Khu vực đồng tiền chung châu Âu ( Eurozone) ngày 6/2 đã đưa ra điều kiện mới cho Hy Lạp, sau khi chính phủ mới tại nước này tiếp tục khẳng định chấm dứt chính sách "thắt lưng buộc bụng" bất chấp sức ép chính trị và tài chính từ nhiều phía. 

Theo các quan chức Eurozone, nếu Hy Lạp muốn tiếp tục nhận khoản cứu trợ tiếp theo từ các chủ nợ quốc tế, nước này phải nộp đơn gia hạn gói cứu trợ vào ngày 16/2 tới. 

kinh_te_whum.jpgKinh tế Hy Lạp vẫn cần phải cải cách để vượt qua tình trạng khó khăn hiện nay (Ảnh Reuters)

Người đứng đầu nhóm Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone Jeroen Dijsselbloem cho biết, mặc dù việc Chính phủ Hy Lạp tiền nhiệm áp dụng những cải cách theo gói cứu trợ đã có ảnh hưởng bất lợi đối với nước này về mặt xã hội, kinh tế. Tuy nhiên điều này đã giúp Hy Lạp có thặng dư và tăng trưởng kinh tế. Hy Lạp đã có những thay đổi trong suốt bốn năm qua để đưa hệ thống tài chính “cồng kềnh” đi vào trật tự và lấy lại lòng tin của thị trường tài chính. 

Tuy nhiên, các quan chức Eurozone cho rằng, công việc vẫn chưa hoàn thành. Gói cứu trợ cho Hy Lạp dự kiến hết hạn vào 28/2 tới. Khi mãn hạn giải ngân phần cứu trợ tiếp theo đồng nghĩa  với việc Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ cắt nguồn hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng Hy Lạp. 

Trong khi đó, Hy Lạp hiện vẫn chưa thể ổn định thị trường tài chính, khi chi phí vay mượn quá cao và nước này cũng đối mặt với khoản trả nợ khoảng 10 tỉ Euro trong mùa hè này. 

Chính vì vậy, ông Dijsselbloem cho rằng, Hy Lạp phải đệ đơn gia hạn gói cứu trợ "cải cách để đổi lấy tài chính" vào ngày 16/2 tới  để đảm bảo tiếp tục nhận được sự ủng hộ về mặt tài chính. 

Cuộc họp ngày 11/2 sẽ là cơ hội cuối cùng để Hy Lạp đệ đơn mở rộng gói cứu trợ, vì một số nước khu vực đồng Euro sẽ cần sự ủng hộ của quốc hội cho một thỏa thuận như vậy. Quĩ chống khủng hoảng của khu vực- phụ trách cung cấp tài chính cho Hy Lạp cũng sẽ cần thời gian để hoàn thành các thủ tục. 

Ông Dijsselbloem nói: “Bây giờ mọi việc sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Hy Lạp. Họ đã có một số ý tưởng về việc muốn thay đổi hợp tác với các đối tác trong Eurozone. Họ đã trao đổi quan điểm với các thể chế tài chính, các đối tác trong Eurozone. Ngày 11/2 tới, tôi nghĩ là thời điểm thích hợp để lắng nghe Chính phủ Hy Lạp đưa ra đề xuất thúc đẩy các kế hoạch của họ”. 

Mở rộng các chương trình cứu trợ tài chính, thậm chí là tạm thời, cũng có nghĩa là Hy Lạp sẽ phải đồng ý với các điều khoản thắt lưng buộc bụng- vốn là các cam kết mà ông Alexis Tsipras khẳng định sẽ dỡ bỏ khi lên làm Thủ tướng Hy Lạp. 

Một quan chức Chính phủ Hy Lạp ngày 6/2 cho biết, bất chấp sức ép từ các đối tác trong Eurozone tại cuộc họp tuần tới, Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Yanis Varoufakis sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu cầu nào.  

Hiện Hy Lạp vẫn đề nghị một “thỏa thuận bắc cầu” để giúp cho nền tài chính nước này tiếp tục vận hành cho tới khi Athens có thể đưa ra một chương trình cải cách và mức nợ mới. 

Mặc dù một số nhà kinh tế đánh giá lập trường tài chính của Hy Lạp có thể làm giảm bớt căng thẳng cho cuộc khủng hoảng nợ trong những năm tới tại nước này, thậm chí có thể tạo ra thặng dự đầu tiên, song điều này chắc chắn sẽ vấp phải những chỉ trích gay gắt từ các đối tác châu Âu với những đề xuất  về giải pháp chống thắt lưng buộc bụng. 

Bộ trưởng Kinh tế Bồ Đào Nha Antonio Pires De Lima- nước cũng đang phải đối mặt với các cải cách kinh tế để đổi lấy cứu trợ- khẳng định, Hy Lạp cần phải tuân theo các qui tắc của châu Âu và đặc biệt là những “hy sinh” mà các nước khác trong khu vực cũng đang phải hứng chịu. 

“Nếu chúng ta luôn coi phục hồi kinh tế và khôi phục uy tín là điều quan trọng, như Bồ Đào Nha đã làm trong quá khứ, tôn trọng các cam kết tài chính. Nếu chúng ta khắt khe với chính mình và lựa chọn một con đường khó khăn hơn, điều này sẽ giúp  khôi phục uy tín và tăng trưởng trở lại”, ông Lima nói. 

Những bất đồng lớn giữa Hy Lạp và các đối tác Eurozone chưa được thu hẹp làm lu mờ triển vọng đạt được những bước tiến lớn trong vấn đề Hy Lạp tại cuộc họp ngày 11/2 tới. 

Chính người đứng đầu nhóm Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone Dijsselbloem cũng thừa nhận, sẽ không có quyết định quan trọng được đưa ra tại hội nghị lần này và vấn đề bất đồng giữa Hy Lạp và các đối tác Eurozone cần một thời gian dài để giải quyết./.