Nằm ở chuỗi chương trình cuối cùng kỷ niệm Ngày Văn học Châu Âu tại Việt Nam (17/5 – 18/5), tọa đàm bàn về “Viết truyện giả tưởng hiện nay” đã diễn vào chiều tối 18/5 tại Viện Goethe Hà Nội với sự tham gia của năm nhà văn lớn của văn học Việt Nam và Châu Âu đương đại: nhà văn Võ Thị Hảo, Hà Thủy Nguyên, nhà văn Đan Mạch Sally Altschuler, nhà văn – nhà nhiếp ảnh người Tây Ban Nha Ruben Abella, nhà văn người Anh – Evie Wyld. Bên cạnh đó, tọa đàm còn có sự góp mặt của nhà báo Trương Uyên Ly trong vai trò chủ tọa.

Các nhà văn tham gia trong hội nghị bàn tròn lần này đều có những ảnh hưởng văn học khác nhau, viết bằng ngôn ngữ khác nhau và cho những độc giả khác nhau. Tất cả các nhà văn này đã phát triển công việc viết văn một cách chuyên nghiệp ở những nơi mà vai trò văn học trong xã hội cũng thể hiện tính chất khác nhau. Nhưng tựu trung họ đều sử dụng công cụ giống nhau là từ ngữ để kể những câu truyện.

img_0520.jpg
Ba nhân vật tại bàn tròn của tọa đàm, từ trái sang: nhà báo Trương Uyên Ly, nhà văn - nhà nhiếp ảnh Ruben Abella, nhà văn Võ Thị Hảo

Buổi tọa đàm diễn ra trong một không khí chuyện trò cởi mở thân mật. Các nhà văn đã cùng nhau chia sẻ về quá trình thực hiện công việc của họ với những bước khởi đầu từ người viết đơn thuần để trở thành một nhà văn. Tuy nhiên, họ cũng cùng nhau tranh luận, phản biện và lý giải để đưa ra các quan điểm sáng tác trong văn chương, trong đó nổi bật là nêu lên cách hình thành và chọn lọc ý tưởng trong văn học giả tưởng.Các nhà văn đều thống nhất khi cho rằng đối với văn học giả tưởng, ý tưởng là những điều mang tính sáng tạo, đưa người đọc vào trong một thế giới diệu kỳ của sự tưởng tượng. Nhưng những ý tưởng cũng cần có sự chọn lọc và được sắp xếp để phù hợp với tác phẩm và với đối tượng độc giả. Ngoài ra, logic và trực giác là những yếu tố được đề cập nhấn mạnh trong văn học giả tưởng để giúp người đọc có thể hình dung câu truyện mà nhà văn muốn truyền tải.

Đặc biệt, dù văn học giả tưởng hiện đại là thể loại tưởng chừng phóng khoáng nhưng nhà văn – nhà nhiếp ảnh Ruben Abella khẳng định về tính kỷ luật của người cầm bút, để xác định được mục tiêu chính trong sự lựa chọn ý tưởng viết, đồng thời thể hiện sự tôn trọng người đọc. Ông cũng nhấn mạnh đó là điều quan trọng vì yếu tố này thể hiện phong cách của một nhà văn, giống như những nguyên tắc một người viết tự đưa ra cho mình để tạo nên thế giới trong văn chương của chính mình, qua đó nêu lên những quan điểm về đời sống. Là một nhà cây viết trẻ tuổi nổi bật với các tác phẩm về văn học giả tưởng ở Việt Nam, nhà văn Hà Thủy Nguyên cũng khẳng định quan điểm: "Ý tưởng là những điều thường trực hay ám ảnh trong tâm trí của một nhà văn, là những suy nghĩ hiện thực trở đi trở lại thôi thúc người cầm bút phải viết về nó. Đối với tôi cũng như vậy. Đôi khi ý tưởng cũng là những điều thể hiện trong cả giấc mơ của tôi, vì thế việc tạo dựng một thế giới tưởng tượng thông qua giấc mơ đó cũng là điều mà tôi theo đuổi và cho người đọc thấy những giấc mơ ấy." Hà Thủy Nguyên nhắc tới tập truyện ngắn "Bên kia cánh cửa" của cô cũng là một minh chứng, giống như là tuyển tập của những giấc mơ và câu truyện. 

Tập truyện ngắn "Bên kia cánh cửa" của Hà Thủy Nguyên là một tuyển tập những câu truyện với ý tưởng đến từ sự ám ảnh và giấc mơ

Còn nhà văn Võ Thị Hảo đánh giá hiện thực vẫn là điều mà nhà văn không ngừng bám sát, vì thế bà nhấn mạnh: “Dù giả tưởng, nhưng giả quá lại là thứ khiến người đọc nổi gai ốc.” Tuy nhiên, điều đấy không có nghĩa là văn học giả tưởng nêu lên những phi lý hay xây dựng những ảo tưởng trong đời sống thực tế. Mà những câu truyện và nhân vật được tạo nên trong các tác phẩm là những hình ảnh tái hiện lại đời sống qua văn chương người cầm bút, nhưng bằng một phương thức tái hiện mới mẻ của trí tưởng tượng kết hợp với sự quan sát tinh tường.

Từng sáng tác tiêu biểu trong thể loại văn học giả tưởng của mỗi nhà văn không được nêu lên cụ thể trong tọa đàm. Các thông điệp được đưa ra qua chia sẻ cũng như tranh luận sôi nổi và hỏi đáp trực diện giữa nhà văn và độc giả. Họ đưa đến cho độc giả cái nhìn đa dạng hơn, rõ ràng hơn về quan niệm ý tưởng trong thể loại văn chương giả tưởng hiện đại, mà trong đó vẫn là những trăn trở về đối tượng hướng đến chủ yếu là độc giả thiếu nhi và lứa tuổi thanh thiếu niên./.