Sức hút của ngành du lịch
Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phục vụ trên 71 triệu lượt khách du lịch nội địa, bằng khoảng 83% lượng khách cả năm 2019 (85 triệu lượt). Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có thêm 312 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, nâng tổng số lên 2.415 doanh nghiệp, tăng 226 đơn vị so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến tháng 6/2022 có 30.837 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ, tăng 2.643 người so với cùng kỳ năm 2021. Những số liệu này cho thấy nhiều doanh nghiệp, người lao động đã lạc quan, tin tưởng vào sự phục hồi của ngành du lịch.
Trở lại ngành du lịch sau thời gian dài thử sức tại các ngành nghề như may mặc, phần mềm, dịch vụ bảo vệ… Nguyễn Thị Thanh Thanh (Vĩnh Phúc) cho biết dù thu nhập của nghề lữ hành không cao nhưng vẫn là lĩnh vực cô muốn gắn bó lâu dài. Cô gái sinh năm 1996 được tuyển vào công ty Lux Travel vốn chuyên đón khách quốc tế, nhưng nay phát triển thêm mảng khách nội địa vì nhu cầu thị trường quá lớn.
"Những công việc gần đây thu nhập tốt, ổn định hơn so với ngành du lịch. Nhưng khách hàng cũ vẫn liên tục hỏi thăm về tour, khách sạn và du lịch vẫn là định hướng lâu dài nên tôi quyết định trở về nghề cũ. Dù ngành du lịch vẫn khá bấp bênh nhưng thời điểm này quay lại là hợp lý, vì nhiều đơn vị cần tuyển người và nhu cầu của khách tăng cao nên tôi có nhiều cơ hội để khẳng định mình" – Thanh Thanh nói.
Còn với Ngô Thùy Linh (Hà Nội), dù không được đào tạo về du lịch nhưng cô sinh viên mới ra trường đã chọn gia nhập một công ty lữ hành lớn, vì yêu thích du lịch và thành thạo tiếng Pháp. "Vào công ty du lịch tôi phải học từ con số 0, nhưng đây là công việc duy nhất tôi thấy yêu thích và làm việc không bị gượng ép. Gần đây nhiều nước bùng dịch Covid-19 trở lại, tôi cũng lo lắng cho ngành du lịch nhưng vẫn muốn học hỏi để gắn bó với công việc này trong nhiều năm tới" - Ngô Thùy Linh cho biết.
Một khảo sát gần đây của nền tảng Hoteljob.vn cho thấy những tín hiệu lạc quan về tình hình nhân lực khách sạn, khi ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ. Theo đó, có đến 80% người được hỏi muốn tiếp tục gắn bó với nghề khách sạn - nhà hàng, 16% người sẽ chuyển sang công việc khác nếu có cơ hội và chỉ 4% không muốn theo nghề nữa.
Chị Lê Thị Lành (Quảng Nam) có kinh nghiệm làm việc gần 20 năm trong ngành khách sạn. Sau thời gian dài nghỉ việc vì dịch Covid-19, mới đây chị Lành đã tham gia sự kiện tuyển dụng của khu nghỉ dưỡng Hoiana (Quảng Nam). Được biết lần này Hoiana mở 150 vị trí nhưng có tới hơn 500 người ứng tuyển. Trước đó trong đợt tuyển dụng vào đầu tháng 6, khu nghỉ dưỡng này cũng "quá tải" hồ sơ khi có tới hàng trăm người ứng tuyển cho 100 vị trí.
"Dù phải nghỉ dài vì dịch Covid-19, nhưng tôi vẫn rất lạc quan về sự phục hồi của du lịch Việt Nam, nhờ lợi thế cảnh quan thiên nhiên đẹp và nhiều bản sắc, nhất là khi các tập đoàn lớn vẫn tiếp tục đầu tư vào du lịch. Trong lúc nghỉ việc, tôi đã dành thời gian rèn luyện và phát triển hơn về bản thân. Lần này tôi muốn làm việc tại một hệ thống khách sạn 5 sao và nhiều dịch vụ cao cấp để có cơ hội học hỏi từ các nhà quản lý chuyên nghiệp" – chị Lê Thị Lành chia sẻ.
Tính toán dài hạn cho nguồn nhân lực
Bên cạnh các sự kiện tuyển dụng, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn cũng tìm nhiều cách bổ sung nhân lực để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Nhiều đơn vị săn đón sinh viên và lao động chưa có kinh nghiệm như một giải pháp trước mắt trong mùa cao điểm, đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo để chuẩn bị nhân lực cho những giai đoạn tiếp theo.
Khu nghỉ dưỡng Alma (Khánh Hòa) vừa tuyển thêm khoảng 200 nhân viên mới để đảm bảo chất lượng dịch vụ đẳng cấp theo tiêu chuẩn 5 sao. Theo quản lý khu nghỉ - bà Vũ Hương Giang, để đáp ứng nhu cầu về nhân lực, khách sạn sẵn sàng tuyển dụng và đào tạo từ đầu đối với các sinh viên, lao động chưa có kinh nghiệm. "Điều thực sự quan trọng mà chúng tôi tìm kiếm là thái độ 'Tôi có thể làm được'. Chỉ cần có tinh thần ham học hỏi thì người lao động có thể tiến rất xa trong ngành khách sạn" - bà Giang nói.
Từ phía các đơn vị lữ hành, ông Phạm Hà – Chủ tịch Lux Group cho biết: "Lúc này doanh nghiệp rất cần bổ sung nhân lực, riêng Lux Group cũng cần tuyển thêm khoảng 35% đội ngũ. Chúng tôi đã thử mọi cách, như nhờ giới thiệu, đăng tin lên trang tuyển dụng, thuê đơn vị 'săn đầu người', kêu gọi lao động cũ trở về và thậm chí treo thưởng để tìm nhân viên. Công ty bỏ công sức đào tạo mới, cầm tay chỉ việc cho những người chưa có kinh nghiệm, chỉ cần họ có ngoại ngữ và thái độ tốt".
Ngoài ra, hàng loạt hợp tác phát triển nhân lực trong ngành du lịch đã diễn ra gần đây, như giữa trường Đại học Hòa Bình với 7 hệ thống khách sạn, nhà hàng để cung cấp hàng trăm lao động mỗi năm; hoặc giữa hãng hàng không Vietravel Airlines với 3 cơ sở đào tạo tại Hà Nội & TP.HCM nhằm bổ sung hàng trăm phi công, tiếp viên hàng không và điều phái bay trong 5 năm tới.
Là đơn vị tích cực ký kết với các cơ sở đào tạo, ông Gentzsch André – Tổng Giám đốc điều hành Ariyana (Đà Nẵng) chia sẻ: "Chúng ta không thể ngồi im và than thở về chuyện thiếu nhân lực. Bản thân tôi và các đồng nghiệp phải đi khắp nơi, đến các cơ sở đào tạo để trò chuyện và kêu gọi sinh viên, người lao động trở lại với ngành. Với những người mới, chúng tôi hướng dẫn họ từng chút một và giúp họ có năng lực, sự tự tin để gắn bó với nghề".
Theo ông Gentzsch André, về lâu dài ngành khách sạn Việt Nam nên có các mô hình "vừa học vừa làm", tức là mỗi tuần sinh viên đều có ngày làm việc được hưởng lương, bên cạnh các buổi học trên trường. Phương pháp này không chỉ giúp người học gắn kết lý thuyết với thực tiễn và có thu nhập ngay, mà còn khiến khách sạn trở thành ngành nghề hấp dẫn người lao động./.