; “Quỹ giải thể ngân hàng”, Cơ quan giám sát ngân hàng… nhưng trên thực tế ứng dụng đã không đưa lại hiệu quả.
Trước nguy cơ “vỡ nợ” của Hy Lạp, các nhà lãnh đạo EU cũng đã rút ra các bài học và dự khiến sẽ thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới như: (1) phát hành trái phiếu chung, (2) xây dựng thị trường thống nhất, (3) xây dựng hệ thống tiền tệ (4) và thay đổi một số điều khoản trong Hiệp ước chung châu Âu.
Theo đó tập trung tháo gỡ 5 vấn đề chủ chốt: (1) nâng cao khả năng cạnh tranh của EU bằng cách tối ưu hóa các quy định; (2) mở rộng Eurozone, nhưng không tổn hại đến lợi ích của nước khác; (3) hạn chế phúc lợi xã hội đối với người nhập cư; (4) tăng thêm quyền hạn cho nghị viện các nước; (5) sớm kết thúc đàm phán AFTA với Mỹ và các nước châu Á...
Như vậy, câu trả lời “Có” hay “Không” của người dân Hy Lạp vào ngày 5/7 không chỉ quyết định vận mệnh của quốc gia này mà nó còn ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực châu Âu, nhất là Eurozone – Liên minh kinh tế đã có thời trở thang ước mơ của nhiều quốc gia trên thế giới. Và tương lai vẫn còn khó đoán định./.