Diễn đàn về dịch thuật văn học trong thực tế xuất bản hiện nay được Công ty Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức sau khi cuốn sách “Những thứ họ mang” của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng gây nhiều tranh cãi. Nhiều quan điểm khác nhau, nhưng quan điểm của dịch giải Phạm Tú Châu đáng để suy nghĩ: Nếu không tôn trọng nguồn thì không thể đi đến đích!

Dịch tác phẩm văn học phải có độ

Không như một số nhìn nhận có phần khắt khe về vấn đề văn học dịch hiện nay với những ngôn từ như “thảm họa văn học dịch”, thuộc thế hệ dịch giả cao tuổi nhất hiện nay, ở tuổi 83, dịch giả Lê Hồng Sâm - người từng chịu trách nhiệm về tác phẩm dịch “Tấn trò đời” của Honore de Balzac - cho rằng, tình hình văn học dịch hiện nay nhìn chung là đáng mừng khi có phản hồi, nhận xét, đánh giá còn hơn sách được dịch ra mà chẳng ai quan tâm.

dien%20dan%20vh%20dich.jpg
Các dịch giả tham gia diễn đàn

Dịch giả Lê Hồng Sâm cho rằng, dịch thuật là sự phục tùng có sáng tạo, còn sáng tạo đến đâu thì phải có độ, chừng mực, danh giới - bởi “vượt cực thì tắc phẩm”. Mà muốn đủ độ thì phải có tấm lòng và kiến thức. Và khái niệm “độ’ cũng cần phải có thay đổi khi ngôn ngữ thay đổi theo thực tế xã hội. Khi bắt tay vào thực hiện dịch tác phẩm “Tấn trò đời”, dịch giả Lê Hồng Sâm đã xin được tham khảo lại những bản dịch của những bậc đàn anh, từ đó kết hợp để có bản dịch mới. Bà Lê Hồng Sâm cho rằng, những sai sót ở thế hệ dịch giả bà và trước bà cũng có nhưng thường không đáng kể.

Còn dịch giả Trịnh Lữ đã dẫn chứng một câu nói của một nhà phê bình Đức là dịch tác phẩm văn học trước hết phải là một nghệ thuật đã rồi mới đến độ chính xác, người dịch bị chi phối bởi nhiều giá trị khác nên cảm nhận về tác phẩm cũng khác nhau. Phần lớn phản ứng của dư luận tưởng như về ngôn ngữ nhưng thực ra đằng sau nó là vấn đề về văn hóa, bắt rễ từ mong đợi sẵn có của người đọc. Khi người đọc không đạt được điều như họ mong đợi về tác phẩm dịch thì họ dễ phản ứng. Trong dịch văn học thì không nên quá coi trọng bản dịch đúng, mà phải có một giọng dịch khiến người đọc không muốn dứt và có cảm giác được mình đang được thưởng thực một tác phẩm văn chương. Và một tác phẩm văn học dịch cuốn hút người đọc phải là tác phẩm vừa khiến người đọc cảm thấy gần gũi dễ đồng cảm, vừa thấy xa lạ để khám phá.

Dịch giả như nghệ nhân

Đại diện cho thế hệ dịch giả trẻ hiện nay, dịch giả Lương Việt Dũng là thế hệ dịch giả thứ 3 đã ví quá trình trưởng thành của dịch giả giống như nghệ nhân. Đó là trước tiên phải thực hiện sứ mệnh phùng tùng - làm đúng trước đã, rồi mới đến sáng tạo. Thế hệ dịch giả trẻ bây giờ thuận lợi nhiều vì có nhiều phương tiện để tra cứu, tiếp xúc, giao lưu với các nền văn hóa, đặc biệt là được kế thừa di sản dịch thuật của thế hệ trước để lại.

Và nhìn vào quan điểm dịch thuật tác phẩm văn học của thế hệ dịch giả đi trước của dịch giả Lê Hồng Sâm, dịch giả Lương Việt Dũng cho rằng thực sự thấy sức ép khi thấy nhiều cái sai trong các bản dịch của mình. Điều này không hẳn đến từ thái độ thiếu cẩn trọng trong dịch thuật mà từ nhiều yếu tố khác như dịch giả thấm đẫm nền văn hóa đó, ngôn ngữ đó như thế nào. Ngay cả trong tiếng Việt có những phương ngữ mà người dịch không sống ở địa phương đó thì khó cảm nhận đúng chứ chưa nói đến ngôn ngữ nước ngoài, nên việc người dịch đi chệch hướng là khó tránh khỏi.

