Tháng 8 vừa rồi đánh dấu tròn 60 năm cuộc đảo chính do cơ quan tình báo Mỹ và Anh tiến hành tại Iran. Cuộc chính biến này đã để lại dấu ấn sâu đậm đối với tiến trình lịch sử Iran và mối quan hệ giữa nước này và phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Đây cũng là một trong các điệp vụ thành công “vang dội” đầu tiên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (Liên Xô cũng bị bất ngờ). “Thắng lợi” này mở đầu cho một chuỗi các can dự sâu khác của Mỹ nhằm thay đổi chế độ tại Guatemala, Cuba, Indonesia, Việt Nam, Chile...
Trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đang ráo riết chuẩn bị cho hành động quân sự đối với Syria, việc xem xét thấu đáo cuộc đảo chính kinh điển này sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về chủ nghĩa can thiệp Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung.
Thừa nhận sự thật
Bản thân Mỹ (và cả Anh) thường cố gắng bưng bít thông tin về vai trò của họ trong cuộc đảo chính này, mặc dầu thế giới ít nhiều đã biết đến hoạt động lật đổ tại Iran năm 1953. Mỹ thường đề cao dân chủ nhưng trên thực tế họ lại đi lật đổ 1 chính phủ được bầu cử một cách dân chủ và giấu giếm bàn tay can dự của mình trong nhiều năm liền.
Thủ tướng hợp pháp Iran Mossadeq bị CIA lật đổ (ảnh: Corbis) |
Tuy nhiên, các hồ sơ mật phía Mỹ (và Anh) đã lần lượt được tiết lộ hoặc giải mật. Gần đây, các tài liệu CIA được giải mật năm 2011 đã chính thức được công bố trên website của viện nghiên cứu Tàng thư An ninh Quốc gia thuộc Đại học George Washington (Mỹ) vào ngày 19/8/2013. Với các tài liệu vừa được công bố này, CIA đã chính thức xác nhận vai trò của mình trong sự kiện động trời năm 1953. Các tài liệu mới (gồm 20 tài liệu của CIA và 14 tài liệu của phía Anh), tuy chưa thực sự đầy đủ (có nhiều đoạn bị xóa và còn nhiều tài liệu mật liên quan chưa được công bố) nhưng đã cung cấp thêm nhiều chi tiết về các hoạt động lật đổ của CIA.
Trước đó năm 2009, tại Đại học Cairo ở Ai Cập, Tổng thống Obama từng phát biểu khẳng định: “Giữa lúc diễn ra cuộc Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã đóng 1 vai trò trong việc lật đổ một chính phủ Iran được bầu một cách dân chủ.”
Còn năm 2000, trong 1 bài phát biểu tại thủ đô Washington, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Madeleine Albright cũng thừa nhận: “Năm 1953, Hoa Kỳ đóng 1 vai trò đáng kể trong việc dàn dựng cuộc lật đổ Thủ tướng được lòng dân của Iran Mohammad Mossadeq… Hơn nữa, trong ¼ thế kỷ tiếp theo, Hoa Kỳ và phương Tây đã liên tục hậu thuẫn cho chế độ Shah (Quốc vương Iran)… Chính quyền Shah đã đàn áp một cách tàn bạo những người bất đồng chính kiến.”
Cũng hồi năm 2000, báo New York Times đã lần lượt đăng tải một tập tài liệu bị rò rỉ của CIA (đề tháng 3/1954) ghi lại hoạt động lật đổ của tổ chức này tại Iran năm 1953 với mục đích “tổng kết kinh nghiệm” và làm tài liệu hướng dẫn cho các điệp vụ của họ trong tương lai.
Stephen Kinzer, tác giả 1 trong các cuốn sách về cuộc đảo chính này, khi tham gia vào tọa đàm truyền hình Democracy Now! của nhà báo điều tra Amy Goodman năm 2003, cho biết khi xâu chuỗi các sự kiện để viết cuốn sách, ông chợt nhận ra 1 điều: “Một quốc gia giàu mạnh đã dễ dàng đến nhường nào trong việc đẩy 1 nước nghèo và yếu vào tình trạng hỗn loạn”.
