Trong khi Mỹ và các quốc gia khác khẩn trương có các biện pháp để bảo vệ người Kurd sau khi tình hình căng thẳng ở Iraq leo thang thì Iran lại đang lo lắng rằng nếu người người Kurd ở Iraq thực hiện được ước mơ độc lập và Iraq bị phân rã, Iran có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo.
Vào cuối tháng 6/2014, ông Nechirvan Barzani, một lãnh đạo khu tự trị Kurdistan ở Iraq cùng với một phái đoàn cao cấp người Kurd đã đến Tehran để gặp Chuẩn Đô đốc Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran.
Shamkhani là một nhân vật quân sự cấp cao của Iran theo đường lối ôn hòa và thường xuất hiện trước công chúng trong trang phục dân sự nhưng khi gặp ông Barzani, ông Shamkhani đã khoác lên mình bộ quân phục Hải quân chỉnh tề. “Tôi cố ý mặc quân phục khi gặp Nechirvan Barzani để ông ấy hiểu rằng với Iran, sự toàn vẹn và ổn định của Iraq là rất quan trọng”.
Iraq trước nguy cơ tan rã, Iran bất an
Đây chỉ là một hành động rất nhỏ nhưng thể hiện sự quan tâm cực lớn của Iran đối với những gì họ cho là khủng hoảng kép hiện nay ở Iraq khi cùng lúc Thủ tướng Iraq Nouri al-Malaki (người Shiite, thuộc đảng Dawa Hồi giáo) sắp bị gạt ra rìa và người Kurd đang có những động thái để tiến tới tổ chức trưng cầu dân ý đòi độc lập.
Thực tế, dù Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Iraq Nuri al-Maliki liên tục có những tuyên bố phản đối việc Phó Chủ tịch Quốc hội Haidar al-Abadi được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ mới, gần như chắc chắn ông này khó có thể giữ được chiếc ghế hiện tại thêm một nhiệm kỳ. Trong khi đó, kịch bản người Kurd ở Iraq có thể thành lập một nhà nước độc lập khó có thể xảy ra.
Mặc dù vậy, tuyên bố của người đứng đầu chính quyền tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq, Masoud Barzani đề nghị cơ quan lập pháp của khu vực này thành lập ủy ban tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập được Iran đánh giá là tín hiệu đáng báo động.
Mạng tin tức Al-Alam dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề Trung Đông và châu Phi Hossein Amir Abdollahian cho biết: “Chúng tôi đã nói rằng những hành động vi phạm Hiến pháp, đi ngược với quá trình phát triển và tiến bộ xã hội, phá hủy các quy định cơ bản của một hệ thống liên bang sẽ không có lợi cho bất kỳ ai”.
Ngay sau tuyên bố của người đứng đầu chính quyền tự trị Kurdistan ở miền bắc Iraq Masoud Barzani, ông Abdollahian đã gọi kế hoạch được ông Barzani là “không khôn ngoan”; đồng thời khẳng định ông tin rằng “các nhà lãnh đạo người Kurd khác sẽ đủ tỉnh táo để không đồng ý với việc khu tự trị Kurdistan độc lập khỏi Iraq”.
Tờ Jomhouri-e Eslami hàng ngày dẫn một nguồn tin thân tín mô tả ông Masoud Barzani như một lãnh đạo phát cuồng với những khẩu hiệu ly khai. Tờ báo này cũng đưa ra cảnh báo, viễn cảnh mà ông Barzani vẽ ra có tuyên bố chủ quyền vô căn cứ với lãnh thổ của các quốc gia láng giềng, trong đó có Iran.
Vì sao Iran lo lắng?
Gần một thế kỷ sau khi kết thúc Thế chiến thứ nhất và sự hình thành đất nước Iraq từ các phần của Đế chế Ottoman, cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang lo lắng rằng việc thành lập một nhà nước độc lập của người Kurd ở Iraq sẽ khuyến khích các nhóm người Kurd ở các quốc gia này tham gia vào một thực thể độc lập duy nhất của người Kurd.
