Sáng 10/8, một chiếc máy bay Iran đã bị rơi gần thủ đô Tehran (Ảnh AP)

Hãng Thông tấn Nhà nước Iran (IRNA) đưa tin, chiếc máy bay chở khách mang số hiệu 140 chở 40 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn bị rơi sáng 10/8 sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế tại Tehran. Thông tin ban đầu do AP đưa ra là 48 người thiệt mạng. Nhưng đến gần 18h (giờ Việt Nam), hãng này đưa lại tin mới nhất, trích dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giáo thông Iran Ahmad Majidi, thông báo rằng, có 39 người thiệt mạng, 9 người bị thương.

Một nhóm nhân viên an ninh đã được cử tới hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Thông tin ban đầu cho biết, máy bay bị rơi là do hỏng động cơ. Tai nạn máy bay xảy ra tại Iran là do thiết bị quá cũ kỹ và công tác bảo dưỡng không tốt.

asean_avcu.jpg Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN chụp ảnh trong Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 tại Nay Pyi Taw, Myanmar,ngày 8/8/2014 (Ảnh AP)

Ngày 8/8/2014, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM-47) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Nay Piy Taw, Myanmar, mở đầu chuỗi các Hội nghị lớn giữa ASEAN với các Đối tác, cũng như Hội nghị Ngoại trưởng Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 21 (ARF-21) sẽ diễn ra trong thời gian này.Trong khuôn khổ AMM47 đã diễn ra một loạt các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 với các đối tác, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+3. Tại các Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đối tác đã tập trung kiểm điểm tình hình quan hệ đối thoại và hợp tác trong năm qua, đề xuất định hướng thúc đẩy hợp tác thời gian tới; trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm cũng như bàn công tác chuẩn bị cho Cấp cao giữa ASEAN với một số Đối tác cuối năm nayTrưa 10/8 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 47 (AMM 47) đã ra thông cáo chung hội nghị. Thông cáo chung của Hội nghị khẳng định ASEAN tiếp tục duy trì, củng cố đoàn kết và thống nhất lập trường về tất cả các vấn đề liên quan đến nội khối, quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó đặc biệt là vấn đề Biển Đông. 

 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Hội nghị ASEAN-Mỹ, tại Nay Pyi Taw, Myanmar, ngày 9/8 (Ảnh AP)
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ ngày 9/8, cả ASEAN và Mỹ đều ghi nhận tiến độ triển khai Kế hoạch Công tác 2011-2015 và việc triển khai Sáng kiến liên kết kinh tế mở rộng (E3) và Thỏa thuận khung Thương mại - Đầu tư ASEAN-Mỹ (TIFA). Các nước nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội, hợp tác phát triển cũng như xây dựng Kế hoạch Công tác sau 2015.

Cũng trong ngày 9/8/2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47. Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Kerry bày tỏ hài lòng về những kết quả đạt được kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013, cho rằng hai nước còn nhiều tiềm năng để tăng cường quan hệ trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh năm 2015 hai nước sẽ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

 Tổng thống Mỹ Obama nói trong một cuộc họp báo được truyền hình toàn quốc: "Cuộc không kích là cần thiết... và là chương trình lâu dài" (Ảnh Wochit)

Ngày 7/8, Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố cho phép quân đội Mỹ tiến hành không kích vào các mục tiêu của phiến quân Hồi giáo ở miền bắc Iraq, nếu hành động này là cần thiết để bảo vệ các nhân viên của Mỹ. Ông cũng chỉ đạo thực hiện việc hỗ trợ nhân đạo gồm thực phẩm và nước uống cho 40.000 người dân Iraq đang mắc kẹt ở núi Sinjar giữa vòng vây của phiến quân khủng bố.

AP cho biết, lần không kích này của Washington được nhận sự ủng hộ từ phía các quan chức Iraq và người Kurd trước các cuộc tấn công của các tay súng Hamas. AP dẫn lời nhà lập pháp người Kurd Ala Talabani nói rằng việc giúp đỡ về mặt quân sự của Mỹ lúc này là cần thiết đối với Iraq. Bộ Di trú của Iraq cũng lên tiếng hoan nghênh việc Mỹ viện trợ vật phẩm, đồ dùng, thức ăn cho người dân Iraq.

 Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã hội đàm tại Tripoli hôm thứ Sáu (8/8) nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa các phe phái vũ trang tại Libya (Ảnh Wochit)

Nhiều tuần qua, thủ đô Tripoli của Libya chứng kiến bạo lực leo thang giữa các phe phái vũ trang giao tranh ở quanh khu vực sân bay quốc tế. Trong khi đó, lực lượng dân quân do tướng về hưu Khalifa Haftar đứng đầu tiếp tục chiến dịch chống phiến quân Hồi giáo ở thành phố  Benghazi.

Ngày 8/8 phái đoàn LHQ bắt đầu đàm phán với các bên tham chiến ở Tripoli (Libya) nhằm chấm dứt giao tranh ở Tripoli và thành phố Benghazi (miền đông).

Theo Bộ Y tế Libya, giao tranh đã làm hơn 200 người chết và gần 1.000 người bị thương, hàng nghìn người phải sơ tán ở bên trong lãnh thổ hoặc ra nước ngoài tị nạn. Tình trạng bạo lực tại quốc gia Bắc Phi này khiến nhiều cơ quan ngoại giao tại Tripoli đóng cửa và sơ tán công dân.

 

 Moscow áp đặt một lệnh cấm nhập khẩu nhiều loại thực phẩm phương Tây vào ngày 07/8/2014 để đáp trả các biện pháp trừng phạt của khối này. Trong ảnh: Ông Putin đi thăm một cửa hàng thực phẩm ngày 24/6/2009 (Reuters)
Ngày 7/8, trong cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev chính thức thông báo áp lệnh "cấm toàn diện" đối với thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, cá, phô mai, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau quả nhập khẩu từ các nước Australia, Canada, Liên minh châu Âu, Mỹ và Na Uy trong thời hạn một năm và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Đây là một phần của một loạt biện pháp trả đũa của Nga đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây áp dụng đối với Nga trước cáo buộc Chính quyền Moscow có vai trò trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trước đó, Mỹ và phương Tây đã đưa ra một loạt các biện pháp 'trừng phạt" đối với Nga, nhằm vào ngành năng lượng, ngân hàng và quốc phòng của Nga. Đây là một "con dao 2 lưỡi", vì các biện pháp này nhằm vào Nga những cũng gây nhiều thiệt hại cho EU.

 

 Những người biểu tình tập trung trước Nhà Trắng ở Washington ngày 9/8/2014, để biểu tình chống lại cuộc tấn công quân sự của Israel ở Dải Gaza (Ảnh AP)

Dải Gaza tiếp tục chìm vào bạo lực sau khi các nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas và Israel nối lại các vụ tấn công. Giao tranh nổ ra sau khi những nỗ lực đàm phán của hai bên tại Ai Cập nhằm kéo dài lệnh ngừng bắn 72 giờ thất bại. 

Trước đó, trước áp lực của cộng đồng quốc tế, ngày 5/8 Israel và Hamas đã nhất trí ngừng bắn trong 72 giờ và tiến hành đàm phán nhằm đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài, chấm dứt xung đột đẫm máu trong gần một tháng qua làm hơn 1.800 người Palestine thiệt mạng.Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon bày tỏ thất vọng về việc không đạt được thỏa thuận nhằm gia hạn lệnh ngừng bắn và hối thúc các bên nhanh chóng tìm cách quay trở lại bàn đàm phán. Mỹ ngày 8/8 cũng hối thúc Israel và Palestine nối lại các cuộc đối thoại và áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ dân thường.

 Một trung tâm nhận các cuộc gọi khẩn cấp về dịch bệnh do virus Ebola tại thành phố Monrovia, Liberia (Ảnh AP)

Trước nguy cơ dịch Ebola ngày càng nguy hiểm và diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước khu vực Tây Phi đang tiếp tục tăng cường các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó chú trọng công tác kiểm dịch và cách li.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến nay, virus Ebola đã làm gần 1.000 người thiệt mạng, chủ yếu tại 4 quốc gia Tây Phi là Nigeria, Sierra Leon, Guinea và Liberia.

Trong tuần tới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ quyết định cho phép sử dụng một số loại thuốc thử nghiệm điều trị bệnh Ebola. Những loại thuốc này đã được dùng để điều trị 2 người Mỹ bị nhiễm virus Ebola cho kết quả khả quan./.