Bầu không khí chính trị tại Scotland đang "nóng" dần lên khi ngày mai (18/9) nước này chính thức bước vào cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập. Trong những nỗ lực cuối cùng nhằm duy trì thống nhất cho Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc , các nhà lãnh đạo Anh đã kêu gọi cử tri xứ Scotland nói "không" với độc lập.
Không phải ngẫu nhiên mà tuần qua, Thủ tướng Anh Cameron và thủ lĩnh Công đảng đối lập Miliband đã bỏ cuộc "so găng" theo thông lệ vào thứ Tư hàng tuần tại Hạ viện để bay đến Scotland với nỗ lực vận động vào phút chót. Dù còn tồn tại nhiều mâu thuẫn và bất đồng, nhưng đứng trước nguy cơ Scotland tuyên bố độc lập, cả hai ông cũng như Phó Thủ tướng Nick Clegg - thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do đang "chung lưng, đấu cật" vì một mục tiêu duy nhất: duy trì sự toàn vẹn của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Không chỉ vận động "suông", các nhà lãnh đạo trên đã ký tuyên bố chung, cam kết dành cho Scotland nhiều quyền lợi hơn về pháp luật và thuế nếu tiếp tục ở lại.
Cựu Thủ tướng Gordon Brown còn lĩnh trọng trách do 3 đảng giao phó đến Scotland nhằm tăng cường nỗ lực vận động cử tri. "Món quà" mà ông Brown mang đến Scotland cũng rất nặng ký, đó là trao quyền lợi tối đa cho nghị viện xứ này, được cụ thể hóa bằng một đạo luật do Quốc hội Anh ban hành. Theo đó, nếu Scotland nói "không" với độc lập thì sẽ có 3 sự đảm bảo về Hiến pháp giúp tạo dựng Quốc hội Scotland mạnh mẽ hơn.
Ông Brown khẳng định những người bầu cử mong muốn những thay đổi có thể liên kết đất nước, và triển vọng về những sức mạnh mới đưa người dân Scotland xích lại gần nhau: “Chúng ta là một khối độc nhất vô nhị trên thế giới khi có 4 quốc gia trong một vương quốc Anh cùng chia sẻ tài nguyên. Các nước như Australia, New Zealand hay thậm chí là Đức, Pháp và cả Mỹ cũng không làm được điều này. Chúng tôi đã bảo rằng, dù là công dân của Scotland, xứ Wales, Anh hoặc Bắc Ireland thì các bạn cũng có quyền dân sự, quyền chính trị, quyền kinh tế giống như nhau. Đây là nguyên tắc chi phối cách hành xử của Chính phủ trong tương lai.”
Trước đó, ngày 15/9, ông Cameron có chuyến thăm thứ hai tới Scotland nhằm cố gắng thuyết phục người dân xứ này ở lại với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Phát biểu trước các nhà hoạt động đảng Bảo thủ ở Aberdeen, Đông Bắc Scotland, ông Cameron cảnh báo quyết định "độc lập" có nghĩa là người Scotland sẽ không thể quay trở lại và cũng không còn tồn tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland nữa. Ông Cameron nhấn mạnh: "Độc lập của Scotland không phải là sự ly thân thử, mà là cuộc chia ly đau đớn".
Bên cạnh đó, nhiều cuộc tuần hành cũng diễn ra trên khắp nước Anh nhằm kêu gọi Scotland nói “không” với độc lập. Hôm qua, hàng ngàn người tập trung tại quảng trường Trafalgar tại thủ đô London nhằm phản đối việc Scotland tách khỏi Anh. Những người tham gia tuần hành bày tỏ niềm tự hào được là một phần của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đồng thời kêu gọi bỏ phiếu "không" tại cuộc trưng cầu ý dân.
Diễn viên hài quốc tế nổi tiếng Eddie Izzard của Anh – người dẫn đầu cuộc tuần hành này cho biết: "Chúng tôi hy vọng sẽ gửi một thông điệp tích cực đến Scotland để nói rằng, chúng tôi quan tâm đến cuộc trưng cầu ý dân diễn ra vào hôm 18/9. Chúng tôi muốn họ ở lại với gia đình Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland”.
Hiện số phận của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vẫn không chắc chắn khi ba cuộc điều tra, thăm dò dư luận do ICM, Opinium và Survation tiến hành cho thấy có khoảng 48% người ủng hộ độc lập, trong khi có khoảng 52% phản đối. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy có từ 8 đến 12% trong tổng số 4,3 triệu cử tri Scotland vẫn chưa có quyết định có ủng hộ Scotland độc lập hay không. Scotland sẽ tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland nếu trong cuộc trưng cầu ý dân về độc lập vào ngày 18/9 tới, có 50% +1 cử tri bỏ phiếu thuận./.