Trang web của CIA hiện nay cũng công nhận hoạt động ngầm của CIA tại Iran vào năm 1953 qua việc đăng tải 1 bài đánh giá do chính nhân viên CIA viết về cuốn sách trên của Stephen Kinzer.
Bối cảnh
Công ty Dầu Anh-Iran, viết tắt là AIOC (sau này trở thành hãng dầu BP của Anh), được thành lập sau khi phát hiện mỏ dầu trữ lượng lớn ở Iran vào đầu thế kỷ 20. Công ty này giữ độc quyền khai thác dầu tại Iran và đã góp phần quan trọng vào sự thịnh vượng của nước Anh giai đoạn đó. Tuy nhiên Iran chỉ được hưởng 1 nhúm nhỏ lợi nhuận từ dầu (Iran đã nhiều lần thương lượng để nâng tỷ lệ lợi nhuận cho mình nhưng bất thành). Lao động vất vả nhưng công nhân Iran trong lĩnh vực dầu mỏ chỉ được nhận mức lương thấp và sinh hoạt trong điều kiện tồi tàn.
Binh lính và xe tăng trên đường phố Tehran sau khi lật đổ chính quyền của Thủ tướng Mossadeq (ảnh: Daily Mail) |
Sau Thế chiến 2, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa phát triển mạnh tại khu vực Trung Đông mà Iran không phải là ngoại lệ. Bất mãn với tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận dầu mỏ, người Iran bắt đầu hình thành tư tưởng quốc hữu hóa công ty AIOC.
Một trong các lực lượng đi đầu trong phong trào quốc hữu hóa ngành dầu mỏ là đảng trung tả Mặt trận Dân tộc do Mohammad Mossadeq sáng lập và lãnh đạo. Ông Mossadeq trở thành Thủ tướng Iran sau một cuộc bầu chọn dân chủ tại quốc hội. Chủ trương quốc hữu hóa ngành dầu lửa, Thủ tướng Mossadeq đã trình dự thảo về việc này lên quốc hội và nhận được sự thông qua với mức độ nhất trí gần như tuyệt đối. Rất được lòng dân, Mossadeq lúc đó còn tiến hành nhiều cải cách xã hội tiến bộ khác.
Hẳn nhiên khi biết tin về chuyện quốc hữu hóa này, người Anh đã rất “choáng”. Sau khi tĩnh tâm lại, họ thuyết phục Thủ tướng Iran chỉ tiến hành quốc hữu hóa trên danh nghĩa mà thôi, nhưng Mossadeq kiên quyết không nhượng bộ - ông muốn quốc hữu hóa một cách thực chất.
Trước tình huống đó, Anh tính đến phương án xâm lược Iran để chiếm các khu vực dầu mỏ, bảo vệ các lợi ích của mình, nhất là khi đã bị mất thuộc địa khổng lồ Ấn Độ. Nhưng Harry Truman - Tổng thống Mỹ khi đó - dứt khoát phản đối ý đồ phiêu lưu này (ngài Truman đang vướng bận Chiến tranh Triều Tiên). Anh bèn dùng diễn đàn Liên Hợp Quốc để gây sức ép với Iran song vẫn thất bại.
Đến lúc này nước Anh tạm thời tăng cường hoạt động khai thác dầu mỏ ở một số nước khác để bù lại sự thiếu hụt ở Iran, đồng thời tung ra lá bài cấm vận kinh tế (rút chuyên gia kỹ thuật, phong tỏa tài chính và các hải cảng, lôi kéo các nước khác tẩy chay dầu mỏ Iran trên thị trường thế giới). Lá bài này thực sự đã gây lao đao cho nền kinh tế Iran và chính phủ của Thủ tướng Mossadeq.
Mặc dù vậy, nước Anh vẫn chưa hài lòng và họ đã lên kế hoạch hạ bệ bằng được Thủ tướng quốc gia Trung Đông này. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng lúc đó, có lẽ đã phát hiện âm mưu của người Anh nên ông Mossadeq quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Anh quốc và trục xuất toàn bộ nhân viên đại sứ quán Anh (trong đó có cả các nhân viên tình báo đối ngoại MI6). Thành thử, Anh rơi vào tình thế không còn nhân sự tại chỗ để cáng đáng việc đảo chính, và buộc phải quay sang nhờ cậy Mỹ.
