Chính phủ của Thủ tướng Italy Enrico Letta đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện sau sự thay đổi lập trường đột ngột của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Italy tạm thời tránh được một cuộc khủng hoảng chính phủ nghiêm trọng và  nguy cơ phải tổ chức tổng tuyển cử sớm.

Ngày 2/10, với 235 phiếu thuận, 70 phiếu chống và 2 phiếu trắng, chính phủ liên minh tả - hữu mong manh của Thủ tướng Italy Enrico Letta đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện 321 ghế.

thu-tuong-y.jpg
Thủ tướng Enrico Letta trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện ở Rome ngày 2/10 (Ảnh: Reuters)

Trước đó, trong bài phát biểu sáng cùng ngày, Thủ tướng Letta tuyên bố sẽ là một “tai họa” cho Italy nếu chính phủ không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Sự ổn định chính trị của Italy sẽ là điều “quan trọng sống còn” để nước này tiếp tục thực hiện những cải cách kinh tế nhằm vượt qua cuộc suy thoái kinh tế được cho là kéo dài nhất trong 20 năm qua.

“Đất nước đang rơi vào nguy cơ. Ngăn chặn nguy cơ này đang phụ thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta, những người đang có mặt tại đây. Hãy bỏ phiếu cho những gì mà chúng ta đã thực hiện trong vài tháng qua. Cuộc bỏ phiếu này không nhằm chống lại ai, mà đây là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho đất nước Italy”, ông Letta nhấn mạnh.

Có thể nói chiến thắng của ông Letta một phần lớn là nhờ sự thay đổi lập trường đột ngột của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi khi tuyên bố đảng Nhân dân Tự do (PDL) do ông đứng đầu sẽ ủng hộ chính phủ.

Phát biểu tại Thượng viện ngay trước cuộc bỏ phiếu, ông Berlusconi cho biết sau khi lắng nghe bài phát biểu của Thủ tướng Letta, theo đó cam kết cắt giảm thuế, thực hiện các cải cách về kinh tế và tư pháp, phe của ông đã quyết định quay lại ủng hộ chính phủ.

Sự thay đổi lập trường đột ngột của cựu Thủ tướng Berlusconi được xem là một sự thừa nhận thất bại khi chính ông là người khơi mào cho cuộc khủng hoảng chính trị vừa qua tại Italy khi ra lệnh cho toàn bộ 5 bộ trưởng thuộc phe trung hữu rút khỏi nội các.

Lý do mà ông đưa ra là để phản đối các chính sách thuế của chính phủ, song theo các nhà phân tích, sâu xa của quyết định này thực chất là do ông Berlusconi muốn cứu vãn vai trò của mình trong Thượng viện.

Quyết định hiếu chiến này sau đó bị chính nội bộ đảng Nhân dân tự do phản đối. Chính vì thế, việc ông Berlusconi bất ngờ thay đổi lập trường cho thấy, cựu Thủ tướng Italy đã mất đi sự tín nhiệm ngay tại chính đất nước của mình.

Dự kiến ngày 11/10 tới, Thượng viện Italy sẽ quyết định có miễn nhiệm ông Berlusconi hay không sau khi ông này bị tòa kết án tù vì gian lận thuế.

Điều quan trọng hơn, kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 2/10 là sự công nhận đối với những nỗ lực của Thủ tướng Letta. Nhậm chức trong bối cảnh chia rẽ chính trị sâu sắc trong nước, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 20 năm, song ông Letta đã chèo lái con tàu Italy vượt qua những sóng gió đầu tiên, đó là kiềm chế được tốc độ suy thoái của nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực đồng euro.

Theo các nhà phân tích, chiến thắng của ông Letta sẽ có tác động tích cực đối với Italy. Chuyên gia phân tích James Wahtson thuộc Đại học Mỹ ở thủ đô Roma cho rằng: “Đây là một kết quả tích cực đối với Italy về ngắn và trung hạn. Bởi nếu chính phủ không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm thì Italy sẽ không thể vượt qua cuộc suy thoái vào đầu năm tới. Tuy nhiên với kết quả này, nhiều khả năng nền kinh tế Italy sẽ tăng trưởng nhẹ trở lại vào quý cuối cùng của năm nay và trong quý đầu năm sau”.

Các thị trường cũng có phản ứng tích cực với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 2/10 tại Italy, song giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay vẫn là vấn đề lớn đối với chính phủ của Thủ tướng Letta. Ông sẽ phải nỗ lực rất nhiều để giải tỏa những lo ngại đối với nền kinh tế Italy, vốn đang khiến các đối tác tại khu vực đồng euro hoài nghi./.