Ngày mai (18/9), cử tri Scotland sẽ bước vào một cuộc trưng cầu ý dân quan trọng, quyết định nền độc lập của họ sau hơn 300 năm gắn bó với Vương quốc Anh. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất đều cho thấy sự bám đuổi sát nút giữa hai xu thế, song tỷ lệ cử tri lưỡng lự lại khá cao. Trong bối cảnh này, kinh tế được xem là yếu tố mang tính quyết định khi đây sẽ là lĩnh vực chịu tác động đầu tiên nếu Scotland tuyên bố độc lập.
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh sẽ gây ra tác động tiêu cực, xen lẫn bất ổn trong quá trình chuyển đổi hệ thống tiền tệ, tài chính và cả nền kinh tế. Một cấu trúc khác biệt về kinh tế đòi hỏi Scotland phải có một loại tiền tệ riêng, độc lập hoàn toàn.
Nhưng nền kinh tế Scotland sẽ đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng khi đồng tiền riêng quá yếu, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường, dẫn đến thất thu trong nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn, đặc biệt là dầu khí. Trong khi đó, Scotland lại không thể sử dụng đồng bảng Anh do Chính phủ Anh đã bác bỏ khả năng này nếu Scotland tách khỏi. Đồng tiền chung châu Âu lại càng không khi nước này chưa có đồng tiền riêng đủ mạnh.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng không còn là dự báo viển vông, khi các tập đoàn lớn quyết định rút vốn hoặc chuyển hướng hoạt động. Ngay trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân, một số đại gia ngân hàng như Lloyds, Ngân hàng hoàng gia Scotland đã rục rịch chuyển đại bản doanh đến London, phòng khi Scotland tuyên bố độc lập. Chỉ riêng việc này thôi cũng đủ cho thấy, nền kinh tế Scotland sẽ bị thiệt hại như thế nào.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc tách khỏi Vương quốc Anh sẽ mang lại cơ hội lớn cho người Scotland khi có thể tự kiểm soát nền kinh tế của mình, cũng như sẽ sử dụng các tiềm năng kinh tế một cách hiệu quả nhất. Và cái được lớn nhất đó lớn nhất là nền độc lập và sự tự chủ.
Một người dân Scotland nói: “Tôi cho rằng, đây là một cơ hội tốt. Các bạn hãy nhìn vào những chỉ số kinh tế của Scotland, đóng góp thuế đầu người của chúng ta cao hơn so với phần còn lại của Vương quốc Anh, tổng sản phẩm quốc nội cũng cao hơn. Đây là một quốc gia giàu có song vấn đề là sự giàu có này lại không được sử dụng một cách tốt nhất cho nền kinh tế, giới doanh nghiệp và người dân Scotland. Độc lập sẽ mang lại cho chúng ta cơ hội kiểm soát vấn đề này, cũng như phát triển mọi tiềm năng của nền kinh tế”.
Cuộc trưng cầu ý dân ngày mai sẽ là một ngã rẽ quan trọng đối với người dân Scotland. Không giống như một cuộc tổng tuyển cử khi họ có thể thay đổi quyết định sau vài năm, sự kiện ngày mai sẽ quyết định tương lai của Scotland trong rất nhiều năm sau nữa.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là sau ngày mai, Scotland sẽ không còn là một Scotland như hiện nay nữa./.