Một trang tài liệu mật của CIA đề ngày 20/8/1953, giải mật năm 2011 và công bố năm 2013, liên quan đến việc lật đổ Thủ tướng Iran (chụp file tài liệu do Đại học George Washington công bố) |
Mỹ thì vốn coi Anh là đồng minh truyền thống thân cận nhất của mình. Bản thân Anh cũng tích cực hỗ trợ Mỹ trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên đang diễn ra lúc đó. Tuy nhiên cũng vì đang vướng cuộc chiến này nên Tổng thống Truman một lần nữa khước từ giúp Anh thực hiện hành động thay đổi chế độ thông qua đảo chính, dù rằng ngay từ đầu Mỹ cũng rất quan tâm đến dầu mỏ và vẫn ủng hộ việc khống chế Iran.
Sau đó Dwight Eisenhower (xuất thân tướng trong quân đội) lên thay Harry Truman làm ông chủ Nhà Trắng. Tân Chính quyền Mỹ có mức độ “hữu” cao hơn, cộng thêm lúc đó Chiến tranh Triều Tiênđã qua giai đoạn nguy nan (đối với phe Liên Hợp Quốc) và sắp đến hồi kết, nên Mỹ nhất trí ủng hộ phương án can thiệp bằng đảo chính.
Thủ thuật đảo chính
Từ tháng 3/1953 Mỹ bắt đầu “nghiên cứu tiền khả thi” cho việc đảo chính. Vào tháng 5/1953 họ bắt tay vào soạn thảo chi tiết kế hoạch đảo chính, và đến giữa tháng 6/1953 thì hoàn tất công việc này. Người chấp bút kịch bản đảo chính là Tiến sĩ Donald Wilber - đây cũng là nhân vật viết bản tổng kết năm 1954 được đề cập ở phần trên. Mục tiêu của cuộc đảo chính gồm loại bỏ Thủ tướng Mossadeq theo đường lối dân tộc, dựng lên 1 chế độ mới thân Mỹ-Anh, giải quyết ổn thỏa vấn đề dầu lửa, và tạo điều kiện đàn áp Đảng Tudeh Iran (tức Đảng Cộng sản Iran), ngăn ngừa cái mà Mỹ-Anh gọi là nguy cơ Iran ngả theo Liên Xô.
Phía tình báo đối ngoại Anh (MI6) cũng có 1 bản kế hoạch (ngắn hơn) phối hợp với CIA. Tất nhiên, do đã bị trục xuất khỏi Iran nên đại diện MI6 phải gặp đối tác CIA ở 1 nước thứ 3 để thống nhất mưu kế loại bỏ Mossadeq.
Bản kế hoạch đảo chính được Thủ tướng Anh Churchill thông qua lần cuối vào ngày 1/7/1953, và được Tổng thống Mỹ Eisenhower duyệt lần cuối vào ngày 11/7/1953.
Trùm tình báo Kermit Roosevelt, trực tiếp chỉ huy chiến dịch hạ bệ Thủ tướng Iran (ảnh: GWU) |
Trưởng Phân bộ Cận Đông và châu Phi của CIA Kermit Roosevelt trực tiếp chỉ huy Chiến dịch lật đổ mang mật danh “dự án TP-Ajax”. Là cháu trai của cố Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt, Kermit tỏ rõ là 1 con người hết sức lanh lợi và táo bạo, đã điều chỉnh linh hoạt kế hoạch hành động khi thực tế có nhiều biến đổi. Tuồn vào Iran vào cuối tháng 7/1953 (đúng dịp ký Hiệp định Đình chiến trên bán đảo Triều Tiên), Kermit chỉ mất 3 tuần để hạ bệ Mossadeq.
Theo bản kế hoạch do Tiến sĩ Wilber vạch ra, đầu tiên CIA sẽ chọn 1 ứng viên Thủ tướng mới thân phương Tây. CIA đã tiếp cận Tướng Fazlollah Zahedi - người có thái độ chống đối Thủ tướng Mossadeq ra mặt - thông báo cho ông này về ý định đưa ông ta lên làm Thủ tướng bằng một cuộc đảo chính. Zahedi sau đó được giao nhiệm vụ thành lập 1 ban thư ký quân sự để làm việc cụ thể với CIA.
