Nếu kết quả là ông Berlusconi phải rời khỏi chính trường Italy thì đó cũng không phải là điều bất ngờ, bởi đó là hậu quả của những hành động của việc đặt cái “Tôi” trong chính trị lên trên lợi ích của quốc gia.

Điển hình cho hành động đặt cái “Tôi” trong chính trị lên trên lợi ích quốc gia là việc ông Berlusconi quyết định rút 5 Bộ trưởng ra khỏi Nội các. Điều này đã đẩy không chỉ đối thủ của ông Berlusconi, Thủ tướng Enrico Letta mà cả hệ thống chính trị Italy rơi vào tình cảnh khốn đốn.

Nhưng “nước cờ” mà ông Berlusconi cho rằng sẽ là đòn giáng mạnh vào chính quyền của Thủ tướng Enrico Letta lại trở thành "con dao 2 lưỡi" đối với chính trị gia kỳ cựu này khi ông Letta vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội nhờ vào chính những là phiếu của các nghị sỹ đảng Nhân dân Tự do (PDL) của ông Berlusconi.

berluc_copy.jpg
Liệu có phép màu nào có thể cứu được ông Berlusconi? (Ảnh AFP)

Sau thất bại nặng nề hôm 3/10, ông Berlusconi chỉ còn biết lên tiếng ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Letta, nhưng đã quá muộn.

Nghị sỹ đảng Nhân dân Tự do Osvaldo Napoli thừa nhận: “Không còn nghi ngờ gì nữa, hiện nay là thời điểm rất nhạy cảm và không tốt cho chúng tôi và ông Berlusconi. Dù ủng hộ hay phản đối ông Berlusconi thì ông vẫn là một nhà lãnh đạo không chỉ có kinh nghiệm dày dạn 20 năm mà còn hoạt động trên thương trường gần 40 năm qua và nhiều người không muốn ông ấy bỏ cuộc”.

Tuy nhiên, Giáo sư lịch sử đương đại của trường Đại học Luiss ở Roma, ông Giovanni Orsina nhận định, đây mới chỉ là màn dạo đầu cho việc chấm hết sự nghiệp chính trị của cựu Thủ tướng Berlusconi: “Kết quả của cuộc bỏ phiếu này gần như đã định. Thượng viện sẽ bỏ phiếu tước bỏ tư cách nghị sỹ của ông Berlusconi và tồi tệ hơn, với những gì thể hiện ngày 3/10, ông ấy đã đánh mất khả năng đảo ngược quyết định đó”.

Giới quan sát thậm chí còn đặt ra khả năng sự rạn nứt này có thể dẫn tới việc đảng Nhân dân tự do sẽ tách ra thành 2 đảng riêng biệt. Vì thế cuộc bỏ phiếu xem xét tư cách nghị sỹ của ông Berlusconi cũng là một “phép thử” đối với uy tín và độ gắn kết của đảng Nhân dân Tự do.

Nghị sỹ đảng Dân chủ trung tả Dario Nardella cho biết: “Đây cũng là một bài kiểm tra cho đảng Nhân dân Tự do, xem họ có thể chứng minh được việc đã thật sự thay đổi đường lối hướng về chính phủ chưa, hay một lần nữa vấn đề thật sự của đảng này chính là những bê bối của ông Berlusconi”.

Bất ổn chính trị tiếp tục là nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế đang gặp khó khăn này khi hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s ngày 3/10 cảnh báo có thể hạ mức xếp hạng BAA2 của nước này nếu chính phủ không đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% trong năm nay.

Dự kiến, ngày 15/10, chính phủ Italy phải công bố lời giải cho bài toán ngân sách năm 2014 nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế những vẫn giữ thâm hụt ngân sách dưới 3% theo yêu cầu của Liên minh châu Âu.

Là 1 trong những nền kinh tế phát triển "chậm chạp" trong Khu vực Eurozone trong hơn 1 thập kỷ qua, với tỷ lệ thanh niên dưới 25 tuổi thất nghiệp lên tới 40%, trong bối cảnh hiện nay, chính phủ Italy cần một sự đồng thuận cao trong các kế hoạch cải tổ thị trường lao động, giáo dục và hệ thống pháp lý./.