“Phê bình văn học dường như đang đứng ngoài cuộc, thiếu những nhận định mạnh mẽ thậm chí tỏ ra lúng túng trước cái mới” – đó là nhận định của nhiều đại biểu tham gia Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ 3 với chủ đề “Nâng cao chất lượng, hiệu quả lý luận phê bình văn học” diễn ra trong 2 ngày 4-5/6 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng: phê bình văn học là vấn đề từng được thảo luận ở nhiều diễn đàn nhưng chưa hề cũ. Thực trạng cho thấy, phê bình văn học dường như đang đứng ngoài cuộc, thiếu những nhận định mạnh mẽ, thậm chí tỏ ra lúng túng trước cái mới. Vai trò phổ biến, tuyên truyền và thẩm định giá trị tác phẩm văn học đang chuyển dần về phía truyền thông. Tuy nhiên, phê bình báo chí chưa đáp ứng được nhu cầu bạn đọc do hạn chế về trình độ chuyên môn, chạy theo việc quảng cáo tác phẩm là chính.

phebinh1.jpg
Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ 3 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Nhà phê bình Inrasara - Trưởng Ban Lý luận phê bình, Hội Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam cho biết: “Mặc dù là phê bình báo chí, bài điểm sách nhưng nếu chúng ta không có kiến thức căn bản thì dễ vùi dập một tác phẩm mới, một lối viết cách tân. Nhà phê bình hoặc là nhà điểm sách mặc dù viết rất đơn giản nhưng cũng phải làm sao để có thể làm cầu nối, giới thiệu một cách khái quát nhất để độc giả có thể mua sách mà không bị hớ, không bị lầm và tin tưởng vào bài điểm sách kia”.

Trong buổi làm việc sáng 4/6, nhiều đại biểu cũng đưa ra góp ý về một số vấn đề về việc đào tạo và tìm đầu ra cho đội ngũ phê bình văn học tại các trường đại học. Anh Phan Tuấn Anh - giảng viên khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Khoa học Huế cho biết, đa số sinh viên học chuyên ngành Ngữ văn nói chung và Phê bình văn học nói riêng không được làm đúng ngành. Nhiều người trong số họ đi làm báo, làm phê bình điện ảnh, âm nhạc.

“Hiện nay sinh viên Ngữ văn ra trường nếu xin được làm báo, tạp chí văn nghệ thì hiếm lắm. Số bạn được vào báo, tạp chí viết về phê bình văn học lại càng hiếm hơn nữa. Do vậy, chúng ta phải thay đổi cấu trúc chương trình giảng dạy và thay đổi cách giúp cho sinh viên tiếp cận tác phẩm văn học, sau đó liên quan đến vấn đề vĩ mô về mặt đời sống xã hội là việc làm, chỉ tiêu tuyển sinh để sao cho đầu ra thực sự có chất lượng” - anh Phan Tuấn Anh nêu ý kiến.

Tại hội nghị, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến việc mở rộng đối thoại trong lĩnh vực phê bình đối với độc giả và chính những người sáng tác./.