Bất chấp những nỗ lực ngoại giao đang được thúc đẩy, những nhận định không mấy lạc quan sau các cuộc đối thoại cho thấy khả năng hạn chót 24/11 có thể được tiếp tục gia hạn lần 2.
Mỹ bày tỏ mong muốn có một thỏa thuận hạt nhân với Iran trước hạn chót, nhưng cũng bắt đầu xem xét những phương án tối ưu khác.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hủy chuyến thăm tới Pháp để tiếp tục các cuộc đối thoại tại Áo về chương trình hạt nhân Iran. Chiều 22/11, ông Kerry đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif - cuộc gặp thứ 4 giữa hai bên chỉ trong vòng 3 ngày.
Sau đó tiếp tục diễn ra cuộc gặp 3 bên giữa Ngoại trưởng Mỹ, Iran và Đặc phái viên Liên minh châu Âu Catherine Ashton. Phát biểu sau các cuộc đối thoại, ông Kerry cho biết, bất đồng lớn vẫn còn tồn tại bất chấp những nỗ lực ngoại giao đang được thúc đẩy.
“Rõ ràng là chúng ta đang phải tiến hành các cuộc đối thoại khó khăn về một chủ đề phức tạp. Chúng tôi hi vọng sẽ đạt được bước tiến. Tuy nhiên vẫn tồn tại sự khác biệt lớn và các bên đang cố gắng thu hẹp. Điều quan trọng đó là nhóm P5+1 rất đoàn kết và thống nhất về vấn đề này”, ông Kerry nói.
Các nguồn tin châu tại Âu cũng cho biết, khả năng đạt được thỏa thuận cuối cùng vào ngày 24/11 là “ rất nhỏ”. Các nhà đàm phán Iran không thể hiện sự linh hoạt với bất đồng chính vẫn là khả năng làm giàu urani của Iran cũng như dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Ngoại trưởng Đức Steinmeier nói: “Chúng ta cần phải xem xét liệu Iran có thực sự đang đi đúng hướng hay không. Tiêu chí duy nhất cho thỏa thuận hạt nhân đó là liệu Iran có từ bỏ các hoạt động nghiên cứu theo định hướng phát triển vũ khí hạt nhân hay không. Đây là điều quan trọng nhất”.
Phía Nga thì cho rằng, tất cả các yếu tố cho một thỏa thuận đã sẵn sàng, nhưng điều thiếu nhất hiện nay đó là “ ý nguyện chính trị” của các bên tham gia đàm phán.
Với những nhận định không mấy lạc quan sau các cuộc đối thoại kéo dài nhiều ngày qua cho thấy khả năng hạn chót vào ngày mai sẽ có thể tiếp tục được gia hạn lần 2.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng, một thỏa thuận khung vẫn có thể đạt được, nhưng cần nhiều tuần và thậm chí nhiều tháng sau đó để nhất trí tất cả các chi tiết quan trọng cho thỏa thuận. Các bên tham gia đàm phán hiện cũng đều thể hiện thành ý tiếp tục các cuộc đối thoại kéo dài hơn một năm qua.
Mỹ đang tích cực thúc đẩy nỗ lực ngoại giao nhằm tránh các cuộc đối thoại này sụp đổ. Tuy nhiên, với sức ép bấy lâu nay từ đồng minh Israel cũng như khẳng định quyết tâm không để cho Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này vẫn hy vọng đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran trước hạn chót ngày 24/11 song cũng đang xem xét "các phương án khác".
Các quan chức Mỹ cho biết, Mỹ đang thảo luận cả trong nội bộ cũng như với các đối tác về một loạt phương an tối ưu nhất ở phía trước. Ngoại trưởng Mỹ hôm qua có cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng UAE, Kuwait, Qatar và Bahrain, sau đó là cuộc điện đàm riêng rẽ với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kì, Canada, Israel về vấn đề hạt nhân Iran.
Một thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran được dư luận mong đợi có thể giúp chấm dứt những bất đồng lâu nay giữa Iran và phương Tây, cũng như giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế đối với quốc gia Hồi giáo này.
Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo, việc các bên tham gia đàm phán không chịu nhượng bộ sẽ đẩy các cuộc đối thoại vào một vòng luẩn quẩn không có điểm kết thúc, với ít triển vọng đạt được một thỏa thuận cuối cùng./.