Việc thứ 2 mà CIA làm là thông qua thuyết phục và gây áp lực, lôi kéo Quốc vương Iran (Shah) Mohammad Reza Pahlavi tham gia vào phi vụ này với mục đích giành thêm ủng hộ từ quân đội và tạo thế chính danh cho Tân Thủ tướng. Quốc vương Pahlavi lúc đầu do dự nhưng về sau đã gật đầu đồng ý sẽ ký các chỉ dụ phế truất Mossadeq và bổ nhiệm Zahedi vào chức vụ Thủ tướng. Theo kế hoạch, binh sĩ đảo chính sau đó sẽ mang chiếu chỉ nhà vua đến nhà riêng của Mossadeq và sẽ bắt luôn ông này trong trường hợp Mossadeq “kháng chỉ”.
Để hỗ trợ “công tác” thay đổi chế độ, CIA đã rót rất nhiều tiền cho các đối tác Iran, trước và ngay sau đảo chính. Chẳng hạn lúc mới đầu, CIA được nhận nóng 1 triệu USD để “muốn làm gì thì làm” miễn sao Mossadeq phải ra đi. Hai ngày sau khi tướng Zahedi lên nắm quyền, CIA đã tạm ứng khẩn 5 triệu USD cho viên tướng này củng cố quyền lực trước khi nhận thêm các khoản viện trợ lớn hơn từ chính phủ Mỹ.
Trong biến cố 1953, CIA đã thực hiện mua chuộc trên diện rộng, từ chính trị gia, giáo sĩ, cảnh sát cho đến các chủ bút và phóng viên địa phương để dọn đường cho đảo chính. Các sĩ quan cao cấp trong quân đội Iran cũng được lót tay thật đậm để sẵn sàng dẫn quân theo CIA khi có lệnh. Thậm chí CIA còn thuê cả… các đám côn đồ gây trò bạo loạn theo ý đồ của mình.
Thủ đoạn tuyên truyền “đen” được đặc biệt chú ý. Những tờ báo bị hối lộ đã đăng bài công kích, chế giễu, hoặc bịa đặt nói xấu Thủ tướng Mossadeq và chính phủ của ông. Công đoạn hạ hình ảnh như thế này được tiến hành cả trước và trong quá trình đảo chính.
Một trang tài liệu mật khác của CIA nói về chiến dịch tình báo TP-Ajax được giải mật năm 2011 nhưng trong đó có nhiều đoạn bị xóa trắng. Tiêu đề phía trên là 'Chiến dịch thiết lập chính quyền thân phương Tây tại Iran' (nguồn tài liệu: Đại học George Washington) |
Ở giai đoạn 2 của đảo chính (khi CIA phản công sau nỗ lực lần thứ 1 thất bại), CIA đã phát tán hàng loạt bức ảnh chụp các chỉ dụ của Quốc vương tới giới quân nhân, báo chí và cả quần chúng Iran. Sau đó, vào hôm 19/8, một số tờ báo đã đăng tải nội dung các chiếu chỉ này, gây bất bình trong dư luận đối với chính phủ đương nhiệm, đẩy quần chúng và quân đội nghiêng thêm sang phe đảo chính.
Khi giành ưu thế, những người biểu tình thân Quốc vương cùng binh sĩ do tướng Zahedi điều khiển đã chiếm Đài Phát thanh Tehran, cho đọc trên sóng phát thanh bản chiếu chỉ của Quốc vương về việc phế truất Thủ tướng và bổ nhiệm Zahedi vào vị trí này. Đài Tehran cũng được dùng làm công cụ chỉ đạo các tỉnh trong toàn quốc tuân theo chính phủ mới.