Bìa tập truyện "Những thứ họ mang"

Ngoại lai hay bản địa hóa, hướng đích hay hướng nguồn… là băn khoăn của nhiều dịch giả, biên tập viên trẻ. Một thực tế là những bộ phim, những tác phẩm văn học của Hàn Quốc, Trung Quốc khán giả, độc giả dễ tiếp nhận và đồng cảm hơn so với những bộ phim, tác phẩm văn học các nước khác. Có một thực tế là bản dịch truyện kiếm hiệp Kim Dung trước đây không quá trung thành với bản gốc và có nhiều sai sót lại hấp dẫn người đọc hơn bản dịch mới.

BTV trẻ Trần Lê Thùy Linh - Cty văn hóa truyền thông Nhã Nam cho rằng một bản dịch hướng đích tốt vẫn còn hơn một bản dịch hướng nguồn dở. Một bản dịch bị sai lỗi là trách nhiêm của BTV và dịch giả, nhưng lỗi như thế nào thuộc về quyền tiếp nhận của người đọc. Chị khẳng định: “Tôi không tin là có một bản dịch chuẩn cho tất cả. Mỗi người có bản dịch khác nhau và có những độc giả có cách cảm nhận khác nhau”.

Cần một thái độ ứng xử đúng mực

Trước sự phát triển của internet, báo điện tử, mạng xã hội, chưa bao giờ dịch giả có nhiều thuận lợi như hiện nay và cũng chưa bao giờ dịch giả chịu nhiều áp lực như hiện nay khi phần lớn sự phản hồi mang tính cảm tính, chỉ thể hiện sự thích hay không thích mà ít khi nói lý do.

Dịch giả Lê Hồng Sâm cũng cho rằng, hiện này nhiều người thích thú với việc chê, tìm khuyết điểm chứ ít thích tìm điểm hay trong tác phẩm văn học dịch để khen.

Dịch giải Bích Loan (dịch giả của tác phẩm “Triệu phú ổ chuột” và rất nhiều tác phẩm văn học khác) nêu lên một băn khoăn không chỉ riêng của cá nhân chị, rằng chị chưa từng bị độc giả “ném đá” nhưng nếu bị thì nên có cách ứng xử như thế nào? Tuy nhiên, tác giả của hồi ký “Không gục ngã” này cũng tự tìm cho mình câu trả lời, rằng: Sự tuyệt vọng đáng sợ nhất là khi ta đứng gào thét ở giữa một đám đông mà không có ai đáp trả. Dịch giả Đặng Thị Hạnh đưa ra lời khuyên: Dịch giả hãy học cách bơi để nếu có bị “ném đá” thì vẫn có thể… bơi tiếp.

BTV Trần Lê Thùy Linh cho rằng, nên coi mỗi một bản dịch chỉ là một phiên bản vì mỗi một dịch giả là một cá tính và mỗi một người đọc cũng là một cá tính. Giống như một vết mực đen trên một tờ giấy trắng, có người nhìn vào vết mực đen, có người nhìn vào phần trắng của tờ giấy đó là quyền của mỗi người.

Theo dịch giả Trịnh Lữ, người dịch cũng không nên cuống lên khi bị phản ứng hay ném đá. Và muốn khích lệ nền dịch thuật văn học thì phải có những bài phê bình có bề dày về kiến thức, có lý do chính đáng, tránh xa vào những chi tiết nhỏ nhặt rất “google”.

Dịch giả Nguyễn Sĩ Bình cho biết anh vừa dịch một tác phẩm có những từ còn…“nặng” hơn “Những thứ họ mang” và thừa nhận mặc dù cũng phải bỏ qua một số chi tiết, nhưng những thuật ngữ được coi là “tục tĩu” nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần trong tác phẩm thì buộc phải giữ, tiếng Pháp như thế nào anh buộc phải giữ nguyên như thế.

Hiện đang có cuộc khủng hoảng về mặt văn hóa trong giới trẻ và dịch giả luôn phải đứng trước sự lựa chọn: dịch chính xác nhưng không hay, hay nhưng không chính xác, hướng đích hay về nguồn?! Tuy nhiên, quan điểm của dịch giả Phạm Tú Châu khiến nhiều dịch giả phải suy nghĩ: Nếu không tôn trọng nguồn thì không thể đi đến đích./.