“Nâng cao chất lượng, hiệu quả lý luận phê bình văn học” là chủ đề của Hội nghị lý luận phê bình văn học lần thứ 3 sẽ diễn ra trong hai ngày mùng 4-5/6 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Một trong những nội dung được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị là làm thế nào để thu hút và khơi dậy tiềm năng của đội ngũ nhà phê bình văn học trẻ. Phóng viên VOV phỏng vấn Nhà phê bình văn học Văn Giá, Trưởng khoa Sáng tác và Lý luận phê bình văn học, trường Đại học Văn hóa Hà Nội về vấn đề này:

PV: Thưa nhà phê bình văn học Văn Giá, hiện mỗi năm khoa Sáng tác và Lý luận Phê bình văn học, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tuyển sinh được bao nhiêu sinh viên học chuyên ngành Lý luận phê bình văn học?

Văn Giá:Chưa bao giờ Khoa sáng tác và phê bình lý luận văn học của Đại học Văn hóa lại có số lượng những người theo ngành phê bình được gọi là nhiều. Tôi về đây từ 2007, tiếp quản khóa 8 và 9, bắt đầu tuyển khóa 10 và bây giờ là khóa 13. Khóa 8 được 3 người theo chuyên ngành Lý luận phê bình, khóa 9 được 1 người, khóa 10 được 1 người. Từ khóa 11 đến khóa 13  không có một ai theo ngành Lý luận phê bình. Lý do là họ ngại. Bởi đây là một thử thách và phải có một đam mê học thuật lớn. Đa số hiện nay các học viên của khoa chúng tôi vẫn nghiêng về sáng tác và họ xem đây là cơ hội để nâng cao năng lực sáng tạo. 5 năm nay chúng tôi không tuyển được một ai theo ngành phê bình văn học. Hiện nay, một số người phê bình trẻ chúng ta thấy chủ yếu đi ra từ khoa Văn của các trường đại học.

_mg_0016%20(1).jpg
Nhà phê bình Văn Giá. (ảnh: Phương Thúy)

PV: Đã đến lúc chúng ta đặt vấn đề về một lớp phê bình văn học trẻ dành cho những người sáng tác trẻ. Vậy thì, ông nhận diện về họ như thế nào?

Văn Giá:Phê bình của những người trưởng thành sau năm 1986, có thể tính từ thế hệ anh Phạm Xuân Thạch, Hoài Nam trở lại đây. Tôi có mấy nhận diện về đội ngũ này. Đầu tiên, rất may mắn họ là những người tha thiết và có ý thức lập nghiệp về công việc phê bình. Công việc phê bình đã là khổ ải, thậm chí thua thiệt. Nếu anh không có tha thiết lập nghiệp bằng lĩnh vực phê bình thì anh không thể nào trụ lại được. Nhiều người trẻ, ngay từ đầu đã có ý thức lập nghiệp trong lĩnh vực phê bình. Từ ý thức lập nghiệp ấy dẫn đến một ý thức chuyên nghiệp. Họ tự lĩnh trách nhiệm đứng trước một đời sống văn học, họ dám bộc lộ chủ kiến của mình và dám chịu trách nhiệm về tiếng nói của mình. Thứ hai, xét về mặt năng lực thì tôi rất tin tưởng. Họ được đào tạo và chính họ cũng tự trang bị cho mình những lý thuyết hiện đại của thế giới. Họ còn có ý thức trau dồi ngoại ngữ tốt và tiếp cận đầu nguồn, đa dạng, từ nhiều chân trời khác nhau, chứ không gói gọn trong một vài nước như trước đây. Tôi thấy đời sống lý luận phê bình hiện nay đang có sức sống, có sự khởi sắc. Ý kiến của tôi sẽ khác nhiều người ngày hôm nay nói rằng là: lý luận phê bình kém, tụt hậu, không theo kịp với đời sống. Tôi nghĩ khác.

Nhà phê bình Văn Giá: Khơi dậy niềm đam mê văn học trong sinh viên là cần thiết. (ảnh minh họa: internet)

PV: Nếu như vậy chắc hẳn ý kiến của ông sẽ mâu thuẫn với nhận định cho rằng số lượng các nhà phê bình văn học trẻ rất thưa thớt, nhiều người thật sự tài năng nhưng vì những lý do khác nhau, đã sớm bỏ nghề. Phải chăng sự xuất hiện của họ trong đời sống văn nghệ chưa thực sự tạo dấu ấn?

Văn Giá:Hầu hết các nhà nghiên cứu phê bình đang rất trẻ, số năm hoạt động trong ngành chưa nhiều. Do đó, việc công bố công trình chưa nhiều, còn công bố những bài viết riêng lẻ thì chỉ có những người trong giới mới biết kĩ hơn. Trước kia có Nguyễn Thanh Sơn, Trần Huyền Sâm đã có sách phê bình hoặc dịch. Sắp tới, Hoài Nam sẽ cho ra mắt tập sách tập hợp những bài riêng lẻ của anh ta. Còn lại, hầu như chưa ai dựng lại thành những sách riêng nên chúng ta chưa thấy rõ gương mặt tác giả. Họ đang tồn tại với những bài lẻ, rải rác trên báo in, trên những diễn đàn trên báo mạng, trên trang điện tử, diễn đàn cá nhân... Chúng ta phải tạo điều kiện cho họ xuất bản những công trình của riêng mình.

PV: Xin cảm ơn ông./.