Trước ngày bắt đầu đảo chính (15/8), một chiêu hiểm của CIA là tung đặc vụ kết hợp với đám đâm thuê chém mướn giả danh đảng viên cộng sản đến đe dọa các chức sắc Hồi giáo rằng họ sẽ bị tấn công tàn bạo nếu dám chống lại Thủ tướng Mossadeq. Không dừng lại ở đó, các điệp viên CIA còn đánh bom nhà riêng của ít nhất 1 nhân vật Hồi giáo rồi đổ vấy cho đảng cộng sản, để đánh lừa giới tăng lữ và dư luận về “mối nguy cộng sản”. Chiêu này có lẽ CIA đã học từ các đệ tử của Hitler – những kẻ đã bày trò phóng hỏa tòa nhà Quốc hội Đức rồi vu vạ cho những người cộng sản để lấy cớ đặt Đảng Cộng sản Đức ra ngoài vòng pháp luật và triệt hạ đảng này.
Khi đảo chính chính thức diễn ra, Kermit Roosevelt tiếp tục thuê các băng đảng du côn giả làm người thuộc 2 phe (ủng hộ và chống Mossadeq) gây ra các vụ bạo động và biểu tình nhằm tạo ra ấn tượng về tình trạng mất kiểm soát ở Tehran và sự “sôi động” cho chính trường Iran khi ấy. Kermit thậm chí còn thuê nhóm này đánh nhóm kia đến mức sứt đầu mẻ trán hoặc chết người.
Ở giai đoạn cuối của tiến trình đảo chính, các nhóm đóng giả phe thân Mossadeq được lệnh xuống đường hô các khẩu hiểu ủng hộ Thủ tướng Mossadeq và chủ nghĩa cộng sản, đồng thời kêu gọi thành lập nhà nước “Cộng hòa Nhân dân”. Sau đó các nhóm này tấn công và trộm phá cửa hàng, doanh nghiệp tư nhân, từ đó gây ác cảm với nhân dân và các tầng lớp xã hội, phá hoại hình ảnh của Thủ tướng và đảng Tudeh trong mắt họ.
Không những vậy các nhóm này còn lôi kéo các đảng viên thật của Tudeh tham gia vào “cách mạng lật đổ phong kiến và tư bản”. Nhiều đảng viên Tudeh tưởng thật đã trúng bẫy, hùa theo đám lâu la của trùm tình báo Kermit.
Trước và trong đảo chính, Đại sứ quán Mỹ tại Tehran trở thành trung tâm chỉ huy của chiến dịch TP-Ajax.
Khi Thủ tướng Mossadeq áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn đảo chính, CIA đã khéo léo tận dụng tâm lý của các giai tầng xã hội Iran lúc đó như e ngại về các biện pháp trấn áp của Mossadeq, sốc trước việc Quốc vương chạy trốn sang nước khác khi giai đoạn 1 của đảo chính thất bại, hay (đối với các tầng lớp đứng giữa) lo ngại xảy ra Cách mạng Marxist cấp tiến. Như vậy cán cân lực lượng dần bất lợi cho Thủ tướng Mossadeq.
Vợ chồng Quốc vương Iran Pahlavi đào tẩu sang Rome, Italy, sau khi đảo chính đợt 1 thất bại (ảnh: Corbis) |
Kermit tiếp tục chỉ đạo các nhóm côn đồ thứ 2, lần này xuất hiện với tư cách là người ủng hộ Quốc vương, tập hợp thêm cả các chủ cửa hàng bị đập phá để phản công lại những người biểu tình. CIA cũng kích động và tập hợp giới giáo sĩ chống lại Thủ tướng Mossadeq và phát động thánh chiến chống cộng sản.
CIA thành công một phần là nhờ các sai lầm chiến thuật của Thủ tướng Mossadeq và đảng Tudeh. Chẳng hạn Mossadeq đã chủ quan trong đợt 1 của đảo chính khi ông bắt được một số binh sĩ đảo chính (15/8) và điều quân đến trấn giữ các điểm xung yếu trong thủ đô. Thấy tình hình tương đối yên tĩnh đêm 17/8, Mossadeq chủ quan cho lui quân và cả những người ủng hộ của mình. Đã vậy, ông vẫn cố gắng bảo tồn “chế độ quân chủ lập hiến” nên chưa thực sự kiên quyết làm tới và chưa tận dụng hết sức mạnh của đảng Tudeh (thậm chí còn bắt các đảng viên cộng sản do sợ phương Tây can thiệp).
