Đây là động thái mới nhất của ông Berlusconi sau khi ông rút tất cả 5 bộ trưởng thuộc đảng Nhân dân Tự do (PDL) của mình khỏi liên minh cầm quyền vào ngày 28/9, qua đó gián tiếp hạ bệ chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta và đẩy nền kinh tế lớn thứ ba của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (EU) này vào hỗn loạn.

Trong đoạn băng video kêu gọi những người ủng hộ, ông Berlusconi chỉ trích kế hoạch tăng thuế bán hàng của chính phủ, vốn là một phần của chính sách giảm nhẹ gánh nợ công khổng lồ của Italy.

italy_copy.jpg
Ông Silvio Berlusconi đang đẩy Italy vào cuộc khủng hoảng chính trị (Ảnh ABC)

Ông cũng tin tưởng rằng, nếu cuộc bầu cử diễn ra thì đảng của ông sẽ giành chiến thắng: “Tôi nghĩ rằng, không còn con đường nào khác ngoài việc tổ chức cuộc bầu cử càng sớm càng tốt. Theo những thăm dò dư luận gần đây thì chúng tôi sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử”.

Theo các nhà phân tích, những động thái cứng rắn của ông Berlusconi không phải là bất ngờ, bởi ông đã từng đe dọa sẽ hành động như vậy nếu ông bị tước chức danh thượng nghị sĩ và bị cấm hoạt động chính trị vì cáo buộc gian lận thuế.

Ngoài ra, đảng Nhân dân Tự do của ông Berlusconi cũng đang phản đối kế hoạch tăng thuế của chính phủ - một phần trong kế sách rộng hơn nhằm giảm thiểu nợ công.

Theo các nhà phân tích, quyết định của cựu Thủ tướng Berlusconi đang đẩy Italy rơi vào nguy cơ khủng hoảng chính trị mới.

Theo đó, Italy được ví von như là một con tàu không có người lái đang đi giữa làn sương mù. Tổng thống Italy Giorgio Napolitano cho biết, đang xem xét các giải pháp để cố gắng thành lập một liên minh mới mà không cần phải tổ chức thêm một kỳ bầu cử.

Thủ tướng Letta hiện đang nắm giữ đại đa số ghế tại Hạ viện và nếu có thể giành được sự ủng hộ từ vài chục thượng nghị sĩ thuộc đảng Nhân dân Tự do (PDL) của cựu Thủ tướng Berlusconi hoặc thuộc các đảng đối lập khác, thì ông có thể thành lập một chính phủ mới. Theo kế hoạch, Tổng thống Napolitano sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Letta để bàn việc tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy.

Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị James Walston của Đại học Mỹ tại Rome nhận định, nếu ông Letta thành công trong việc tìm kiếm liên minh mới, thì chính phủ này cũng có nhiệm vụ rất hạn chế: “Nếu xảy ra thì đó sẽ là một chính phủ với nhiệm vụ rất hạn chế để thay đổi luật bầu cử và đối phó với ngân sách. Ngân sách phải được trình bày trong ngày 15/10 và phải được phê chuẩn vào cuối năm. Nếu không làm được điều này thì có khả năng sẽ phải tiến hành cuộc bầu cử mới”.

Nhiều người cũng lo ngại rằng, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay sẽ làm cản trở các nỗ lực mà Italy hiện rất cần để giải quyết các vấn đề kinh tế của họ, trong đó có nợ công, suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên.

Nhà phân tích James Walston nói: “Nếu Italy không thể giải quyết được với những vấn đề nghiêm trọng, vấn đề về thuế, ngân sách, thất nghiệp thì nước này sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng. Nhiều khả năng Italy sẽ bị các  hãng đánh giá tín nhiệm lớn trên thế giới đánh tụt hạng. Điều đó sẽ làm cản bước các nhà đầu tư nước ngoài đến Italy đầu tư”.

Sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2, Italy phải trả qua một thời gian dài mới thành lập được chính phủ liên minh vì sự bất đồng giữa các chính đảng. Do vậy, việc nội các của Thủ tướng Letta bị "hạ bệ" như vậy khiến Italy có nguy cơ rơi vào khủng hoảng mới./.