Hiện tại ở Iraq có khoảng 5 triệu người Kurd, những người vốn được hưởng quy chế tự trị riêng tại quốc gia Trung Đông này theo một bản thỏa thuận hòa bình từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Trong những tuần gần đây, sau khi phiến quân nổi dậy hồi giáo dòng Sunni thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) đánh bại quân Chính phủ, chiếm đóng một số khu vực rộng lớn tại phía Tây và phía Bắc Iraq, phạm vi kiểm soát của người Kurd đã mở rộng thêm 40%.
Thực tế này được nhìn nhận là một cơ hội để chính quyền tự trị Kurd làm sống lại ý tưởng về thành lập nhà nước độc lập và có chủ quyền và lãnh đạo người Kurd đã làm như vậy dù chưa đi đến kết quả cuối cùng. Trước đó, năm 2005, cử tri Kurd đã thể hiện nguyện vọng về một nhà nước độc lập, tách khỏi Iraq trong một cuộc bỏ phiếu không bắt buộc.
Shireen T. Hunter, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Georgetown, trong một cuộc phỏng vấn với IranWire nói: “Sự tan rã, chia tách bất kỳ quốc gia láng giềng nào của Iran cũng làm gia tăng nguy cơ về sự phát triển của phong trào ly khai trong nội bộ Iran. Tất nhiên sự thành bại của các phong trào như vậy phụ thuộc nhiều vào các điều kiện trong nước. Nếu nền kinh tế vững mạnh thì đó không phải mối nguy nhưng nếu nền kinh tế không ổn định, cơ hội thành công của phong trào ly khai không phải không có”.
Iran từng phải đối mặt với một cuộc nổi dậy như vậy trong Thế chiến II. Một nhà nước cộng hòa riêng của người Kurd đã được hình thành tại thành phố Mahabad, phía tây bắc Iran trong chiến tranh. Nhà nước này chỉ tồn tại 10 tháng từ tháng 1 – 11/1946 sau khi Liên Xô rút khỏi Iran dưới áp lực của Mỹ theo Hiệp định Yalta.
Có một điều đặc biệt mà không phải ai cũng biết, đó là Bộ trưởng Quốc phòng của nước cộng hòa có tuổi thọ ngắn ngủi nói trên là Mullah Mustafa Barzani, cha đẻ của người đứng đầu chính quyền tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq, Masoud Barzani. Dường như ông Barzani đang muốn tiếp tục thực hiện ước nguyện của người cha khi sinh thời cha ông chưa thể làm được.
Mối lo không phải của riêng Iran
Giáo sư Hunter nhận định: “Sự hình thành một nhà nước độc lập của người Kurd có thể khuyến khích phong trào tương tự ở Iran. Tuy nhiên, Iran không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với mối đe dọa của chủ nghĩa ly khai do người Kurd khởi xướng ở Iraq. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nghĩ rằng ông ấy có thể đi đến một thỏa thuận với Barzani nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, sau Iran, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rơi vào tình trạng tương tự. Có thể nó không xảy ra ngay lập tức nhưng chắc chắn sẽ xảy ra”.
Trong sự hỗn loạn sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và khởi đầu cuộc chiến tranh Iran – Iraq kéo dài 8 năm, một số người Kurd đã tìm cách làm sống lại phong trào ly khai của họ nhưng phong trào đã nhanh chóng bị suy yếu do sự đàn áp không ngừng của Chính phủ trung ương và các vụ ám sát những nhà lãnh đạo đối lập người Kurd chủ chốt.
Trong những năm gần đây, người Kurd ở Iran đã nghiêm túc và cố gắng để tham gia vào các hoạt động chính trị nhưng chưa có chỗ đứng xứng đáng. Ngay cả cho đến thời điểm hiện tại, khi khủng hoảng ở Iraq đang leo thang và Barzani tìm cách tổ chức trưng cầu dân ý, giới lãnh đạo Iran dường như vẫn không mấy quan tâm đến việc cải thiện tình trạng phân biệt đối xử với người Kurd.