Trong khi đó đảng Tudeh tuy có nhiều cơ sở trong quân đội nhưng chỉ nắm được các vị trí cấp thấp và chưa nắm được các đơn vị trực tiếp chiến đấu. Đảng Tudeh còn mắc bệnh tả khuynh và đánh giá chưa đúng vai trò của Mossadeq nên liên minh với ông này vẫn có phần lỏng lẻo, đồng thời bị sa vào bẫy “bạo loạn đường phố” của CIA.
Diễn biến và hậu quả của việc ‘nhúng tay’
Ngày 13/8/1953, Shah (Quốc vương) Pahlavi ký quyết định cách chức Mossadeq và thay bằng tướng Zahedi. Đêm 15/8 (1953), một nhóm cấm vệ quân đưa các chỉ dụ đến nhà riêng Mossadeq và trù tính sẽ bắt Thủ tướng ngay khi ông này từ chối “tuân chỉ”. Phe đảo chính cho cắt đường dây điện thoại giữa văn phòng chính phủ và quân đội, chiếm tổng đài điện thoại.
Nhưng nguồn tin mật do Tudeh cung cấp giúp Mossadeq biết trước âm mưu và các binh sĩ trung thành với Mossadeq đã bắt ngay những sĩ quan và binh lính định bắt ông. Mossadeq còn cho bắt thêm các nhân vật âm mưu đảo chính, bố trí thêm binh sĩ tại tư dinh và các vị trí trọng yếu. Hay tin, Quốc vương Pahlavi vội bỏ chạy vào hôm 16/8 sang Baghdad, Iraq (sau đó bay tiếp sang Rome, Italy). Còn Mossadeq thì thấy tình hình đã yên nên sau đó cũng không phòng bị gì thêm, thậm chí còn lơi lỏng tinh thần cảnh giác.
Bất ngờ bị thất bại trong đợt đầu, CIA và các tay chân người Iran bình tĩnh phản đòn. Tối 17/8 tướng Zahedi, điệp viên Iran cùng các sĩ quan quân đội Iran khác nằm dưới gầm xe ô tô bí mật vào bên trong đại sứ quán Mỹ bàn việc chỉ đạo tác chiến.
CIA đã ép Quốc vương (Shah) Iran - ông Pahlavi ký bức chỉ dụ này. Phe đảo chính đã nhân bản và phát tán tài liệu này khắp Tehran (ảnh: Ted Hotchkiss) |
Sang ngày 19/8, sĩ quan Iran tạo phản đã dùng giấy thông hành giả do CIA chuẩn bị để đến một số đơn vị quân đội thuyết phục các tư lệnh ở đó cùng tham gia đảo chính.
Quân đội do tướng Zahedi chỉ huy sau đó rời doanh trại để tung đòn quyết định, đẩy lui những người biểu tình, tấn công vào các tòa nhà chính phủ, nhà riêng Thủ tướng, bắt giữ Mossadeq và các thành viên nội các. Các đơn vị xe tăng thuộc quyền kiểm soát của các sĩ quan tham gia đảo chính. Nhà riêng của Thủ tướng trúng đạn pháo xe tăng. Mossadeq chạy trốn nhưng bị bắt sau đó không lâu và chấp nhận đầu hàng. Vào cuối ngày 19/8, tướng Zahedi đã thâu tóm toàn bộ quyền bính.
Số người tử vong trong toàn chiến dịch TP-Ajax dao động trong khoảng vài trăm đến 1.000.
Sau đảo chính, nhiều cộng sự và người ủng hộ Thủ tướng Mossadeq, bao gồm cả sĩ quan quân đội, bị bắt, tra tấn và tù đày. Thủ tướng Mossadeq bị tuyên án tử hình, sau được “ân giảm” xuống thành 3 năm tù giam và bị quản thúc tại gia suốt đời. Còn trợ lý thân cận của ông là Ngoại trưởng Hossen Fatemi – 1 học giả, 1 nhà báo, 1 chính khách trẻ tuổi, sắc sảo thì bị kết án tử hình và việc xử bắn ông này diễn ra vào tháng 11/1954.
