Hôm nay (24/11) là thời hạn chót để Iran và nhóm  P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) đạt được một thỏa thuận hạt nhân tổng thể và lâu dài. Tuy nhiên với những khác biệt quá lớn còn tồn đọng, giới quan sát cho rằng mục tiêu của những giờ đàm phán cuối cùng này chỉ là kéo dài thời gian để các bên có thể thu hẹp khoảng cách về mặt quan điểm.

diet_hat_nhan_iran_epgr.jpg
24 giờ trước thời hạn chót của cuộc đàm phán với Iran, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thừa nhận, vẫn đang có sự chia rẽ sâu sắc giữa Iran và nhóm P5+1. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond thì cho biết, nhóm P5+1 đã sẵn sàng cho một “cú đẩy cuối cùng” để giải quyết tranh cãi 12 năm qua xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran.

Ông Hammond nêu rõ: “Chúng tôi đang tập trung tất cả vào việc đạt được một thỏa thuận nhưng tôi không muốn đưa ra những hy vọng giả tạo nào ở đây. Giữa chúng tôi còn khoảng cách khá xa và còn nhiều vấn đề rất khó khăn phức tạp cần phải giải quyết nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực đạt được một thỏa thuận. Tất nhiên nếu không thể làm được điều này, chúng tôi sẽ xem xét có thể bước tiếp đến đâu.”

Những nước đối đầu với Iran trong khu vực như Israel hay Saudi Arabia cũng đang theo dõi sát sao tiến trình đàm phán ở Vienna, Áo với một thái độ hết sức cảnh giác.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề chiến lược của Israel Tuval Steinitz cho biết: “Tôi đã được cập nhật thông tin từ các nước tham gia tiến trình đàm phán này. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để thuyết phục họ không ký vào một thỏa thuận chưa rõ ràng với Iran vì thỏa thuận này có thể cho phép Iran vượt qua ngưỡng cửa hạt nhân hoặc ít nhất đặt ra một số hiệu chỉnh trong thỏa thuận. Chúng tôi đang theo dõi tiến trình đàm phán này với những mối quan ngại nghiêm túc.”

Nút thắt của cuộc đàm phán này vẫn là quy mô chương trình làm giàu hạt nhân của Iran, tốc độ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây cũng như thời hạn của thỏa thuận lâu dài này. Một số quan chức phương Tây dự đoán sẽ xảy ra 2 khả năng: thứ nhất là phương án “ngừng bấm giờ”, nghĩa là các bên không đưa ra thời hạn nào khác mà chỉ tạm nghỉ và trở lại bàn đàm phán sau một vài tuần nữa; khả năng thứ hai là các bên nhất trí kéo dài thời gian đàm phán chính thức sang năm sau và thêm vào một số yếu tố mới cho thỏa thuận tạm thời đạt được cách đây một năm.

Iran hôm qua (23/11) cũng đã để ngỏ khả năng lùi thời hạn chót để đạt được một thỏa thuận hạt nhân tổng thể và lâu dài với nhóm P5+1. Theo hãng tin AFP của Pháp, Iran sẵn sàng lùi thời hạn này từ 6 tháng đến một năm nếu không có một tiến bộ thực sự nào trong đàm phán hạt nhân với nhóm P5+1 hôm nay (24/11). Trong thời gian đó, thỏa thuận tạm thời đạt được ở Geneva Thụy Sỹ, hồi năm ngoái cũng được gia hạn, nghĩa là Iran vẫn tiếp tục tạm ngừng một số hoạt động hạt nhân để đổi lại việc Mỹ và phương Tây nới lỏng một số lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, đây cũng không hẳn là một kịch bản có lợi cho Iran. Bởi Tehran cũng đang lo lắng rằng, khi Quốc hội Mỹ có sự thay đổi từ đầu năm sau với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện, phe bảo thủ này sẽ không bỏ qua cơ hội thúc ép Tổng thống Obama áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Iran. Điều đó có nghĩa rằng Iran chưa phải đã hết động lực để sớm hoàn tất đàm phán trong năm nay.

Tuy nhiên, việc tiến trình đàm phán hạt nhân với Iran vốn đã kéo dài gấp đôi nay lại đối mặt với nguy cơ bị gia hạn một lần nữa khiến một số quan chức phương Tây đã đặt câu hỏi về ý nghĩa và nguyên tắc của cuộc đàm phán này. Họ cho rằng khó có thể kỳ vọng Iran sẽ thể hiện sự mềm dẻo cần thiết để khai thông ngõ cụt này trong vài tháng tới. Trong khi đó, Iran đổ lỗi cho phương Tây về tình trạng bế tắc hiện nay khi liên tiếp đưa ra những yêu cầu phi lí với Tehran. Nếu các bên không đạt được một thỏa thuận tổng thể và lâu dài trong ngày hôm nay, cái giá của sự thất bại đó có thể rất cao.

Theo nhà phân tích Ali Vaez thuộc cơ quan nghiên cứu có tên là Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, để kéo dài thời gian đàm phán mà không phải trả cái giá nào, các bên có thể tiếp tục thảo luận mà không đề cập một thỏa thuận tạm thời mới hay một thời hạn chót khác với hy vọng có thể đạt được thỏa thuận lâu dài cuối năm nay./.