Thay vào đó, Iran lại tập trung vào việc chỉ trích, làm suy nhược ý chí của các nhà lãnh đạo người Kurd. Phản ứng với tin tức về kế hoạch tiến hành trưng cầu dân ý đòi độc lập của người Kurd ở Iraq, Ahmad Khatami một giáo sĩ cực đoan và là thành viên cấp cao của Hội đồng các chuyên gia Iran nói rằng: “âm mưu này phải được bóp chết ngay từ trong ‘trứng nước’ bởi nó sẽ trở thành một khối ung nhọt giống như Israel”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham thì gọi đây là “một âm mưu phục quốc Do Thái”.
Tương lai về một nhà nước độc lập của người Kurd còn xa vời
Tại thời điểm này, có rất ít khả năng người Kurd ở Iraq sẽ giành được điều họ mong muốn bởi không chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ và Iran phản đối mà kế hoạch này còn không nhận được sự ủng hộ của Mỹ. Nhà Trắng ngày 3/7 đã lên tiếng phản đối việc lãnh đạo khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của khu vực này.
Phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói: "Chúng tôi tin rằng Iraq sẽ hùng mạnh hơn nếu thống nhất... Đó là lý do vì sao Mỹ tiếp tục ủng hộ một nước Iraq dân chủ, đa nguyên và thống nhất. Chúng tôi một lần nữa hối thúc tất cả các bên ở Iraq tiếp tục cùng nỗ lực để tiến tới mục tiêu này".
Một nhà phân tích về các vấn đề của người Kurd ở Tehran nói với IranWire: “Tôi đồng ý rằng sự tan rã của Iraq có thể tạo ra vấn đề cho Iran, đặc biệt là ở khu vực người Kurd sinh sống nhưng nó không nên được hiểu như là một cơn ác mộng. Hầu hết người Kurd ở Iran không quan tâm đến việc ly khai hoặc thành lập một quốc gia độc lập bởi họ hiểu rằng nếu điều đó xảy ra, họ sẽ không có một đất nước an toàn”.
Theo nhà phân tích này, một nước cộng hòa độc lập của người Kurd ở Iraq rất dễ bị tổn thương khi bao quanh họ là những người Sunni thù địch, viễn cảnh ấy rõ ràng không hấp dẫn đối với người Kurd ở Iran, những người đã quen với cuộc sống yên bình và ổn định ở nước Cộng hòa Hồi giáo.
Nhà phân tích này cho rằng: “Masoud Barzani biết rằng kế hoạch sẽ không thể thực hiện được nhưng rõ ràng ông ấy là một nhà chính trị xuất sắc. Ông ấy hiểu rằng có thể lợi dụng sự e ngại hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Mỹ và Chính phủ trung ương để có một số nhượng bộ. Chẳng hạn như ông ta có thể yêu cầu Iran ngừng hậu thuẫn cho Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki, người vốn được cho là nguyên nhân gây ra bất ổn hiện nay ở Iraq”.
Trên thực tế, những gì đã diễn ra cho thấy nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở. Trong vài tuần qua, Bộ Ngoại giao Iran đã thể hiện rõ quan điểm cho rằng Tehran không kiên quyết phải giữ vị trí hiện tại của ông Nuri al-Maliki.
Có thể nói, dù việc người Kurd có thành lập được nhà nước độc lập của họ hay không cũng không phải là vấn đề cốt lõi mà Iraq cần phải giải quyết. Mâu thuẫn sắc tộc tại Iraq từ lâu mới là căn nguyên của mọi cuộc khủng hoảng tại Iraq. Iran và Thổ Nhĩ Kỳ chắc hẳn đã và đang theo dõi sát sao những gì đang diễn ra ở đây để có thể tránh đi vào vết xe đổ mà Baghdad vấp phải./.