Cũng từ sau năm 1953 Quốc vương Iran (Shah) Pahlavi đã biến Iran thành chế độ quân chủ chuyên chế hiện đại. Đảng Cộng sản Iran bị đàn áp dữ dội và thiệt hại nặng, phải rút vào hoạt động bí mật.
Cuộc đảo chính đã giải quyết “ổn thỏa” vấn đề dầu lửa cho nước Anh (nhưng nước này phải chia sẻ đáng kể chiếc bánh dầu mỏ với đồng minh Mỹ). Mỹ hành động quyết liệt vừa để giúp đồng minh truyền thống, vừa để đem lại lợi ích kinh tế cho mình, không chỉ ở Iran mà cả trên bình diện quốc tế (ngăn làn sóng quốc hữu hóa ở các nước và khu vực khác). Nhìn ở góc độ Chiến tranh Lạnh, Mỹ có thể đã thở phào khi ngăn chặn kịp thời 1 Tiệp Khắc thứ 2 ở Trung Đông, dù rằng có rất ít dấu hiệu cho thấy Đảng Tudeh lên kế hoạch giành chính quyền vào thời điểm đó.
Tuy nhiên Mỹ và công cụ CIA chưa hẳn đã là thành công khi cuộc đảo chính đem lại quá nhiều “tác dụng không mong muốn”.
Thứ nhất, cuộc đảo chính đã dẫn đến kết quả thiết lập một chế độ quân chủ chuyên chế ở Iran, trái ngược với các giá trị dân chủ mà Mỹ vẫn hằng tuyên bố theo đuổi, tạo hình ảnh xấu về Mỹ và ám ảnh mối quan hệ Mỹ-Iran, cũng như gieo rắc tâm lý nghi kỵ Mỹ trong khu vực Trung Đông suốt 6 thập kỷ qua.
Chính Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright, trong bài phát biểu đề cập ở phần đầu, đã nói rằng: “Cuộc đảo chính là một bước lùi cho sự phát triển chính trị của Iran. Và dễ hiểu khi thấy hiện nay có nhiều người Iran tiếp tục bực tức với sự can thiệp năm đó của Mỹ vào công việc nội bộ của nước họ.” Bà Albright cũng dẫn lời Tổng thống Mỹ Clinton cho rằng “Mỹ phải chịu trách nhiệm một cách tương xứng đối với những vấn đề đã nổi lên trong quan hệ Mỹ-Iran”.
Thứ hai, thái độ phẫn uất trước sự can dự của Mỹ cũng như mức độ áp bức cao của chế độ Shah chuyên chế trong gần 3 thập kỷ sau đó đã góp phần dẫn tới cuộc Cách mạng Iran kinh thiên động địa năm 1979 – một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đã gạt phăng các lợi ích Mỹ tại quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng tại Trung Đông. Không những thế, ngay sau Cách mạng Iran, giới giáo sĩ đã chớp thời cơ lên nắm quyền và thiết lập chế độ thần quyền Hồi giáo với thái độ chống Mỹ gay gắt. Lo sợ sự trở lại của Quốc vương Iran như hồi 1953, các sinh viên Hồi giáo đã chiếm Tòa đại sứ Mỹ, gọi đó là “hang ổ gián điệp” và bắt giữ toàn bộ nhân viên sứ quán làm con tin. Từ năm 1979 đến nay, Iran thường xuyên ở trong thế đối đầu căng thẳng với Mỹ.
Chính quyền Hồi giáo Iran thường lôi “chuyện cũ” này ra để tố cáo Mỹ, kích động tinh thần dân tộc và tâm lý bài Mỹ. Tổng thống Iran Ahmadinejad (từ năm 2005 đến đầu 2013) đã yêu cầu Mỹ phải xin lỗi vì những “tội ác” mà CIA đã phạm phải trong cuộc đảo chính 1953.
Nhiều người Iran hiện vẫn còn “ức” về việc Mỹ can thiệp và hỗ trợ Shah. Mới đây nhất (ngày 28/8/2013) Quốc hội Iran thông qua 1 dự luật đòi kiện chính phủ Mỹ ra tòa án quốc tế vì vai trò của họ trong cuộc đảo chính nói trên./.