Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone đành phải quyết định sẽ nối lại vòng đàm phán vào thứ Hai (16/2), đây được cho là thời khắc cuối cùng quyết định “vận mệnh” gói cứu trợ tương lai của Hy Lạp.

gre_bscz.jpgBộ trưởng Tài chính Hy Lạp Varoufakis đang bắt tay Tổng giám đốc IMF Lagarde (ảnh: Reuters)
Ông Jeroen Dijsselbloem - Chủ tịch nhóm bộ trưởng tài chính của Eurozone phát biểu tại cuộc họp báo sau khi cuộc họp kết thúc lúc nửa đêm: “Chúng tôi đã có cuộc thảo luận căng thẳng mang tính xây dựng về nhiều vấn đề nhưng chưa thể đi đến kết luận cuối cùng. Hiện tại chưa thể đề cập chi tiết thỏa thuận, chúng tôi cũng không có cuộc tiếp xúc thêm nào nữa cho tới vòng đàm phán tới vào thứ 2 tuần sau”.

Trả lời họp báo với một thái độ tự tin, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Varoufakis nhấn mạnh: “Chúng tôi đang tiến tới cuộc họp tiếp theo vào thứ Hai. Hy vọng sau cuộc họp này, chúng tôi sẽ có được một giải pháp tối ưu cho cả hai quan điểm của Hy Lạp và các đối tác châu Âu”. Hy Lạp cũng nói “không có ý định” rời khỏi khu vực đồng tiền chung.

Hai  bên không đạt được thỏa thuận gia hạn gói cứu trợ 240 tỷ euro (270 tỷ USD) của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Gói cứu trợ Hy Lạp sẽ hết hạn vào cuối tháng 2 tới, tuy nhiên tân Thủ tướng nước này tỏ ra khá cứng rắn trong việc đàm phán thỏa thuận gia hạn gói cứu trợ 240 tỷ euro. Nếu không đạt được thỏa thuận này, Hy Lạp sẽ vỡ nợ và hầu như chắc chắn sẽ rời khỏi Eurozone.

Trước đó tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã thề sẽ hủy bỏ mọi biện pháp thắt lưng buộc bụng mà chính phủ cũ ở Athens đồng ý với EU và IMF để nhận gói cứu trợ. Quyết định này vấp phải sự phản đối dữ dội của các nước EU đặc biệt là Đức. Dự kiến đêm 12/2, Thủ tướng Tsipras sẽ đến Brussels để dự hội nghị thượng đỉnh EU đầu tiên. Tại đây ông sẽ có dịp đối thoại với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Reuters dẫn nhận định của giới phân tích kinh tế thế giới: “chỉ có 1/4 khả năng Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung trong năm nay”. Như vậy, khả năng rất cao Hy Lạp sẽ ở lại Eurozone.

Ông James McCormack, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings nhận định: “Chúng tôi nghĩ rằng Bộ trưởng tài chính EU và các nhà chức trách Hy Lạp sẽ đạt được thỏa thuận và như vậy Hy Lạp sẽ không rời khỏi Eurozone”.

“Phá sản nhưng tự do”

Người dân Hy lạp theo dõi sát sao những động thái của cuộc đàm phán nợ. Ít nhất 10.000 người Hy Lạp đã xuống đường tại Athens và các thành phố khác trong ngày 11/2 để bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ của Tsipras trong các cuộc đàm phán nợ tại Brussels. Những cuộc biểu tình nhỏ khác cũng diễn ra tại Brussels và bên ngoài Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Frankfurt và London.

Biểu tình tại Athens (ảnh: Reuters)
Những người biểu tình bên ngoài tại Athens giương cao biểu ngữ “Phá sản nhưng tự do” và “Chấm dứt chính sách khắc khổ”.

Theo Reuters, chính phủ mới tại Hy Lạp đã đề xuất một giai đoạn chuyển tiếp 6 tháng mà theo đó, Hy Lạp sẽ được phép phát hành nợ ngắn hạn lớn hơn; được nhận lại số tiền thu được từ trái phiếu Hy Lạp mà ECB đang nắm giữ và khai thác quỹ giải cứu ngân hàng không được sử dụng trong khi đàm phán lại các khoản nợ. Athens sẽ hoán đổi các khoản vay của khu vực Eurozone thành trái phiếu liên kết GDP và nợ của ECB sang trái phiếu vĩnh viễn sinh lãi không giới hạn hoàn trả./.