Văn học là tấm gương phản ánh rõ sự phát triển của đời sống xã hội. Hình ảnh người phụ nữ trong văn học xưa nay không hiếm và cũng được khai thác ở nhiều góc độ khác nhau. Thế nhưng khi bàn về vấn đề quyền của người phụ nữ thể hiện trong các tác phẩm văn học được thể hiện như thế nào, mức độ ra sao thì câu hỏi này dường như chưa có một câu trả lời rõ ràng. Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc Gia Hà Nội) về vấn đề này.

160013_37.jpg
PGS TS Nguyễn Thị Minh Thái.

PV: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, khi bàn về vấn đề quyền của người phụ nữ Việt Nam thể hiện trong văn học hiện đại, bà có nhận xét gì?

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái: Trong nền văn học hiện đại thế giới, có một số nước có vấn đề nữ quyền rất rõ: Đấu tranh cho nữ quyền và những người phụ nữ khi viết văn thì họ ý thức về nữ quyền rất lớn và rất mạnh theo kiểu ý thức hệ phương Tây. Ví dụ như bà Simonne de Beauvoir - Pháp viết tiểu thuyết nhiều bộ mà bà đặt tên là “Nữ giới” tức là “Giới là phụ nữ”. Và trong tất cả tác phẩm của Mạc Ngôn viết về Trung Quốc thì phần ông viết day dứt nhất, kinh khủng nhất, khắc khoải nhất chính là số phận của người phụ nữ.

Nhưng ở Việt Nam, nền văn học Việt Nam hiện đại mặc dù được hiện đại hóa theo trào lưu của phương Tây và dùng chữ quốc ngữ để viết thì rõ ràng có một hiện thực không thể phủ nhận được là: có rất nhiều nhà thơ và nhà văn hiện đại nhưng việc thành công của họ không phải là thành công gắn chặt với ý thức nữ quyền.

PV: Bà vừa nói “không phải là thành công gắn chặt với ý thức nữ quyền” nhưng cũng không có nghĩa là chúng ta không có?

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi cho rằng nếu xét trên phương diện ý thức thì rõ ràng các cây bút nữ Việt Nam chưa có một ý thức triết học đầy đặn, rõ rệt và mang tính định hướng về triết học rõ ràng nhưng trong tác phẩm của họ có những vấn đề của người phụ nữ Việt Nam hiện đại.

Tôi rất thích tâm thế của phụ nữ hiện đại trong tập thơ “Gửi VB” của nhà thơ Phan Thị Vàng Anh. Cách đây mấy năm, tập thơ này được Giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội. Trong tập thơ ấy, người ta đánh giá cao nhất thi pháp của nó là chủ thể trữ tình rất mạnh mẽ, đau đớn, khắc khoải về chuyện người ta làm mất bản sắc của Hà Nội; Thứ hai, trong tình yêu tâm thế này không phải là một tâm thế thuần túy. Ví dụ Xuân Quỳnh luôn mãnh liệt khi ôm người đàn ông của mình trong tay, luôn nghi ngờ không biết người ta có yêu mình hay không “Đốt lòng em câu hỏi- Yêu em nhiều không anh”. Ở Việt Nam cũng xuất hiện những nhà văn viết về phụ nữ, khai thác khu vực của tình yêu như tiểu thuyết của nhà văn Dạ Ngân đã được dịch sáng tiếng Anh ở Mỹ- “Gia đình bé mọn”. Rồi một vài truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu (Bóng đè), một số tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp…

PV:Văn học không nằm ngoài đời sống. Và những tác phẩm như bà vừa đề cập cũng ít nhiều thể hiện tiếng nói, sự phản kháng nhất định của người phụ nữ đấy chứ?

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái: Khi người ta viết thì người ta không bị thôi thúc bởi một thứ duy lý là “tôi đang viết về quyền phụ nữ đây”. Tôi chỉ bị thôi thúc bởi bi kịch, ví dụ nhà văn Dạ Ngân khi viết “Gia đình bé mọn” thì cô bị thôi thúc bởi cuộc đời cô đã trải nghiệm vì mình ở một gia đình nhưng mình lại yêu một người đàn ông của gia đình khác. Việc ấy đối với xã hội Việt Nam hiện đại thì người ta cho rằng đó là một cuộc ngoại tình. Nhưng trong cách nhìn của một nhà văn, người ta cho rằng hai gia đình ấy cần phải phá vỡ để thành lập một gia đình mới và phải được thành lập bởi tình yêu. Bản thân hai gia đình ấy đang rạn vỡ và cơ sở thiết lập lại gia đình ấy đang bị hủy hoại bởi nó hết tình yêu. Về mặt pháp luật, đó là hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng về mặt tình cảm thì nó được giải thích bằng văn học là: đấy là việc không tránh khỏi vì người ta có quyền đi từ sự đổ vỡ của gia đình này để đến với một gia đình khác. Chuyện đó trong xã hội phải được thông cảm, phải được hiểu. Và đó cũng là một cách để lý giải những bi kịch trong xã hội hiện đại bằng một cách sáng suốt, cuối cùng để đi đến những điều tốt đẹp, trong đó có vấn đề giải phóng phụ nữ.

PV: Sẽ là mâu thuẫn khi đặt những chuẩn mực của văn hóa phương Đông song song với sự phát triển, nhu cầu hiện đại hóa của xã hội. Vậy thì người phụ nữ nên giải quyết mâu thuẫn ấy như thế nào, thưa bà?

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái: Vấn đề ấy tất nhiên là có mâu thuẫn chứ. Mâu thuẫn thì phải giải quyết theo cách này hay cách kia. Nhưng hơn kém nhau là ở cách ứng xử. Phải ứng xử như thế nào để phù hợp với xã hội hiện đại, ứng xử thế nào cho bản thân mình được phát triển chứ không thể nào tù đọng và cứ thúc thủ ngồi đấy chờ những cái ngoài tình yêu. Bởi tôi cũng đã ứng xử như thế rồi. Tôi là người phụ nữ hiện đại.

PV: Xin cảm ơn bà
./.