Ngày 16/9, Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi cử tri Scotland nói "không" với độc lập trong cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra vào ngày 18/9 tới trong nỗ lực cuối cùng nhằm duy trì thống nhất cho Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Không chỉ nước Anh mà toàn bộ châu Âu cũng đang nóng lên về số phận của Scotland sau cuộc trưng cầu ý dân.
Phát biểu trước các nhà hoạt động đảng Bảo thủ ở Aberdeen, phía Đông Bắc Scotland, ông Cameron cảnh báo quyết định "độc lập" có nghĩa là người Scotland sẽ không thể quay trở lại và cũng không còn tồn tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland nữa.
Ông Cameron nhấn mạnh, "Độc lập của Scotland không phải là sự ly thân thử, mà là cuộc chia ly đau đớn".
Ông nói:“Thông điệp của tôi tới người dân Scotland đó là chúng tôi muốn các bạn hãy ở lại. Bằng tất cả trái tim, tâm hồn và ý nguyện tôi muốn các bạn ở lại. Nếu các bạn không thích chính phủ Anh hiện nay, thì các bạn cần hiểu rằng chính phủ hiện nay cũng sẽ không kéo dài mãi mãi. Tuy nhiên nếu bạn rời khỏi Anh , các bạn sẽ rời mãi mãi”.
Cơ quan nghiên cứu thị trường Survation của Anh cho biết, tỉ lệ cử tri dự định nói "không" với độc lập là 47%, tỉ lệ ủng hộ độc lập là 40%, trong khi có 9% số cử tri còn do dự.
Scotland sẽ tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland nếu trong cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của Scotland vào ngày 18/9 tới có hơn 50% cử tri bỏ phiếu thuận.
Với tỉ lệ thăm dò sít sao này khiến cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland không chỉ nóng ở Anh mà còn toàn bộ châu Âu. Hàng loạt các báo quốc tế đã có bài viết phân tích và nhận định về số phận của Scotland sau khi khu vực này tiến hành trưng cầu ý dân, đặc biệt là qui chế của khu vực và những ảnh hưởng đối với Liên minh châu Âu và NATO.
Nếu cử tri Scotland trong tuần này nói “ đồng ý” với độc lập, điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ xé nhỏ bản đồ của vương quốc Anh và làm lung lay hai trụ cột chính hướng đến an ninh và sự thịnh vượng của Tây Âu là Liên minh châu Âu và liên minh quốc phòng NATO.
Các quan chức Liên minh châu Âu cho biết, nếu một phần của một nước thành viên EU trở thành một quốc gia độc lập mới, Hiệp ước của Liên minh châu Âu sẽ không được áp dụng đối với vùng lãnh thổ đó .
Điều đó cũng có nghĩa là một Scotland độc lập sẽ không phải là một phần của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng nhấn mạnh, bất cứ quốc gia châu Âu nào đáp ứng các tiêu chí thành viên của Liên minh châu Âu có thể đệ đơn gia nhập khối.
Quá trình gia nhập Liên minh châu Âu của Scotland nếu độc lập cũng được dự báo là một quá trình dài và đầy khó khăn khi nhiều thành viên trong khối phản đối trao cho Scotland những đặc quyền giống như của nước Anh.
Các nước châu Âu hiện cũng lo ngại việc Scotland độc lập sẽ tạo ra một “cơn lốc li khai” cho rất nhiều khu vực từ Catalonia ở Tây Ban Nha đến khu vực nói tiếng Hà Lan Flemish của Bỉ .
Mất Scotland cũng sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của nước Anh trong 28 quốc gia Liên minh châu Âu. Tại thời điểm này, người Anh, cùng với Đức và Pháp, tạo thành khối thương mại 3 trụ cột của EU.
Đối với một khu vực đang vừa phục hồi sau khủng hoảng kinh tế, chắc chắn lãnh đạo các nước châu Âu không muốn có bất kì sự thay đổi nào có thể tác động đến thị trường của các nước trong khối.
Đối với NATO, nếu Scotland độc lập và tuyên bố phi hạt nhân, Anh sẽ phải di chuyển 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược ra khỏi khu vực này. Điều này có thể phá hủy những nỗ lực quốc phòng tập thể và khả năng răn đe của các đồng minh NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho rằng, một lập trường phi hạt nhân có thể cấu thành một “ bước cản” lớn đối với Scotland gia nhập NATO.
Ngày 15/9, Tổng thư kí NATO Anders Rasmussen cũng nhắc lại lập trường rằng Scotland có thể đệ đơn gia nhập NATO nếu cử tri ủng hộ độc lập. Tuy nhiên, ông cũng không thể dự đoán được tiến trình gia nhập này sẽ kéo dài bao lâu.
Ông Rasmussen nói: “Nếu một đất nước độc lập muốn trở thành một thành viên của NATO, nước này cần phải đệ đơn gia nhập.
Đơn gia nhập này sẽ được xem xét như tất cả các đơn gia nhập của các nước khác. Và tất nhiều nó cũng đòi hỏi sự đồng thuận, sự nhất trí trong khuôn khổ liên minh trong việc chấp nhận thành viên mới”.
Người dân Anh và châu Âu đang chờ quyết định của người dân Scotland trong cuộc trưng cầu ý dân. Kết quả cuộc bỏ phiếu này có thể ảnh hưởng đến tương lai chính trị của Thủ tướng Anh David Cameron, vị thế của nước Anh trong khối, cũng như tác động đến toàn bộ khu vực châu Âu./.