Chỉ 7 tháng kể từ sau cuộc tổng tuyển cử, Italy lại đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới. Nguyên nhân là do cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, lãnh đạo đảng Nhân dân Tự do (PDL) trung hữu rút 5 Bộ trưởng khỏi chính phủ liên minh.

Một số kịch bản có thể xảy ra, song đã “hé mở” khả năng về việc thành lập một chính phủ liên minh mới sau khi nhiều nghị sỹ đảng Nhân dân Tự do phản đối quyết định của ông Berlusconi và có thể quay sang ủng hộ Thủ tướng Enrico Letta.         

Theo yêu cầu của Thủ tướng Letta, Quốc hội Italy dự kiến tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với liên minh của ông vào ngày 2/10. Ông Letta cho biết sau cuộc bỏ phiếu này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

letta_copy.jpg
Vẫn còn hy vọng cho ông Letta thành lập chính phủ mới (Ảnh AFP)

Nếu vẫn được đa số nghị sĩ ủng hộ, ông Letta sẽ khởi động các cuộc thương lượng để tìm ra một liên minh cầm quyền mới, tránh cho Italy một cuộc bầu cử không mong đợi vào lúc này.

Theo giới quan sát, Thủ tướng Letta hiện đang nhận được sự ủng hộ đa số tại Hạ viện và có thể thành lập chính phủ mới nếu nhận được sự ủng hộ từ một số Thượng nghị sĩ thuộc Nhân dân tự do, hay những thành viên trung hữu ly khai và các nhóm cánh tả.

Tổng thống Giorgio Napolitano, người có vai trò dàn xếp các cuộc khủng hoảng trong chính phủ, cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với hướng đi này. 

Mặc dù một số kịch bản có thể xảy ra, trong đó không loại trừ khả năng Italy phải tổ chức một cuộc bầu cử mới, song Thủ tướng Lettacó thể nhận được thêm sự ủng hộ để xúc tiến thành lập chính phủ mới, sau khi nhiều nghị sỹ đảng Nhân dân tự do phản đối quyết định của của ông Berlucsconi.

Theo nguồn tin từ đảng Nhân dân tự do, khoảng 20 nghị sỹ có thể rời bỏ đảng này, nếu ông Berlucsconi cố “hạ bệ” chính phủ liên minh, do những tranh cãi về vấn đề pháp lý của ông này. Có nghị sỹ thuộc đảng này còn chỉ trích ông Berlucsconi “đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích chung của người dân Italy”.

Phát biểu sau cuộc họp của đảng Nhân dân tự do ngày hôm qua, nghị sỹ đảng này Mariastella Gelmini cho biết: “Tôi tin chắc rằng vẫn còn khả năng tìm kiếm sự đồng thuận. Chúng ta cần đoàn kết trong đảng với một lập trường rõ ràng”.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Berlucsconi đến nay vẫn không từ bỏ lời kêu gọi tổng tuyển cử sớm. Một số nghị sỹ đảng Nhân dân tự do cho biết, ông Berlucsconi sẵn sàng ủng hộ ngân sách 2014, dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào tháng 11 tới cũng như các biện pháp tăng thuế khác, nhưng với điều kiện là Italy phải tổ chức bầu cử sớm.  

Theo các nhà phân tích, động cơ chính của ông Berlucsconi là gây sức ép đối với Thủ tướng Letta trước thời điểm Thượng viện Italy ngày 4/10 tới sẽ bỏ phiếu để khai trừ ông này khỏi cơ quan lập pháp, dựa trên một đạo luật chống tham nhũng năm 2012. 
Vấn đề này nảy sinh sau khi Tòa án Tối cao Italy ra phán quyết giữ nguyên mức án 4 năm tù giam đối với ông vì tội gian lận tài chính. Theo luật pháp Italy, những người đã bị kết án trên hai năm tù không được tham gia quá trình bầu cử. Điều này đồng nghĩa với việc ông Berlucsconi sẽ bị tước quy chế nghị sĩ.

Các nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị mới đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới những nỗ lực áp dụng cải cách cần thiết để đối phó với những vấn đề kinh tế của Italy, nhất là nợ công, suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Các thị trường tài chính Italy và châu Âu đã có những phản ứng tiêu cực với diễn biến xấu này.

Ông Ishaq Siddiqi, nhà phân tích thị trường tại ETX Capital, Anh nhận định về những diễn biến sắp tới: “Về vấn đề Italy, chúng ta sẽ chờ đợi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ của thủ tướng Letta. Tôi nghĩ rằng giới đầu tư đang theo dõi sát sao những gì sẽ xảy ra.

Có thể các nhà lãnh đạo Italy sẽ nỗ lực thành lập một chính phủ liên minh mới. Nếu điều đó không xảy ra thì sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới và như vậy sẽ dẫn đến nhiều lo ngại trên thị trường”.

Trong một tuyên bố chung, Hiệp hội ngân hàng và Hiệp hội bảo hiểm và công nghiệp Italy cảnh báo, một cuộc khủng hoảng chính phủ sẽ gây ra thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đối với Italy và có nguy cơ đẩy đất nước lại rơi vào vòng xoáy đi xuống, với những hậu quả lớn đối với các hộ gia đình và các công ty./.