Trong tuyên bố đưa ra ngày 8/9, Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng, nhiều nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bày tỏ quan ngại về việc Scotland tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Tuyên bố này nhằm giải đáp thắc mắc của các nghị sĩ Hạ viện về thái độ của các nhà lãnh đạo NATO trước khả năng Scotland tách ra độc lập.  

_74487894_saltireeu_gettytwo_rugc.jpgChâu Âu lo ngại Scotland tách khỏi Anh (Ảnh Getty Images)

Thủ tướng Anh cho biết, trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Xứ Wales vừa qua, mặc dù không có tuyên bố chính thức về khả năng Scotland tách ra độc lập, song một loạt nhà lãnh đạo NATO đều bày tỏ quan ngại trong bối cảnh Scotland tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này, dự kiến vào ngày 18/9 tới.

Theo ông Cameron, đại đa số ý kiến cho rằng vấn đề này do chính người dân Scotland quyết định, song vẫn hy vọng Scotland sẽ ở lại trong thành phần nước Anh.

Trước đó, tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra hồi tháng 6/2014 tại Brussels, Bỉ, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng Mỹ mong muốn một nước Anh thống nhất, song cũng nhấn mạnh chỉ có người dân Scotland mới quyết định được số phận của xứ này.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua ở Brussels, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Pia Ahrenkilde-Hansen cho biết, người dân Scotland có quyền đưa ra quyết định của họ trong cuộc trưng cầu ý dân về tách khỏi nước Anh trong tháng này:

 “Ủy ban châu Âu tôn trọng tiến trình dân chủ đang diễn ra, đó là người Scotland cũng như người Anh tự quyết định tương lai của Scotland. Chúng tôi không can thiệp vào chiến dịch hiện nay khi còn 10 ngày nữa là diễn ra cuộc trưng cầu ý dân”.

Còn theo quan điểm của cựu thủ tướng Anh Gordon Brown là người Scotland, ông mong muốn Scotland tự chủ hơn, song vẫn hy vọng Scotland vẫn là một phần của nước Anh:

“Đó là thay đổi lớn mà chúng ta đề xuất nhằm tăng cường Quốc hội Scotland, nhưng cùng với đó Scotland vẫn cần là một phần của Liên hiệp Vương quốc Anh vì các vấn đề an ninh, quốc phòng, kinh tế, tiền tệ”.

Trong nỗ lực thuyết phục người Scotland tử bỏ đòi hỏi tách khỏi Anh, Bộ trưởng Tài chính nước này George Osborne cho biết Anh sẽ công bố các quyền chi ngân sách và thuế rộng rãi hơn cho Scotland nếu người dân nước này bỏ phiếu duy trì “cuộc hôn nhân” với Anh đã kéo dài gần 300 năm qua. Theo ông Osborne, Anh sẽ trao thêm nhiều quyền lực cho Scotland và điều này sẽ giúp tránh được nguy cơ chia cắt đất nước.

Mặc dù sáp nhập vào nước Anh kể từ năm 1707, nhưng trên thực tế, quốc gia này vẫn giữ độc lập về hệ thống pháp luật, giáo dục và bản sắc văn hóa riêng. Những yếu tố này đang thúc đẩy Scotland đòi tách ra khỏi Anh để tự chủ về mọi mặt.

Việc không phải là một quốc gia độc lập nên Scotland không được gia nhập Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu hay bất kỳ tổ chức quốc tế nào khác. Người Scotland cho rằng, họ đang phải chia sẻ gánh nặng kinh tế với Anh.

Scotland chiếm 1/3 dân số nước Anh và là nơi đặt hệ thống tên lửa đánh chặn Trident của nước này. Do đó, việc Scotland rời khỏi Anh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế quốc tế của quốc gia châu Âu này và sẽ tạo tiền lệ cho các vùng  khác của Anh là Xứ Wales và Bắc Ireland./.